Theo các chuyên gia, an toàn thực phẩm và phòng vệ thực phẩm có nhiều điểm khác biệt. Trong khi an toàn thực phẩm bảo vệ các sản phẩm thực phầm từ những tác nhân gây ô nhiễm không chủ đích; thì phòng vệ thực phẩm là bảo vệ thực phẩm khỏi những tác nhân gây ô nhiễm hoặc đầu độc có chủ đích, vốn rất khó kiểm soát và khó dự đoán.
Chính vì vậy, xây dựng chương trình phòng vệ thực phẩm không chỉ bảo vệ chính bản thân doanh nghiệp, bảo vệ khách hàng; mà còn bảo vệ cho xã hội. Đã đến lúc cần luật hóa việc phòng vệ thực phẩm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Vệt Nam đang hòa nhập vào khu vực và thế giới, và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các chương trình phòng vệ thực phẩm.
Những rủi ro cơ bản có thể gây ra các vụ gây nhiễm thực phẩm chủ yếu đến từ quá trình sản xuất và các yếu tố bên ngoài, ví dụ như khâu nhập nguyên liệu hay khâu bán hàng. Rất nhiều điểm trong dây chuyền sản xuất có thể trở thành điểm “nhạy cảm”, nghĩa là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan có sự xuất hiện của các vật thể lạ, tạo nguy cơ lây nhiễm cao.
Việc lây nhiễm thực phẩm còn có thể đến từ lỗ hổng trong quản lý, do không có thiết bị và quy trình giám sát, không có hàng rào cách ly. Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến việc chống hàng giả trên bao bì, hoặc kiểm soát khâu đóng gói sản phẩm. Nên các khâu này có thể gặp rủi ro xâm nhập, ảnh hưởng chất lượng thành phẩm.
Mía đường là một trong các ngành được xem là dễ bị “tổn thương” bởi nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đến từ các yếu tố bên ngoài rất cao. Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu đó, ngành Đường TTC luôn đặt mục tiêu đảm bảo PVTP lên hàng đầu, từ đó nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm từ Cánh đồng đến Bếp ăn theo tiêu chuẩn Quản lý Chất lượng toàn diện.
TTC đã bắt đầu việc nghiên cứu, áp dụng và rút tỉa kinh nghiệm từ 2010 đến nay để đúc kết thành một quy trình Phòng vệ thực phẩm hiệu quả. Đồng thời, trong năm 2016, TTC mong muốn chia sẻ chuyên đề: “Nâng cao Nhận thức và phương pháp xây dựng Hệ thống về phòng vệ thực phẩm” đến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm vừa và nhỏ Việt Nam nằm tại các tỉnh thành lớn như Tây Ninh, Cần Thơ, Bến Tre, TPHCM, Biên Hòa, Đà Lạt, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Nội, Phan Thiết, Hải Phòng Nha Trang.
Dự kiến chương trình sẽ có sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Hội doanh nghiệp các tỉnh thành, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao… với mong muốn nhân rộng công tác PVTP đến nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh sản xuất, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngày 04/3/2016, tại tỉnh Tây Ninh, TTC và các đơn vị thành viên đi đầu trong công tác phòng vệ thực phẩm như Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp, Sở Y tế Tây Ninh tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức phòng vệ thực phẩm. Đây là buổi đầu tiên trong chuỗi chương trình hội thảo diễn ra suốt năm 2016, chia đều ở các tỉnh thành có nhiều công ty sản xuất và chế biến thực phẩm. Trong nhiều năm nay, TTCS đã ban hành các văn bản, quy định và áp dụng rộng rãi chương trình phòng vệ thực phẩm, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động mang tính cam kết lâu dài của lãnh đạo, và cán bộ nhân viên từ khối văn phòng tới các bộ phận sản xuất đều được tuyên truyền vận động thực hiện.