Tranh cãi chuyện Phương Mai đi giày cao gót ra đường sau một tuần, đi làm sau 10 ngày sinh
MC, siêu mẫu Phương Mai vừa sinh con đầu lòng bằng phương pháp mổ đẻ. Sau đó một tuần, cô xuất hiện rạng rỡ, đi giày cao gót, phối đồ phong cách trẻ ra phố.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi thấy cô đã có thể đi lại, hoạt động bình thường sau một tuần đẻ mổ.
Trong khi nhiều người nể phục thể lực của Phương Mai, số khác lại khuyên cô không nên đi ra ngoài quá sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Phương Mai cho biết, cô chỉ tranh thủ chụp ảnh trên phố khi đi khám sức khỏe.
Và điều khiến nhiều người bất ngờ nhất là sau 10 ngày sinh con, Phương Mai diện váy bó sát, xẻ cao quá đùi làm MC song ngữ. Nữ MC cho biết, chồng ở nhà chăm con cho cô đi làm.
Nữ MC khiến các khách mời bất ngờ với vẻ rạng rỡ, quyến rũ và thoải mái đứng trên giày cao gót suốt 2 tiếng đồng hồ mà không cảm thấy mệt mỏi. Hình ảnh của Phương Mai tiếp tục gây ra tranh cãi trái chiều. Thậm chí không ít người còn thẳng tay “ném đá” nữ MC vì cho rằng cô “quá liều lĩnh, đánh cược với sức khoẻ”.
“Mai lựa chọn chủ động ăn kĩ, ngủ đủ nên mới có sức khoẻ dồi dào”
Trả lời những câu hỏi của PV Dân trí, Phương Mai thẳng thắn chia sẻ: “Khi Mai tiết lộ chuyện mình đi làm ở thời điểm 10 ngày sau sinh, Mai nhận được rất nhiều chia sẻ của các chị em về hoàn cảnh tương tự.
Không phải ai cũng có điều kiện nghỉ ngơi cả tháng sau sinh, có người thậm chí vài ngày sau phải quay lại công việc luôn, có người sinh con ở nước ngoài, càng không có điều kiện tìm kiếm sự trợ giúp mà phải tự tay cáng đáng mọi việc”.
“Công bằng mà nói, mọi người thấy “sốc” khi một người sau sinh như Mai “dám“ ra đường, “dám“ đi làm, trách Mai không chăm lo sức khoẻ.
Nhưng có một thực tế trái ngược là nếu một phụ nữ sau sinh phải ở nhà, một mình lo mọi việc trong nhà, một mình thức đêm hôm chăm con, luôn thường trực nỗi thiếu ngủ… thì mọi người lại coi là chuyện bình thường?
Hai nhu cầu thiết yếu nhất của một cơ thể đang hồi phục chính là ăn và ngủ thì hầu hết mọi người coi nhẹ. Mai lựa chọn chủ động ăn kĩ, ngủ đủ nên mới có sức khoẻ dồi dào để làm mọi việc mình muốn như vậy”, cô phân tích.
“Bản thân Mai cũng có lợi thế khi được gia đình mình, gia đình chồng, đặc biệt là chồng luôn quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện để Mai có thể làm bất cứ điều gì khiến Mai vui. Ví dụ Mai nói muốn đi làm – lập tức chồng sẽ nghỉ ngày đó để chăm con để Mai yên tâm đi làm.
Ai cũng biết rằng, phụ nữ sau sinh cực dễ xúc động và dễ sinh trầm cảm nhưng không phải ai cũng biết nâng niu”, cô tâm sự.
“Mai đã nghỉ một thời gian rất dài để dưỡng thai nên rất nhớ công việc. Chồng và mẹ chồng đều là những người nghiện công việc, trân trọng giá trị lao động nên càng hiểu cảm giác của một người “đang cảm thấy mình vô dụng“ khủng khiếp như thế nào.
Bởi vậy, khi Mai nêu ý định quay lại với công việc, họ chỉ lo lắng cho sức khoẻ của Mai, và khi thấy Mai thực sự khoẻ, họ rất yên tâm và ủng hộ”, Phương Mai trải lòng.
Cô cho rằng, việc nhốt mình trong bốn bức tường, đặc biệt với những phụ nữ năng động là cực hình. Chịu cực hình mỗi ngày thì trầm cảm sau sinh là điều tất yếu.
