Siêu mẫu Minh Triệu: “Hội thảo nghề người mẫu chưa tìm được tiếng nói chung”.

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 30/12/2015
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Hiện nay, người mẫu là một trong những nghề không thể thiếu của ngành giải trí, thế nhưng cách nhìn nhận đúng đắn dành cho nghề người mẫu và những hoạt động chuyên nghiệp của nghề còn rất hạn chế. Chính vì lẽ đó, trong tuần qua, hiệp hội người mẫu đã có buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề “Thực trạng và đề xuất” với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan và cả những người mẫu quan tâm đến nghề nghiệp cùng đến tham dự.

Trong buổi hội thảo, những vấn đề được đưa ra “mổ xẻ” là những bất cập còn tồn tại trong hội người mẫu cần tìm giải pháp và khắc phục, như: Hoàn thành bộ giáo trình đào tạo người mẫu, lấy đó làm căn cứ tổ chức đào tạo ngành người mẫu chính quy theo quy định của pháp luật; xây dựng được bộ tiêu chí nghề nghiệp, trong đó có quy tắc ứng xử và đạo đức của nghề người mẫu để làm căn cứ đề xuất, phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và xã hội đưa lao động Người mẫu vào danh mục ngành nghề lao động chính thức của nước ta; xúc tiến được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức người mẫu nước ngoài đi trước Việt Nam”.

Tuy nhiên, chủ tịch hội người mẫu – ông Nguyễn Quang Minh cũng đề xuất và kiến nghị các người mẫu tham gia hội để nghề người mẫu có được sự chuyên nghiệp cũng như nâng cao tầm quan trọng của nghề trong xã hội hiện nay.

Người trong nghề nói gì về những bất cập nghề người mẫu

Sau buổi tọa đàm, Top 11 Hoa hậu thế giới Lan Khuê, giải Vàng Siêu mẫu 2013 và hoạt động nghề người mẫu nhiều năm qua và cô cũng đã xác định sẽ theo hẳn con đường người mẫu chuyên nghiệp. Lan Khuê bày tỏ những quan điểm của mình về nghề người mẫu: “Ở Việt Nam, nghề người mẫu là một trong những nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi. Những người làm nghề người mẫu có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển nền công nghiệp thời trang Việt Nam, quảng bá hình ảnh quốc gia. Tuy nhiên trái ngược với sự phát triển mang tính quốc tế hóa của của ngành thời trang Việt thì nghề người mẫu ở Việt Nam vẫn còn tính tự phát. Tính tự phát ở đây nghĩa là không có một trường lớp đào tạo chính quy, không có sự liên kết giữa các công ty người mẫu và các nhãn hàng. Vì thế tình trạng phá giá, ép giá, quỵt cát sê, ăn chặn hay việc mượn danh xưng người mẫu để hành nghề mại dâm là những bất cập không chỉ ảnh hưởng đến nghề người mẫu mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của những người làm nghề người mẫu chân chính”.

Siêu mẫu Lan Khuê, Ngọc Tình có mặt trong buổi tọa đàm

Siêu mẫu Minh Triệu cũng chia sẻ những bất cập hiện nay của nghề: “Tôi là người mẫu bước ra từ một cuộc thi có uy tín, hoạt động trong nghề rất nghiêm túc như rất nhiều bạn người mẫu khác. Nhưng song song đó, có một số người mẫu tự phát, rất khó quản lý, đôi khi những việc đó sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu người mẫu nói chung, đó là một trong những điều tôi cảm thấy hơi băn khoăn. Trong quá trình làm việc, mức cát sê không thống nhất, không nằm ở mức cố định và có rất nhiều trường hợp phá giá, bằng mọi cách để có được một công việc mà không quan tâm liệu có xứng đáng hay không.”

Mức thu nhập của nghề có đủ sống?

Chia sẻ về thu nhập của người mẫu hiện nay, Siêu mẫu Minh Triệu cho biết: “Thật sự thu nhập hiện tại từ nghề người mẫu theo tôi thấy là rất đủ, thậm chí là dư. Nhưng quan trọng là mọi người muốn sống như thế nào, muốn chi thế nào, nếu đảm bảo cuộc sống thì tôi cảm thấy dư chứ không chỉ dừng ở mức đảm bảo. Vì rõ ràng tôi thấy tất cả mọi nghề không riêng gì người mẫu đều cần có sự đầu tư, bản thân tôi bỏ ra vài năm để làm, theo đuổi đam mê, mình muốn có vị trí nhất định, vì tôi hiểu khi mình có vị trí nhất định thì thu nhập của mình cũng theo đó mà ổn định hơn, cao hơn”.

