Quyền Linh: Muốn làm “con sen” để phục vụ gia đình

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 09/06/2011
Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

“Lọ Lem nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng tôi chưa đồng ý vì tôi sợ con mình sẽ… hư trước khi nổi tiếng. Bây giờ bé chưa ý thức về sự nổi tiếng. Khi tôi chở bé ra đường nhiều khán giả gọi chào tôi thì bé nhắc: Có ai kêu ba kìa”.

 

Từng sợ… có con vì không muốn bận rộn, giờ đây anh đã trở thành cha của hai cô công chúa xinh xắn Lọ Lem và Hạt Dẻ, anh thấy thế nào?

 

Đúng là từ khi có con, tôi đã thay đổi hoàn toàn lịch sinh hoạt để có thể dành thời gian ở bên con. Nếu như ngày xưa xong việc, tôi hay la cà với bạn bè đến 2-3 giờ sáng thì giờ đây tôi chỉ mong mau chóng để được về nhà với con.

 

Ngày xưa, tôi thích nghe nhạc trữ tình nhưng chơi đùa với con riết rồi tôi quen nghe nhạc thiếu nhi, hay tìm mua và đọc những quyển truyện tranh hay cho con.

 

Tính tôi ngày xưa nóng như Trương Phi may nhờ thời gian cần mẫn chơi trò xếp hình với con, tôi đã dần kiên nhẫn hơn, cẩn trọng hơn. Tôi nghĩ làm được gì cho con thì tôi sẽ làm, thậm chí cả việc nửa đêm dậy pha sữa cho con.
 
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Quyền Linh

 

Anh nói con cái “giáo dục” lại anh, nhiều người, trong đó có tôi cảm thấy khó tin?

 

Từ khi có con, tôi mới biết cách thay tã, tắm rửa, cho bú bình, ăn dặm, tập đi đứng ra sao, chăm con ốm như thế nào, tập tính kiên nhẫn khi con kén ăn… Công việc cuốn tôi cả ngày thật mệt mỏi nên về nhà, tôi thường cởi giày để đại một góc, vậy là bé Lọ Lem ra mừng ba về luôn canh chừng nhắc ba phải xếp giày lên kệ. Nếu như trước kia tôi có hình ảnh bụi đời, xuề xoà thì giờ đây tôi luôn ý thức về điều này để làm gương cho con. Tất cả những điều đó nếu như không có con thì chắc gì tôi đã để tâm đến. Vì thế, tôi không nói quá đâu khi nhờ con mà tôi có thêm một lượng lớn kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con trẻ và có lẽ sẽ giúp tôi tự tin hơn nếu như được mời làm MC cho lĩnh vực này!

 

Suốt ngày thấy anh trên truyền hình đủ biết anh ít thời gian rảnh rỗi bên con. Để bù đắp lại điều đó, anh có chiều con “tới bến” không?

 

Trái lại, vợ tôi mới là người nuông chiều hai bé nên hai bé sợ ba hơn sợ mẹ. Chẳng hạn, hai chị em vì mê chơi nên… nạnh nhau khi tôi nhờ lấy giùm chiếc khăn mặt. Nhưng tôi nói: “Ba đếm đến 3 là phải có khăn nhé!”, thì chỉ mới đếm đến số 2, hai chị em đã chạy vội đi lấy khăn đưa cho tôi. Tôi đặt tên con gái là Lọ Lem (tên thật Thảo Linh) và Hạt Dẻ (tên thật Thảo Ngọc) để gửi gắm mong mỏi: dù ở tận cùng của sự khó khăn nghèo khổ, các con vẫn vươn lên như những nàng công chúa kia. Hai con sẽ tập thói quen sống cuộc sống bình dị chứ không phải thừa hưởng những gì giàu sang để rồi sinh ra tính ỷ lại, dựa dẫm.
 
Quyền Linh chia sẻ, anh luôn muốn làm “con sen” cho chính gia đình của mình.

 

Chị chiều con còn anh nghiêm. Vậy trong việc giáo dục con, giữa hai vợ chồng có bao giờ phát sinh mâu thuẫn?

 

Khi về nhà thực lòng tôi luôn muốn làm… “con sen” để phục vụ gia đình mình. Những việc gì vợ đang làm dang dở tôi đều lao vào làm, bởi với tôi, việc chăm con còn khó hơn cả việc kiếm tiền.

 

Lọ Lem đang tuổi lớn, biết nhận thức, khám phá cuộc sống xung quanh nên một ngày bé hỏi 1.000 câu hỏi là chuyện bình thường. Chỉ lo trả lời không cũng đủ nhức đầu.

 

Tiếp đến là hàng loạt công việc nội trợ khác khiến vợ dễ mệt mỏi và nổi cáu. Những điều này tôi rất hiểu và rất thông cảm, tuy nhiên trong việc dạy con ban đầu, hai vợ chồng cũng có khúc mắc với nhau. Tôi dạy con theo truyền thống của ba mẹ đã dạy mấy anh em tôi: từ trong gian khó vẫn luôn lạc quan phấn đấu vươn lên. Tôi muốn con có được sự tự lập, thả vào môi trường bình dân cũng sống được chứ không thể quen nếp sống nhà lầu, xe hơi, máy lạnh…

 

Ngay cả việc cho con đi học cũng phát sinh mâu thuẫn. Tôi muốn con học trường nhà nước, vợ muốn con học trường quốc tế. Tất nhiên, cha mẹ nào cũng muốn mang đến cho con cái những gì tốt đẹp nhất và tôi cũng không ngoại lệ. Bây giờ, tôi đủ điều kiện lo cho con học trường quốc tế nhưng lỡ mai sau tôi khó khăn, con phải trở lại ngôi trường nhà nước thì sẽ khó mà hoà nhập được. Chưa kể đến kết quả học tập mà thực tế trong môi trường đó còn dễ nảy sinh tính so sánh, ganh tị: sao bạn đi học bằng xe hơi còn con thì không.

 

Tôi chỉ chở con đi xe hơi khi đi du lịch xa, ngày thường tôi muốn con đi xe máy. Lúc đầu vợ không muốn vì chở con đi bằng xe hơi sẽ an toàn. Giờ con thích đi xe máy hơn xe hơi vì được ngắm mọi người, được thoải mái hơn và đó là thành công của tôi… Tôi phân tích với vợ rằng, tôi muốn giáo dục con từ những điều bình thường nhất. Khi con đã nhận thức được, và có khả năng thì lúc đó con muốn học trường quốc tế cũng chưa muộn. Lâu dần vợ cũng đồng tình với tôi về cách dạy con.
 

Quyền Linh luôn tự hào về hai cô “công chúa” xinh đẹp và đáng yêu.

 

Còn chuyện vợ muốn sinh thêm một cậu con trai để có người nối dõi tông đường, nhưng anh thì không?

 

Đúng vậy! Gia đình tôi cũng khuyên nên có thêm con trai nhưng tôi quan niệm gái hay trai cũng là con mình và thực sự, tôi chỉ muốn sinh hai con. Tôi sẽ chỉ có thêm con khi thấy kinh tế thật ổn định. Điều tôi quan tâm là sinh con ra, phải có đủ sức nuôi con ăn học thành tài. Hiện tại, tôi tự hào vì những gì mình đã làm cho con! Khi xưa, tôi thiếu thốn tình cảm người cha, thiếu thốn vật chất nên tôi sẽ không bao giờ để điều này lặp lại với con.

 

Theo Minh – Thuỷ

Sài Gòn Tiếp Thị

Exit mobile version