Quốc hội trẻ và các vị lãnh đạo 8X

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 10/06/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Họ còn hỏi ngược lại rằng: Nếu Tổng bí thư đầu tiên của Đảng có tuổi đời chỉ ngoài hai mươi, nếu nhạc sĩ Mozart sáng tác những bản nhạc bất hủ lúc mới 13 tuổi thì bao nhiêu tuổi là quá trẻ?

Đó là tôi đang kể về ba bạn trẻ sẽ vào vai Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội trong diễn đàn “Quốc hội trẻ”, những người được “bầu” từ bốn trăm học sinh, sinh viên xuất sắc ở Hà Nội tham gia diễn đàn này vào ngày Chủ nhật 11/6.

Đứng “Độc lập”

Ở những nước mà việc tổ chức các diễn đàn như “nghị viện trẻ em” hay “nghị viện thanh niên” đã trở nên quen thuộc, thông thường các vị lãnh đạo đương nhiệm của bộ máy lập pháp sẽ điều hành luôn các nghị viện không chính thức.

Ban đầu, dự kiến hoạt động của “Quốc hội trẻ” ở nước ta sẽ diễn ra dưới hình thức như một phiên họp toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội hoặc một Phó chủ tịch Quốc hội.

Nhưng rồi, khi có ý kiến đề nghị “trẻ hóa ban lãnh đạo”, thì mọi người đều bảo với nhau rằng: Tại sao không? Thế là một Quốc hội 8X từ trên xuống dưới đã “ra đời”.

Chủ tịch Quốc hội 8X Trương Ngọc Kiểm sinh năm 1983, quê ở miền Quan họ, có vẻ ngoài khó làm người đối diện liên tưởng đến một chính khách hay là một liền anh.

“Ngài” Chủ tịch đẹp trai như tài tử điện ảnh này đến với chính trường từ khoa Sinh của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nơi ngài đã để lại nhiều dấu ấn trên con đường hoạt động chính trị của mình.

Sinh viên Đại học KHTN vẫn thường nhắc đến một diễn đàn trên Internet của trường mình với sự yêu thích, tự hào khá “lộ”, và Trương Ngọc Kiểm chính là admin (quản trị viên) của diễn đàn này.

Kiểm nói: “Khi bắt tay vào làm diễn đàn, chúng tôi đã xác định rằng đây sẽ không phải là một sân chơi giải trí đơn thuần của sinh viên, mà còn là nơi tiếp nhận các thắc mắc, yêu cầu, đề nghị của sinh viên về các vấn đề trong nhà trường, ký túc xá, thư viện. Một diễn đàn để sinh viên có thể đối thoại với lãnh đạo nhà trường ”.

Nói là làm, diễn đàn đã “dám” chủ trương đứng độc lập với nhà trường, để trở thành một địa chỉ tin cậy cho các bạn sinh viên gửi gắm những trăn trở về môi trường học tập của mình, từ việc phản ánh các cán bộ hành chính có thái độ khó dễ khi tiếp sinh viên, đến việc thắc mắc về tiêu chí tuyển cán bộ, hay đề nghị bỏ cách giới thiệu các vị đại biểu dự hội họp một cách dài dòng không cần thiết, kiểu như:

Đến với Đại hội hôm nay, xin giới thiệu Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân, ủy viên Trung ương Đảng… và rất nhiều chức danh khác gắn vào chỉ để thêm “hoành tráng”. Tất cả ý kiến của các bạn sinh viên, dù đó là một vấn đề “nhạy cảm”, đều được admin tập hợp và đặt lên bàn nghị sự của nhà trường hàng tuần.

Bên cạnh những hoạt động chính trị đứng về phía quyền lợi chính đáng của sinh viên trên cương vị Bí thư chi đoàn khoa Sinh, Kiểm còn tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn khác, trong đó có thể kể đến một tập san khoa học trẻ của nhà trường, nơi đăng tải những nghiên cứu ban đầu của các bạn sinh viên do Kiểm tham gia tổ chức và thực hiện.

Tự tin

Phó Chủ tịch Quốc hội trẻ Vũ Văn Tiến, sinh năm 1982, xuất thân dân báo chí. Vị Phó Chủ tịch này là sinh viên đầu tiên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã xuất bản sách (Viết báo thời sinh viên) khi còn “mài đũng quần” trên giảng đường.

Mới đầu, ý định in sách của Tiến không khỏi bị nhiều người phản đối, có những thầy cô còn cho rằng làm như vậy là “ngựa non háu đá”.

Tuy nhiên, Tiến vẫn tự tin thực hiện ý định của mình mà không hề nản lòng trước sức ép của dư luận trong nhà trường, “sách của mình bán được rất nhiều ở các nhà sách, nhất là nhà sách ở ngay… cổng trường”, “ngài” Phó Chủ tịch nói như vậy.

