Một số bạn nỗ lực để vươn lên, song không ít đã bị sa ngã, bị vẻ bên ngoài hào nhoáng của công việc đánh gục.
Lấy đêm làm ngày
Không chứng kiến thì chẳng thể biết rằng, môi trường mà các nữ DJ làm việc vô cùng độc hại. Những cô gái tưởng chỉ biết lấy ánh đèn mập mờ quán bar, với tiếng nhạc chát chúa làm bạn, vui cho giới ăn chơi, hưởng lương cao. Không, họ phải làm việc trong môi trường ngột ngạt đầy khói thuốc, shisha, tiếng ồn ô nhiễm… thật sự rất nguy hiểm mà ngành y đã chứng minh.
Dù ở Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh, mỗi thành phố có tới vài chục CLB, quán bar tổ chức sàn nhảy vào ban đêm. Nhân vật không thể thiếu để làm không khí thêm “nóng” chính là các nữ DJ ăn mặc gợi cảm. Công việc của họ thường bắt đầu từ 21h đêm đến 4h sáng hôm sau.
Trang Kiều, nữ DJ có bốn năm làm nghề ở Hà Nội bày tỏ: “Vào giờ người dân thường đi ngủ thì chúng em vào việc. Công việc là phục vụ khách sàn nhảy. Đã làm thì phải tạo không khí bốc đồng, hòa mình vào đó. Có thể gọi là những người lấy đêm làm ngày. Dù chỉ vài tiếng, nhưng cũng mệt mỏi. Ai không đủ sức khỏe thì khó trụ lắm!”.
Chung nỗi niềm ấy, nữ DJ sinh năm 1995 Trương Tiểu My, đăng quang Miss DJ 2015 cho rằng, nghề như cô phải chịu nhiều thiệt thòi, từ môi trường trên sàn đến môi trường xã hội. My kể rằng, cô quê gốc ở Đà Nẵng, do mồ côi mẹ từ nhỏ nên thiếu thốn tình cảm. Mình bố nuôi cô ăn học.
Thủa nhỏ, My thích múa và đã thi đỗ vào Trường cao đẳng Múa Việt Nam. Nhưng cũng năm đó, bố cô đột ngột vào chùa đi tu. Cái duyên đẩy đưa đến với công việc làm DJ là một lần dự sinh nhật, cô được nhóm bạn đưa đến sàn. Nhìn các DJ điều khiển dàn âm thanh, My đâm mê. Rồi cô quyết định bỏ học múa để học DJ, dù biết kiếm tiền bằng công việc này chẳng hề dễ dàng gì.
Cũng từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi Miss DJ 2015, cô gái cá tính Hồng Ngọc có “nghệ danh” là Rubie đến với nghề được hơn 5 năm. Cô kể, thu nhập từ công việc tuy là khá, nhưng cần phải thức đêm, có sức khỏe tốt, chịu đựng được sự ồn ào.
Hỏi ra, Hồng Ngọc từng là một người mẫu nên có điều kiện quen thân nhiều DJ nổi tiếng. Nhưng kể từ lúc “rẽ ngang” sang công việc này, Hồng Ngọc đã tích cực chơi nhạc trong những quán bar ở TP Hồ Chí Minh.
“Lúc mới vào nghề để vừa trụ được với nghề, vừa có tiền sinh sống thật khó biết bao. Em đã đi làm nhiều đêm, lấy tiền công rất thấp để được biết đến. Rồi sau đó phải chạy show nhiều để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Chính vì làm đêm nên em phải quen với việc ngủ bù vào ban ngày”. Hiện nay, Hồng Ngọc có mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, khiến nhiều nữ DJ khác rất nể phục.
Theo người trong ngành, những năm gần đây, dòng nhạc điện tử (EDM) phát triển, thì nghề DJ cũng nổi lên như một mốt thời thượng. Các bạn trẻ thích thể hiện mình, đã tìm cách “tầm sư”, nhiều trung tâm đào tạo nghề DJ mọc lên. Không ít trung tâm mở trang thông tin, quảng cáo rầm rộ, “vẽ” ra chẳng ít điều phi thực tế. Rằng nghề kiếm tiền rất dễ. Điều đó càng tạo nên sức nóng của “cơn sốt DJ”.
DJ nữ ngoài tài năng âm nhạc có thể phô diễn vẻ đẹp hình thể của bản thân, được đấng mày râu ưu ái hơn. Trong ảnh: DJ Hồng Phấn và DJ Tiểu My.
Ông Wang Trần, Giám đốc Công ty DMC SaiGon, là đơn vị liên kết với một số trường đào tạo DJ, cho biết: “Công việc này phù hợp với bạn trẻ thích năng động, ngày càng nhiều người muốn theo, nhất là nữ giới, vì các bạn ấy còn có thể phô diễn vẻ đẹp hình thể. Nhưng nhiều bạn ảo tưởng rằng đây là công việc đơn giản mà lại “hái ra tiền”. Không phải thế đâu!”.
Hiểm nguy rình rập
Say nghề, nhưng khẳng định nhiều cạm bẫy từ nghề, nữ DJ sinh năm 1995 Diệp Hồng Phấn thốt lên: “Nhiều lúc thấy lạnh gáy”! Hỏi vì sao? Cô gái tâm sự rằng, bản thân đã trải qua rất nhiều nghề, từ làm những việc đơn giản ở quán ăn, quán cà phê từ năm 10 tuổi, đến năm 14 tuổi thì bước chân vào nghề DJ.
