Sinh nhật của những ước nguyện

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 14/06/2005
Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Chú cảnh sát 7 tuổi

Một ngày mùa hè năm 1980 ở thị trấn Phoenix, bang Arizona, nước Mỹ. Cậu bé Chris Greicius đang thiêm thiếp trên giường bệnh, thở khó nhọc bằng chiếc ống nhựa nối với bình dưỡng khí đặt cạnh bên.

Cửa bật mở và một tốp cảnh sát ùa vào, bảo Chris nhanh chóng thay đồng phục để nhận nhiệm vụ. Cậu bé ngơ ngác pha lẫn sợ hãi.

Mẹ Chris vào giúp con trai thay bộ trang phục cảnh sát với phù hiệu và một ngôi sao lấp lánh trên ngực áo. Chris run run đứng xếp hàng cùng những người đồng đội lớn tuổi, nhận nhiệm vụ và nhanh chóng leo lên chiếc môtô bé tẹo của mình (ảnh)…

Một tuần sau, Chris lìa đời, trên tay vẫn nắm chặt chiếc huy hiệu cảnh sát với nụ cười mãn nguyện.

Những người cảnh sát không nhận lời cảm ơn của người mẹ tội nghiệp. Với họ, Chris đã thật sự là một đồng đội. Cậu bé bị ung thư bạch cầu ấy đã sống những ngày cuối đời của mình đẹp hơn cả giấc mơ mà hằng đêm em vẫn thủ thỉ cùng mẹ…

Sau đám tang, người mẹ trẻ và những cảnh sát vùng Arizona bỗng nghĩ rằng sẽ còn rất nhiều em nhỏ cần được nếm trải phép mầu như Chris. Thế là “Make a wish” (tạm dịch: Thực hiện một điều ước) ra đời.

Chiếc áo của Yoni

Sự kiện làm xôn xao thế giới tình nguyện viên của “Make a wish” hiện nay là việc Yoni Dotan, một tình nguyện viên đến từ Israel, đang chuẩn bị chinh phục đỉnh núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro.

Chàng trai 24 tuổi này từng nằm chờ chết vì ung thư khi mới 16 tuổi. Cậu gửi cho tổ chức một điều ước có vẻ không thể thực hiện được: được gặp tổng thống Mỹ Bill Clinton. Vậy mà phép mầu đã xảy ra. Tổng thống Clinton đã viết lên chiếc áo phông của anh dòng chữ làm thay đổi cuộc sống anh mãi mãi: “Tôi đã gặp Yoni Dotan”.

Nghị lực và niềm tin đã chiến thắng, Yoni khỏe dần và trở thành một tình nguyện viên tích cực của “Make a wish” tại Israel.

Yoni nói đầy tự hào trong bản tin hằng tháng của tổ chức: “Tôi sẽ viết thư và gửi ảnh của chuyến leo núi này cho tất cả những em nhỏ mà tôi biết hoặc chưa biết. Có thể tôi cũng vẫn còn yếu sức lắm nhưng các em sẽ cảm nhận được khi chúng ta quyết tâm, phép mầu sẽ xảy ra vì quanh mình luôn có những bà tiên tốt bụng…”.

Tình nguyện viên của Make a wish tại Singapore.

Chúng tôi vào trang web www.worldwish.org và download về chương trình bảo vệ màn hình (screen-saver) theo lời mời của một người bạn mới quen trên mạng. Anh bảo hãy bắt đầu bằng việc nhìn ngắm những giấc mộng trẻ thơ thành hiện thực, hãy tự mỉm cười với những việc làm nhỏ nhất mình có thể làm được…

 

Chương trình nhẹ và dễ cài đặt, chẳng mấy chốc màn hình đã hiện lên một ngôi sao, xoay rất nhanh và biến mất về phía cuối màn hình máy tính để hiện lên hình ảnh một cậu bé Cody ở Queensland, Úc soãi người trên tuyết lạnh.

Cody bị suy dinh dưỡng từ khi mới lọt lòng và không được phép ra khỏi nhà, vậy mà em chỉ mơ ước trở thành một vận động viên trượt tuyết. Thời gian sống của Cody ngày càng ngắn dần, và một ngày nọ, một tình nguyện viên đến gõ cửa nhà Cody.

Tuần sau, cả gia đình em đã đủ kinh phí để thực hiện chuyến đi mà Cody ước mong: được nghịch tuyết, được xỏ chân vào đôi giày trượt và một lần được trao tặng chiếc huy chương bé tẹo do về nhất một cuộc đua dành cho trẻ em. “Make a wish” dùng gương mặt của Cody vào khoảnh khắc ấy để định nghĩa cho từ “niềm vui”.

Trên tuần san Business Week số mới nhất của Mỹ có đăng hình một cô bé người châu Á đang cười rất tươi trên chiếc đu quay với dòng chữ: “Em đang quên mất bệnh tật của mình”.

Hóa ra, trong thế giới của những ước nguyện trẻ thơ, không có gì quá lớn lao, xa vời: em muốn được nhìn thấy biển, em muốn được ra công viên chơi cầu tuột với chị gái, em muốn được ăn kem sôcôla; cháu muốn trở thành phóng viên ảnh, cháu mơ có một cún con…

20 năm qua, những tình nguyện viên của “Make a wish” đã biến 130.000 ước nguyện như thế thành hiện thực. “Nếu bạn muốn đóng góp cho chúng tôi, đó là một điều tuyệt diệu. Nhưng chúng tôi mong các bạn tặng cho chúng tôi thời gian và lòng nhiệt thành của mình, cái đó còn quí giá hơn” – một thành viên của “Make a wish” chia sẻ trong bản tin thư gửi đến mọi người.

Hiện nay, “Make a wish” đã có văn phòng ở 28 quốc gia trên thế giới. Một người bạn ở Singapore giới thiệu trang chính của hội ở Sing: http://www.makeawish.org.sg.

Đó là cánh cửa mở ra một thế giới lấp lánh với lời chào mừng: “Từ khoảnh khắc này trở đi, cuộc sống của bạn sẽ chẳng giống như xưa nữa vì bây giờ bạn đã biết thế nào là sức mạnh của những ước mơ”.

Chợt mơ một ngày gần đây, những trẻ bất hạnh ở VN sẽ có một trang web riêng kết nối cùng “Make a wish” để nói lên những ước mơ bé nhỏ của mình. Để nhắm mắt và hi vọng ước mơ sớm trở thành hiện thực.

Theo Trần NguyênTuổi Trẻ

Exit mobile version