“Nếu cơ thể đủ khoẻ mạnh, nếu chồng có trách nhiệm san sẻ việc chăm con, nếu có điều kiện nhận được sự trợ giúp từ gia đình hay các chuyên viên, thì chị em cứ đánh son lên đồ ra đường đi ăn, đi làm đẹp cho thư giãn đầu óc, cho nhìn thấy con người”, cô đáp.
“Việc tự ý kiêng cữ vô tội vạ mới gây nguy hại cho sức khoẻ”
Trên trang cá nhân, Phương Mai cũng chính thức đăng dòng trạng thái trước những bình luận phản đối việc cô ra ngoài đường 1 tuần sau khi sinh.
“Đọc bình luận về việc em nó ra đường 1 tuần sau khi sinh, đại loại như: “Cô này tới 40 kiểu gì cũng bệnh đầy người, sao bác sĩ không tư vấn kiêng cữ, đợi đấy về già rồi biết, sinh trưởng ở Việt Nam phải theo kiêng cữ kiểu Việt Nam, thổ nhưỡng ở Việt Nam khác Tây, đừng nghĩ Tây cái gì cũng đúng…
Em thật ra lười giải thích, vì nhận thấy chỉ có hành động là câu trả lời rõ nhất, nhưng đến hôm nay khéo cũng phải nêu vài ý cho rõ ràng, từ chuyện trước bầu đến sau bầu luôn”.
Cô phân tích, luyện tập trong thời gian mang thai là cực quan trọng, giúp duy trì sức khoẻ và nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh. Điều này Phương Mai đã áp dụng. Tuy nhiên cô lưu ý, chống chỉ định cho những người cơ thể quá yếu ớt, có dấu hiệu doạ sảy…
Bản thân Phương Mai sau khi mổ đẻ đã tiếp tục dùng thuốc giảm đau để ngủ được, giúp cơ thể hồi phục.
Cô được bác sĩ chỉ định sau sinh mổ:
Chịu khó tập đi lại, nhất là 24 giờ sau mổ. Việc tập đi lúc này giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, đi lại cũng giúp tránh những vấn đề như dính vết thương, tắc ruột do việc nằm một chỗ trong thời gian dài gây ra.
Ăn uống thoải mái, không kiêng khem gì cả. Cơ thể phụ nữ sau sinh mất một lượng rất lớn các khoáng chất, đặc biệt là calcium. Thiếu hụt calcium tạo ra chứng loãng xương, gây đau nhức. “Việc tự ý kiêng cữ vô tội vạ, kiêng từ bó rau cải đến con tôm dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng mới gây nguy hại cho sức khoẻ chứ không phải do cơn gió nào ngoài đường nha”, Phương Mai nhấn mạnh.
Cô chọn ăn nhạt, tránh mắm muối, sodium như từ xưa đến giờ vẫn vậy – giúp cơ thể không bị tích nước, phù mặt mũi chân tay, sưng đau vết thương.
Tránh lên xuống cầu thang, bê vật nặng hơn 5kg, những hoạt động gây áp lực lên cơ bụng hoặc phải sử dụng cơ bụng, tránh nằm lỳ một chỗ.
Phương Mai nhấn mạnh: “Phụ nữ không phải cái máy đẻ hay con bò sữa. Thay đổi hormone khiến tâm lý sau sinh cực kì dễ xao động. Một đứa “hớn” như em mà bây giờ cũng mong manh như cành hoa mỏng. Chồng quên thoa dưỡng da cho – khóc, chồng cắm mặt vào điện thoại (dù em mới là đứa hay ôm điện thoại) – khóc, chồng đòi mua giỏ mây để góc nhà – khóc. Chưa kể nào đau vết mổ, đau tắc sữa. Dù bản thân chồng và gia đình chồng luôn thể hiện sự quan tâm lo lắng và ưu tiên cho em, câu hỏi đầu tiên luôn là: “Mai ổn không”, sau đó mới là “em bé thế nào”.
Cho nên, em sẽ không gửi gắm đến các anh là hãy thương vợ hơn mà xin gửi gắm đến các chị em thân mến, nếu chưa gặp một người đàn ông có trách nhiệm, thật lòng thương và sẵn sàng đồng hành với mình trong quá trình mang bầu, chăm con, thì đừng vội đẻ”.
Phương Nhung
Ảnh: Trịnh Kim Điền, FBNV