Ông cũng không giấu ý định giúp nước Nga tìm kiếm những lãnh đạo đủ lực, đủ tài trong tương lai.
Trang web của Tổng thống Vladimir Putin dành cho lứa tuổi học sinh mang tên “Nhận biết tổng thống” (http://www.uznay-prezidenta.ru) mới được cập nhật thêm chuyên đề “Trường tổng thống”.
Click vào trang này, bạn trẻ có thể chọn “người dẫn đường”. Đó là ba nam nữ thiếu niên tuổi 11-12, hướng dẫn các chủ đề khác nhau: Những chương lịch sử Nga, văn học và con người Nga, và về Tổng thống.
Ngôn từ trên trang web đơn giản, dễ hiểu. Chẳng hạn, trong “Bài học về Tổng thống”, các bạn trẻ sẽ được người dẫn đường giới thiệu “Bài học về dân chủ”, với khái niệm dân chủ được giải thích như sau:
“Không có trò chơi nào không có luật lệ của nó. Dĩ nhiên, cuộc sống không phải là trò chơi, nhưng trong cuộc đời cũng giống như trong mọi trò chơi, cũng phải có luật lệ, nếu không, người ta không thể sống chung với nhau.
Làm thế nào đặt ra các luật lệ để các cuộc gây gổ ngày càng ít đi? Dân chủ là một cách thức mà trong đó, khi thiết lập những luật lệ của cuộc sống, tất cả mọi người đều tham gia”.
Vào trang web, người truy cập sẽ biết họ còn bao nhiêu năm để chuẩn bị trở thành Tổng thống (phải trên 35 tuổi), và nếu đáp “Có” cho câu hỏi: “Bạn có muốn làm Tổng thống?”, họ sẽ phải trả lời 10 câu trắc nghiệm để biết mình đủ năng lực làm tổng thống hay không.
Ở mỗi câu hỏi, nếu trả lời sai hoặc đúng, người trắc nghiệm đều nhận được những lời bình thú vị. Chẳng hạn, nếu câu hỏi: “Nếu phải chia một cái bánh cho những người là bạn và những người hoàn toàn xa lạ, bạn sẽ chia thế nào?”, được trả lời là: “Dĩ nhiên phải nhiều hơn cho bạn mình chứ”, “ứng viên” sẽ được “tổng thống” tư vấn:
“Tình bạn quả là điều tốt đẹp. Tình cảm khiến bạn chia cho bạn mình phần hơn là điều dễ hiểu. Nhưng bên cạnh cảm xúc bạn bè còn có cảm giác công bằng. Có thể cảm giác này chưa chín chắn ở bạn, nhưng ai muốn trở thành tổng thống phải có được cảm giác công bằng này.
Nó như sự cảm thụ âm nhạc mà nếu không có nó, bạn vẫn có thể sống được, nhưng nếu không có cảm thụ tốt thì tốt hơn không nên làm nhạc trưởng. Ai không có cảm giác công bằng sẽ không bao giờ là một nguyên thủ tốt”.
Câu hỏi: “Hãy tưởng tượng bạn là Tổng thống, và lúc 16h (ở Matxcơva) bạn phải điện thoại cho thị trưởng Vladivostok. Bạn chọn câu chào nào?”.
Bốn phương án được đưa ra: 1. Buổi sáng tốt lành, ngài thị trưởng; 2. Chào ngày tốt lành, ngài thị trưởng; 3. Buổi chiều tốt lành, ngài thị trưởng; và 4. Xin chào, ngài thị trưởng.
Nếu người trắc nghiệm chọn phương án 1, họ sẽ được thông báo là: “Sai rồi, có lẽ bạn chưa học bài múi giờ của môn địa lý, vì khi ở Matxcơva là ban ngày thì Vladivostok là ban đêm. Câu trả lời nên chọn là: “Xin chào, ngài thị trưởng”. Muốn làm tổng thống bạn phải có kiến thức rộng rãi, nhưng đồng thời cũng phải đa mưu túc trí”.
Là Tổng thống cũng là người phải am hiểu lịch sử, có kiến thức rộng về các dân tộc, tôn giáo thế giới, giỏi tiếng nước nhà, trung thực và có niềm tin vào chính mình: “Với hai ngón tay thôi, bạn có thể bóp chặt bao lâu cái kẹp mà mẹ bạn thường dùng khi phơi quần áo?”, câu trả lời đúng lại là: “Có thể giữ một lúc, nhưng không biết bao lâu vì tôi chưa thử” chứ không phải là “20 phút” hay “hai giờ”.
Bởi vì: “Cứ thử bằng hai ngón tay rồi bạn sẽ biết bạn sẽ không giữ được lâu quá hai phút. Có những thứ tưởng dễ và đơn giản thật ra lại khó khăn và phức tạp. Chỉ ai biết tỉnh táo đánh giá mới có được niềm tin vào chính mình”.
Trong “Trường Tổng thống”, những khái niệm nhà nước và công dân vốn to tát, khô khan trở nên gần gũi và dễ hiểu.
Theo nhật báo Sự thật Komsomol, người đại diện Tổng thống giao tiếp với bạn trẻ là cố vấn chính của Tổng thống – ông G. Oster. Ông cho biết tất cả những bài học đều được đích thân ông Putin “duyệt” vì ông đặc biệt thích chương “Trường Tổng thống”.
Theo Tuổi Trẻ