Siêu mẫu Minh Triệu

Tuy nhiên, mức thu nhập của người mẫu cũng còn nhiều điều chưa thỏa đáng so với mặt bằng chung của ngành giải trí, Lan Khuê cho biết: “Cùng là những người sống dưới ánh đèn sân khấu nhưng mức thu nhập của người mẫu tôi xin thưa là thấp nhất so với diễn viên, ca sĩ nếu tính cát sê cho một show diễn. Con số chỉ là vài trăm ngàn cho một buổi chụp hình mất mấy tiếng đồng hồ của một tạp chí, nhưng không phải tạp chí nào cũng đúng hẹn trả cát sê cho người mẫu. Đi diễn thời trang cũng chỉ vài trăm ngàn cho tới dưới 5 triệu đối với những người mẫu không hoặc ít tên tuổi. Những người mẫu tên tuổi hơn sẽ cao hơn nhưng sẽ rất kén show vì không phải show nào cũng đồng ý trả con số đó. Đôi khi vì quen biết hay vì danh tiếng cũng sẽ có trường hợp diễn miễn phí để hỗ trợ nhau. Các người mẫu ở Việt Nam làm việc không qua agency nên khi gặp các vấn đề pháp lý liên quan đến hình ảnh của mình hay các sự việc bị quỵt cát sê, chèn ép sẽ không có ai bảo vệ hoặc không biết cách bảo vệ, đòi quyền lợi cho mình. Đó là điều mà tôi đã, đang thấy nó diễn ra hằng ngày với các đồng nghiệp của tôi và đó cũng là điều tôi vô cùng trăn trở”.

Giải pháp cho nghề người mẫu ngày càng chuyên nghiệp

Sau buổi hội thảo, siêu mẫu Minh Triệu cho biết cô cảm thấy hội thảo lập ra cũng có cái hay, mọi người vẫn quan tâm đến lĩnh vực người mẫu. Tuy nhiên, mức độ thành công của hội thảo thì không được như mong muốn, người đẹp thẳng thắn: “Tôi thấy hội thảo chưa thuyết phục mọi người phải tham gia theo và cảm thấy thỏa đáng để tham gia. Những giải pháp đưa ra chưa ngã ngũ về đâu hết, mọi người vẫn chưa thật sự tìm được tiếng nói chung cho mình”.

“Tôi nghĩ bên cạnh đẩy mạnh việc cấp giấy phép hành nghề cho người mẫu để danh chính ngôn thuận hóa ngành nghề. Thì nên chăng có một mức giá sàn cho cát sê của người mẫu, có một cơ quan có chức năng tư vấn pháp lý, hỗ trợ người mẫu khi có bất cứ vấn đề liên quan. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là cá nhân mỗi người mẫu cần phải có ý thức làm nghề và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể bảo vệ hình ảnh của bản thân và nghề nghiệp”. Lan Khuê đưa ra những giải pháp mà cô nghĩ thiết thực và hữu ích đối với nghề người mẫu hiện tại.

Minh Triệu chia sẻ thêm: “Nếu mọi người muốn hoạt động một cách chuyên nghiệp và thừa nhận đây là một nghề, tất nhiên cần sự tôn trọng và sự quản lý nhất định. Quản lý là hướng tốt để nghề người mẫu là nghề chính thức của xã hội được công nhận, được tôn trọng từ xã hội. Nhưng việc quản lý như thế nào là con đường rất dài và rất khó khăn để cho những người có trách nhiệm và có quyền hành quản lý phải đưa ra một giải pháp, kể cả bản thân họ cũng phải cảm thấy hài lòng với giải pháp đó. Bản thân người chịu sự quản lý như người mẫu cũng cảm thấy thỏa đáng và không ai cảm thấy thiệt thòi khi hoạt động trong một môi trường văn minh và có kỷ luật. Cho nên mọi thứ cần cân đối từ 2 phía, bản thân tôi thì tôi không phản đối việc thành lập hội, nhưng nếu thành lập hội phải có những quy tắc gì để cho những người tham gia vào hội tự nguyện và họ cảm thấy đó là quyền lợi của họ để họ tham gia cũng như đóng góp một phần cho phát triển nghề nghiệp”.

Những vấn đề nổi cộm được đưa ra trong hội thảo nghề người mẫu

Ông Nguyễn Quang Minh, chủ tịch hội người mẫu nhấn mạnh: “Hội người mẫu rất khuyến khích người mẫu tìm đến và gia nhập vào Hội, đưa Hội phát triển và trở thành nghề danh giá. Sẽ tổ chức nhiều cuộc thi tìm kiếm người mẫu hơn nữa so với thời điểm hiện tại khi đã có 3 chương trình trong năm. Đặc biệt, Hội sẽ tổ chức thường niên việc bình chọn người mẫu của năm với tiêu chí đủ đức và tài”.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa – Trưởng Khoa Đô thị học và Quản lý đô thị trường Đại học KHXH & NV TP HCM đã mang đến những góc nhìn rất chính xác về nghề người mẫu. Bà khẳng định: “Đã đến lúc nhà nước cần phải công nhận người mẫu là một nghề mưu sinh, ban hành mã số, thẻ hành nghề. Và người mẫu phải có bằng cấp có giá trị pháp lý như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã làm. Khi người mẫu có bằng cấp, được đào tạo tốt thì sau khi họ không còn đứng trên sàn diễn, họ vẫn có thể mưu sinh trong vai trò nhà tổ chức, đào tạo, truyền thông. Nên nhớ tuổi đời của nghề người mẫu rất ngắn, có khi còn ngắn hơn cả cầu thủ”.

Băng Châu

 

Exit mobile version