Sài Gòn – Hà Nội trong tôi

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 24/11/2012
Lần cập nhập cuối: 15/04/2021

Lãng đãng giữa thời tiết giao mùa mưa và khô của đất Sài Gòn nóng nẩy, đôi lúc ta cũng rùng mình bởi hơi lạnh se se hay bất giác nao lòng trước mùi hương cây cỏ xanh mướt ngút tầm mắt chông chênh.

Đâu dễ gì có thể kiếm tìm một góc yên bình ở Hà Nội như Hồ Con Rùa, công viên đối diện chợ Bến Thành, một góc nhỏ bên lề nhà thờ Đức Bà. Ngồi nhấm nháp hương vị lạ lẫm của bánh tráng nướng vỉa hẻ, vị thơm ngào ngạt và béo ngậy của hồ lô nướng cùng vị giòn tan của đủ loại đồ chiên, thấy cuộc đời thanh thản lạ khi chợt dừng chân sau quãng đường dài mệt mỏi, cùng thưởng thức ẩm thực Sài Gòn tại từng góc phố lạ-bỗng-thân-quen.

Khi chúng ta sống ở một nơi đủ lâu để từng con đường trở thành quen thuộc, đủ lâu để nhớ mặt ghi hình từng hàng cây góc phố, đủ lâu để cảm giác tự dẫn đường quay về nơi bắt đầu đến thì hẳn sẽ khá lạ lẫm và bất ngờ khi rời xa nó và tới một miền đất xa xôi khác.

Nếu như Hà Nội mọi thứ đắt đỏ khiến cho sinh hoạt của những kẻ khốn cùng trở nên quẫn bách thì Sài Gòn trở thành thiên đường cho những tín đồ mua sắm giá rẻ và là miền đất hứa cho những bà nội trợ vừa muốn tiết kiệm ngân sách gia đình vừa muốn có thật nhiều đồ ăn ngon, bổ, rẻ.

Ta vẫn thân quen với một Hà Nội mang dáng dấp của một kinh đô phồn hoa với những nét đặc sắc văn hóa được bảo tồn. Nhưng không khỏi háo hức khi chạm ngõ “văn hóa Sài Gòn” nhìn lại trong túi hành trang nét đẹp người Tràng An vẫn nguyên giá trị dù có trải dài theo không gian và thời gian vô định. Dù có đi tới bất cứ hang cùng ngõ hẻm vẫn thấy toát lên sự khuôn phép cần thiết trên vòng xoáy đạo đức ngày ngày bị mai một theo lối sống phương Tây.


Ta yêu cái đẹp lãng mạn, nên thơ của Hà Nội (Nguồn ảnh Internet)
Nếu như Hà Nội còn thấm vào da thịt đâu đó phảng phất mùi thơm nồng nàn của hoa sữa trộn lẫn với hương cốm vỉa hè phủ đầy góc phố thì đâu đây giữa đường phố nhộn nhịp Sài Thành vẫn cảm nhận được sức sống của từng gốc cây ngọn cỏ thi nhau vươn mầm chào đón nắng mai.
 
Không đỏ nặng phù xa như sông Hồng ngàn năm đất đỏ để mỗi khi đi qua cầu Chương Dương lại phải đắm mình trôi theo những lớp sóng gợn lững lờ trôi, sông Sài Gòn tấp nập thuyền ghe chất đầy hàng hóa từ khắp nơi đổ về, thi thoảng chợt thấy những chiếc ghe sinh hoạt của ngư dân làng chài bỏ biển phiêu dạt lênh đênh trong lòng đô thị vốn xa hoa rực rỡ sắc màu được trang điểm bởi những chiếc cần câu cá hiện đại sớm sớm lại quăng mình ngang con sông để hứng những mẻ cá đầy cho những niềm vui đang gần-trở-nên-trọn-vẹn.

Vẫn quen mỗi lần sang đường ở Hà Nội chỉ cần manh nha ý định đã nhận được sự đồng tình của những người còn lại bằng việc nhường đường dù phố xá vô cùng đông đúc nên càng lạ khi ở Sài Gòn người ta vội vã tới mức không để ý tới những người sang đường để rồi lao xe vùn vụt bỏ lại sau lưng khuôn mặt vừa ngại ngùng vừa sợ hãi của những người qua đường kém may mắn.

 
Nhớ lại những lần cùng bạn bè ngồi nhâm nhi cốc trà đá, nhân trần nơi quán cóc vỉa hè cùng dăm ba gói hướng dương đã trở thành thói quen thường nhật mỗi khi tan sở của dân Hà Nội hay cùng tụ tập chân cầu Ngã Tư Sở làm cốc trà chanh hay me đá ngon lành, hiện tại ta vẫn không khỏi bất ngờ trước những ly nước mía 2 ngàn, những ly nước mát được uống khi ngồi trên xe táp gọn tại vỉa hè hay cơ man những đồ uống nếu không phải dân Sài Gòn thì không thể biết hết tên để gọi.
 
Sài Gòn có quá nhiều đồ ăn vặt để bạn lựa chọn cho thỏa thích, đôi khi có thể khám phá ra những món vừa ngon lạ và rẻ mang hương vị ba miền Bắc-Trung-Nam phảng phất dư vị khác lạ khi thưởng thức nó.
 
Ở đâu đó trong thành phố nhộn nhịp này cũng bắt gặp những quán “Phở Hà Nội”, “Bánh cuốn Thanh Trì”… nhưng đã được những đầu bếp khéo tay kết hợp hài hòa giữa món gốc và nêm thêm những dư vị của Sài Gòn để trở thành những món ăn hỗn hợp cho theo kịp khẩu vị của thực khách.


Mến sự năng động, nhộn nhịp tại Sài Gòn (Nguồn ảnh Internet)
Yêu Hà Nội bởi mùi thơm hoa sữa với cái khoảng lặng yên tĩnh khuất sau lưng những ồn ào của công cuộc mưu sinh vốn đã vội vã và khốc liệt. Càng yêu hơn Hồ Gươm những đêm dài sáng đèn trên cầu Thê Húc, lãng mạn những chiều ngắm Hồ Tây lộng gió đứng kế bên đường Hàn Quốc nghe gió thổi vi vu để bản thân thả hồn theo cơn gió chiều bay xa ngút tầm mắt chông chênh.
 
Mến Sài Gòn cùng những con người luôn thân thiện theo đúng bản chất của ngành cung ứng dịch vụ cho khách, thiện cảm với những bác bán hàng. Càng yêu hơn Sài Gòn về đêm sáng rõ ánh đèn soi tỏ những khuôn mặt tươi tắn say sưa “nhậu nhẹt” qua đêm sau những giờ làm căng thẳng, phố về đêm vẫn tấp nập ánh đèn, vẫn bề bộn đồ ăn và sáng tỏ những con đường lộng gió.
 
Bước chân tới một thành phố khác những thành phố bạn đã từng đi qua, cảm nhận về nó cho tâm hồn lắng lại rồi bất giác rùng mình bởi bình yên hiện hữu văng vẳng quanh đây. Khi cuộc sống trở thành những hành trình thì hành trang mỗi người mang theo vẫn là tình yêu về những điều-khác-biệt-nơi-những-mảnh-đất-mình-đã-từng-đi-qua.

 

Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.

 

Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.

 

Phóng sự trẻ – tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.

 

Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.

 

Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.

 

Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

Đặng Anh Tuấn (tuanda.aic@gmail.com)

Exit mobile version