Và không ngần ngại

Hoàng Thị Thu Hà

“Quốc hội trẻ” lần đầu tiên đã có một Phó Chủ tịch thật “duyên dáng và dễ thương” như nhận xét của nhiều vị đại biểu nam. Hoàng Thị Thu Hà, sinh năm 1985, đến với vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội trẻ khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Môi trường của Đại học Khoa học Tự nhiên.

Khi hỏi Hà có “run” không khi ngồi vào ghế Phó Chủ tịch, tôi cứ tưởng cô nữ sinh này sẽ trả lời rằng “mới đầu em rất ngại vì mình là nữ”, nhưng không, Hà nói luôn “em chẳng ngại gì cả”.

Hỏi ra mới biết, Hà là một “nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp”… từ bé, lúc còn học lớp một Hà đã được bầu làm lớp trưởng và sau này khi đến tuổi Đoàn, Hà luôn luôn là Bí thư chi đoàn của lớp mình, những lớp học với sĩ số nghiêng về các bạn nam.

Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, Hà đã hỏi vặn “Quốc hội kỳ này đang thảo luận về dự án Luật Bình đẳng giới. Chẳng phải đã có ý kiến cho rằng giải pháp lập pháp mạch lạc nhất cho dự án luật này là cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới đó sao?”. Tôi chỉ còn biết cười trừ…

“Cậu xứng đáng làm Chủ tịch hơn tớ”

Chính sự thuyết phục ở bề dày thành tích và cách ăn nói chững chạc của Trương Ngọc Kiểm đã dẫn anh bạn này đến ghế… Chủ tịch Quốc hội trẻ.

Chuyện là, theo sự sắp xếp ban đầu của tổ chức thì vị trí của Kiểm sẽ là…Phó Chủ tịch Quốc hội trẻ, còn Chủ tịch là bạn Vũ Văn Tiến. Nhưng trong quá trình làm việc với nhau để chuẩn bị cho phiên họp chính thức của “Quốc hội trẻ”, Tiến đã nhận ra anh bạn Kiểm có năng lực làm Chủ tịch hơn mình…

Thế rồi thật đơn giản, Tiến mời Kiểm đi uống cà phê và nói “cậu xứng đáng hơn tớ”, và cả hai đã đi gặp Ban tổ chức Quốc hội trẻ để thuyết phục việc hoán đổi các vị trí. “Một sự nhường ghế nhẹ như lông hồng!”, Phó Chủ tịch Quốc hội Hoàng Thị Thu Hà bình luận như vậy.

Không đóng kịch

Theo “bà” Phó Chủ tịch: “Mặc dù lần đầu tiên được tham gia vào một sinh hoạt chính trị tầm cỡ Quốc hội, nhưng tất cả mọi công đoạn để chuẩn bị cho diễn đàn Quốc hội trẻ, từ việc soạn thảo văn bản, đến công tác tổ chức đều được thực hiện bởi chính bàn tay và khối óc của những người trẻ. Sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội chỉ mang tính chất kỹ thuật mà thôi”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng đã đánh giá rất cao về các “ông bà nghị” trẻ ở kỹ năng nghiên cứu, soạn thảo văn bản; kỹ năng tranh luận tại nghị trường và thảo luận tổ mà họ đã học hỏi rất nhanh trong quá trình tập huấn, nhất là cách tư duy “hợp tình hợp lý” của các bạn trẻ về một vấn đề thiết thân đang “nóng” trong xã hội là việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Vẫn với vẻ tự tin, Phó Chủ tịch Quốc hội trẻ Vũ Văn Tiến nói: “Đại biểu Quốc hội trẻ, nhất là các đại biểu được đề cử vào Đoàn Chủ tịch và Ban thư ký không chỉ được chọn lựa trên tiêu chí vừa hồng vừa chuyên, điều quan trọng là phải có sự mẫn cảm về chính trị, thể hiện ở góc nhìn và cách phát ngôn của các vị đại biểu đó về các vấn đề kinh tế-xã hội”.

Mặc dù đã tập dượt kỹ càng, các văn bản chuẩn bị cho phiên họp đã sẵn sàng, nhưng “ngài” Chủ tịch Quốc hội trẻ Trương Ngọc Kiểm vẫn khẳng định rằng: “Kịch bản đã lên nhưng chúng tôi không muốn…đóng kịch. Tất cả chỉ là tập dượt, đến phiên họp chính thức của Quốc hội trẻ, các đại biểu sẽ được tự do phát biểu”.

Khi được hỏi về cách thức điều hành tại phiên họp “Quốc hội trẻ”, các vị trong Đoàn Chủ tịch đều chung suy nghĩ là bên cạnh việc thao tác theo các kỹ năng đã được tập duyệt, điều cần thiết hơn là điều hành sao cho “các đại biểu được mở miệng ra”.

Phải chăng đoàn Chủ tịch muốn nhắc đến một cách nói nôm na của Bác Hồ kính yêu rằng: Dân chủ là để cho người dân được mở miệng ra? 

Theo Võ Văn ThànhTiền Phong

Exit mobile version