Chân dung PR quán bar
Một tối tháng 9 trời mưa tầm tã, ngoài đường lác đác vài bóng người, chúng tôi ghé quán bar T.L nằm trên đường Trường Sơn, Q10. Vì vào sớm nên quán khá vắng, vài tiếp viên đang ngồi tán gẫu.
Thấy chúng tôi, một cô gái bước tới gần bắt chuyện: “Mấy anh chị có đi chung với ai hay có đặt bàn sẵn không?”. Khi biết khách không đặt trước, cô gái nhanh chóng dẫn chúng tôi đến chiếc bàn trống gần cửa thoát hiểm.
9 giờ tối, quán bắt đầu đông khách hơn, tiếng nhạc mỗi lúc một lớn. Bàn bên cạnh, cô gái vừa bắt chuyện với chúng tôi ban nãy đã nhập hội với hai người đàn ông và cả ba đã uống gần hết một chai Chivas loại lớn.
Đột nhiên cô gái loạng choạng đứng dậy nhường chỗ cho một cô khác rồi bước nhanh về phía phòng thay đồ. Người quản lý nhét vào tay cô gái một chiếc thẻ nhỏ, cô bạn đồng nghiệp đi cùng ghé tai tôi nói: “Thẻ tính bàn đấy, PR nào cũng phải có trên 5 thẻ mỗi tối, không là rắc rối”.
Tò mò về công việc của cô gái trẻ, chúng tôi tranh thủ bắt chuyện khi cô quay lại chuẩn bị cho đợt tiếp khách khác. Cô cho biết mình tên Bích Vân, mới làm việc tại bar T.L hơn hai tháng. Công việc chính của Vân là trò chuyện, hoạt náo, uống rượu với khách để khách vui vẻ.
Khi có “đào” vào thay thế, PR mới được đứng dậy và tới gặp quản lý để lấy thẻ tip (thẻ tính lượt ngồi bàn với khách – PV). Vân bảo: “Gọi là PR cho sang vậy chứ trong các quán bar thì công việc chủ yếu là giao tiếp, trò chuyện, khuấy động không khí, giữ chân khách ruột.
Nhưng thực tế có mấy ai tới những nơi ồn ào như bar để trò chuyện. Vì vậy nghiễm nhiên những cô gái làm PR trong quán bar kiêm luôn vai trò tiếp viên. Muốn tiếp khách giỏi thì phải uống trên “đô” so với khách, phải biết cách làm cho khách vui. Nghề này đôi lúc rất khắc nghiệt, sự cạnh tranh rất dữ dội. Kiếm được tiền nhưng cạm bẫy cũng rất nhiều. Ai không biết giữ mình sẽ dễ bị sa ngã”.
Cạm bẫy chực chờ
Không ít quán bar, vũ trường vốn là nơi phức tạp, do đó để trụ vững trong nghề, nhiều PR đã phải đánh đổi bằng nước mắt để vượt qua cám dỗ. Bích Vân cho biết: “Lần đầu tiên bị sàm sỡ, em đã thẳng tay hất rượu vào mặt khách rồi bỏ về.
Cứ nghĩ sẽ không bao giờ quay lại công việc đó nữa, nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh em vẫn tiếp tục làm việc và học cách tự bảo vệ cho mình trước sự quấy rối của khách”.
Tuy nhiên, không phải cô gái nào cũng có đủ bản lĩnh để có thể vượt qua những cám dỗ. Hoàng Mai sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc một tỉnh miền Tây Nam bộ. Năm 18 tuổi Mai may mắn thi đỗ vào một trường đại học tại TPHCM.
Sau khi đặt chân tới đất khách, Mai kiếm việc làm thêm để trang trải tiền học phí và sinh hoạt. Đọc thông tin tuyển dụng nhân viên PR cho một quán bar trên đường N.K.K.N, Mai rất mừng vì công việc bắt đầu làm từ 6 giờ tối, không ảnh hưởng đến việc học.
Có ngoại hình xinh xắn và học thức, chỉ một thời gian ngắn làm PR, Mai nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của một đại gia và trở thành bồ ruột của vị này. Được người tình cho nhiều tiền, Mai không còn muốn đi học, cô cũng bỏ luôn công việc PR và trở thành khách hàng quen thuộc của nhiều quán bar, vũ trường, rồi dính vào thuốc lắc, bị người tình bỏ rơi.
Hay như trường hợp của Thủy Tiên, một PR có tiếng của các quán bar thuộc khu vực Q1. Vì có ngoại hình xinh đẹp, ăn nói khéo léo nên khách “ruột” đại gia của Tiên khá nhiều. Điều đó gây chướng mắt cho một số đồng nghiệp và cả tiếp viên. Vậy là họ hùa nhau đánh hội đồng khiến cô phải nhập viện khâu mười mấy mũi. Sau khi ra viện, cô không còn dám quay trở lại mảnh đất “lắm người nhiều ma” kia nữa.
Rất nhiều cô gái trẻ khi chọn công việc PR cho các quán bar đều ý thức được những cạm bẫy chực chờ, nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn quyết định chọn công việc này.
Quỳnh Anh (Q10) chia sẻ: “Là sinh viên của một trường ngoại ngữ nhưng khả năng giao tiếp tiếng Anh của tôi chưa tốt. Vì vậy tôi chọn công việc làm PR cho một số quán bar tại Q1, chủ yếu dành cho người nước ngoài để vừa kiếm thêm tiền vừa có cơ hội nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình. Thực ra không phải quán bar nào cũng đáng ngại”.
Theo Tường Vi – Nguyễn Huân
CA TP.HCM