Gọi là quán cho sang, thực ra nó chỉ nằm gọn một góc nhỏ ở vỉa hè, vừa đủ để ông bà Tư bày mấy nồi chè cùng vài chiếc ghế nhựa cho khách ngồi ăn chè. Dù quán nhỏ, nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách, phần vì chè ngon và cũng để ủng hộ cho vợ chồng già.
Theo bà Tư, bà mở quán chè chỉ sau Giải phóng một năm. “Sau giải phóng, được người bạn chỉ cho làm chè mang ra vỉa hè bán kiếm tiền lo cho gia đình. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ bán đỡ một thời gian cho qua khó khăn nhưng nó như cái nghiệp gắn vào hai vợ chồng. Kể từ ngày làm công việc này, tôi và chồng chưa nghỉ một ngày nào cả”. Bà Tư tâm sự.
Quán chè bắt đầu mở từ 7 giờ tối, hai ông bà dùng xe đẩy những nồi chè nóng hổi vừa mới nấu ở nhà xong mang ra vỉa hè quen thuộc trên đường Nguyễn Kiệm để bán. Đặc điểm để mọi người dễ nhớ tới quán chè của ông bà Tư là cây đèn dầu đã gắn bó với ông bà hơn 40 năm nay. Ở góc nhỏ tối om, ánh sáng chiếc đèn dầu soi vừa đủ để mọi người nhận thấy quán chè ông bà đang mở.
Mặc dù quán được nhiều người biết đến, nhưng ông bà Tư không có ý định tăng giá. “Nhiều người khuyên tôi tăng giá chè lên chứ bán giá như thế làm sao đủ tiền mua nguyên liệu và công sức. Tôi bán chủ yếu khách quen, sinh viên nên giá như vậy là phù hợp, có tăng thêm vài nghìn thì mình cũng không giàu lên được”. Bà Tư chia sẻ.
Quán chè của ông bà Tư đông khách, thường hết sớm. Nhưng có những hôm trời mưa, khách tới ăn chè ít nên hai ông bà phải ngồi đến 2 giờ sáng mới về vì nồi chè chưa vơi đi nhiều.
Ông Tư tâm sự, khi nào hai vợ chồng không đủ sức để bán nữa mới nghỉ. Đây vừa là cái nghề, cũng là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm của họ.
Ảnh & Clip: Nguyễn Quang – Phạm Nguyễn