Chân dung “sao”
Đặc điểm nhận dạng: cái mụn ruồi chình ình trên mép phải, phải chăng vì vậy mà nhiều người khen hắn có duyên và ăn nói hoạt bát (dù sau đó hắn thú thật là… “mỏi miệng quá!”): đó là Nguyễn Công Hạo, SV khoa ngữ văn Anh ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM).
Trong “lịch sử” của tổ chức phi chính phủ FHI (Family Health International), Công Hạo là SV đầu tiên được nhận làm chính thức: phiên dịch kiêm phân tích cơ sở dữ liệu. Lương căn bản 650 USD/tháng và thường được ký những hợp đồng “béo bở” với ICEHA (International Center for Equal Health Access – một tổ chức thuộc FHI tại VN): 1.920 USD/3 tháng, 1.200 USD/2 tháng… Mới đây là một hợp đồng với Vietnam CDC Harvard 300 USD/6 ngày! Thu nhập trung bình: 1.000 USD/tháng!
Hắn làm như điên và học cũng như điên, điểm thường ngất ngưởng trên 8,0. Còn hiện nay? “Chỉ trên bảy phết thôi!” – Công Hạo xụ mặt than. Hắn ớn nhất cụm từ “tập huấn sát nút”. Đó là thời gian mà một ngày bắt đầu lúc… 3h sáng (dịch tài liệu y khoa); nhưng “mình thích những công việc áp lực cao, như thử coi mình có thể xoay sở đến đâu và cũng để sau này có thể phù hợp với nhiều môi trường”. Với “tên” SV 22 tuổi này, khái niệm “ngày nghỉ cuối tuần” là không có và thời gian rảnh rỗi nhất là… giờ dạy thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ…
Không chỉ cho mình, hắn còn tranh thủ tìm việc làm cho bạn bè. Chả thế mà chàng lớp trưởng này được nhiều bạn bè tìm đến.
| |
Nguyễn Thị Thuỳ Linh |
Nhân vật tiếp theo: cao 1,72m, mảnh mai, nhí nhảnh, nữ tính nhưng rất “pro” trong bộ vest vừa từ công ty bước ra, Nguyễn Thị Thùy Linh (SV ĐH dân lập Tin học và ngoại ngữ – Huflit) nở nụ cười thật tươi từ xa với mọi người. Một bí mật: vẫn mê ăn hàng “kinh khủng” và khóc nhè một mình khi buồn.
Cùng một lúc phụ trách “event” (tổ chức sự kiện), làm MC cho hàng loạt công ty tên tuổi (Tiger, Toshiba, Kinh Đô…) và cộng tác với nhiều đài truyền hình trong các chương trình: Mi’s show (BTV), Chung sức, Nhịp sống sôi động (HTV), Mua sắm cuối tuần (CVTV)…, nhưng điểm học của nàng vẫn thuộc hàng top trong lớp (7,3 trở lên)! Ít ai ngờ cô SV cao như siêu mẫu này là giám đốc tổ chức sự kiện của Công ty Điểm Hẹn Doanh Nhân; phụ trách đội ngũ nhân viên đa số hơn mình 5-6 tuổi khi mới tròn 20!
Gia đình khá giả nhưng cô con gái cưng không thích dựa dẫm mà tự ném mình vào cuộc sống từ cuối năm thứ hai. Thùy Linh ra khỏi nhà lúc 7h sáng và thường 6-7h tối mới về. Xót con, ba mẹ bắt ở nhà. Cô nàng trốn đi làm (bằng cách… mặc đồ thường đến công ty rồi thay đồ vest). Là SV, từng làm cán bộ Đoàn nên ngay trong công việc Linh thường tìm cách hỗ trợ hoạt động Đoàn. Cô nàng là một trong những người xây dựng chương trình tài trợ các hoạt động độc đáo của SV do Công ty Điểm Hẹn Doanh Nhân “chủ xị” cùng nhiều doanh nghiệp.
Họ đã làm điều đó như thế nào?
Công Hạo, Thùy Linh… không cá biệt. Chúng tôi còn biết Thanh Hùng (SV năm 3 ĐH KHXH&NV TPHCM) – trợ lý giám đốc nhãn hàng một tập đoàn bán lẻ hàng tiêu dùng danh tiếng của Mỹ, với mức lương 1.200 USD/tháng. Rồi Uyên Phương (ĐH Kinh tế TPHCM) – người duy nhất vượt qua 1.000 SV năm 4 ngoại thương và được Nestlé mời làm nhân viên chính thức khi mới năm 3!…
“Hãy để tôi thử (let’s me try). Mình đều nói như vậy khi nhận một công việc mới” – Công Hạo bảo. Còn Thanh Hùng chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn:
“Trước khi phỏng vấn, tôi cố gắng nắm bắt một số thông tin quan trọng về công ty, vị trí dự tuyển… Trong quá trình phỏng vấn, tôi tìm cách để nhà tuyển dụng thấy rằng tôi sẽ đem lại lợi ích gì cho công ty. Phỏng vấn là cuộc trao đổi bình đẳng. Chúng ta chọn việc phù hợp và tương xứng với khả năng của mình chứ không phải đi xin việc”.
Còn các cô gái? Uyên Phương khẳng định: “Không nên đánh giá công việc qua mức lương. Quan trọng là cơ hội đằng sau công việc. Nên tham gia nhiều cuộc phỏng vấn ở các công ty đa quốc gia. Đó là những cuộc đấu trí đầy thú vị và cho ta rất nhiều kinh nghiệm”.
Riêng Thùy Linh, người thường bị sếp “đuổi” đi ăn trưa vì quên ăn thì “nên làm những gì mình thích và luôn làm hết sức. Khi đó khả năng thăng tiến là lẽ đương nhiên. Tại sao cứ phải cứng nhắc một ngày làm tám tiếng?”. Được biết cô nàng này không bao giờ dừng lại một công việc khi chưa hoàn thành. Phải chăng vì Thùy Linh cho rằng cơ hội ai cũng có, quan trọng là tận dụng như thế nào?