Dù có mấy năm kinh nghiệm, từng phục vụ cho nhiều bar lớn nhỏ, nhưng chính bản thân cô cũng không thể lường hết những khó khăn mà cô và các đồng nghiệp phải đương đầu. Nhẹ thì bị chuốc rượu bia có pha thuốc mê, nặng hơn thì gặp phải tai bay vạ gió do thanh niên đánh nhau.
Chuyện thanh niên uống say, không làm chủ được, ném luôn chai và cốc về phía DJ rồi hét ầm ĩ đã không còn hãn hữu. “Có bận đi làm, trên sàn đám thanh niên uống rượu say, đánh nhau. Họ cầm vũ khí rượt nhau chạy tán loạn. Em hoảng quá chạy vào nhà vệ sinh trốn, bất ngờ có kẻ dở trò. May mà em được giải cứu. Lại có lần đang chỉnh nhạc thì có thanh niên gí súng vào đầu, bắt phải chỉnh to lên”, Diệp Hồng Phấn kể.
Hồng Phấn cho biết thêm, người chỉnh nhạc nhiều khi thấy ngộp thở vì đủ thứ khí độc hại. Bởi vậy, đa số người trong nghề mắc bệnh về đường hô hấp. Thậm chí nếu phòng quá đông có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người chỉnh nhạc.
Điển hình như DJ Mỹ Quyên qua đời khi đang đi diễn ở Hải Phòng vào năm 2012. Bản thân Hồng Phấn cũng từng phải vào bệnh viện điều trị vì bị tràn dịch màng phổi. Hay có chuyện nữ DJ nọ, tự hào về nhan sắc mình, rất được cánh thanh niên ăn chơi săn đón. Bọn họ đã giăng bẫy để cô sa vào. Cô bị cuốn theo, ngoài những đêm chỉnh nhạc, là ca hai, ca ba ăn chơi thác loạn, vắt kiệt sức mình. Cuối cùng, cô như quả chanh bị vắt sạch nước. Những chàng trai vẫn đánh ôtô sang trọng đến đón cô ngày nào giờ đã… dốc hầu bao chinh phục những cô gái khác.
“Vất vả làm đêm, cốt để có tiền sinh sống. Hơn nữa để làm được DJ nổi tiếng thì phải học tập quá nhiều, phải có nhan sắc. Có khi còn phải trả giá nữa. Nhưng không phải ai cũng giữ được những đồng tiền kiếm được đâu. Có người tiết kiệm thì giữ được vốn, không thì lại tiêu xài hết. Con gái mà đi bao cho đàn ông, thì tiền tấn cũng hết anh ạ. Rồi hỏng đời luôn ấy chứ!”, một DJ thẳng thắn cho biết.
DJ Ngọc Anh hạnh phúc bên mẹ và em gái.
Thực tế đã chứng minh, ở môi trường có nhiều cạm bẫy, chẳng ít cô gái không giữ nổi mình. Có cô thì từng ngoan hiền, nay mỗi đêm hút hết cả bao thuốc lá. Có cô rơi vào vòng xoáy đổi chác tình tiền, chích ma túy để làm mình “bốc” hơn, nổi trội hơn so với các bạn đồng nghiệp khác, thế rồi lâm vào nghiện nặng không bứt ra khỏi.
Chỉ là bề nổi
Qua tâm sự với các DJ, trong thế giới những người trẻ “cày đêm” cũng có quá nhiều thân phận. Thí dụ như nữ DJ Hồng Phương, là chị cả của gia đình ba con. Bố mẹ ly hôn, cô phải làm nhiều việc để giúp mẹ nuôi các em. Khi lên lớp 10 cô được học DJ miễn phí và đã theo nghề.
Dù không muốn con mang tiếng là “gái gọi”, nhưng bà vẫn phải để con đi làm để nuôi sống gia đình. Giờ thì Phương làm cho hai bar ở Hà Nội. Cô cho biết: “Sau này có tiền, em sẽ thuê cửa hàng mở quán bún ốc”.
Khoảng ba năm trở lại đây, việc cạnh tranh giữa các quán bar, vũ trường trở nên khốc liệt. Họ săn tìm các cô gái xinh đẹp, ăn mặc hở hang, có thể mang lại một vốn bốn lời. Phía các cô gái mới vào nghề, thích thể hiện đã cố tình nốc rượu như nước, ăn mặc hở hang cốt để “dằn mặt” đàn chị. Nhưng những cơ sở có thương hiệu, thì chỉ những người có khả năng chơi trội về âm nhạc mới được giữ lại.
Nhiều cô gái kém về tài năng dạt về những cơ sở nhỏ, quán bia, hoặc chỉ là những câu lạc bộ không tên tuổi. Và những gì nhìn thấy ở họ chỉ là bề nổi. Nhiều người có số phận bất hạnh, sống lang bạt rồi cuối cùng trụ lại với nghề, và thấy rằng DJ là công việc vừa làm vừa chơi, mà thu nhập cao.
Họ có ước vọng kiếm tiền lo cho gia đình, phấn đấu rèn luyện để có thể được mời đi lưu diễn ở nước ngoài. Đúng như lời đạo diễn trẻ Huỳnh Phúc Thanh Nhân: “Để có ánh hào quang trên sân khấu, các nữ DJ phải nỗ lực vượt qua áp lực, rào cản, cám dỗ để phấn đấu và vươn lên. Đó là một hành trình dài, đầy mệt mỏi”.
Còn ông Wang Trần, Giám đốc Công ty DMC SaiGon cho biết, hiện đang có một cơn sốt ảo tưởng về DJ. Nhiều người được ông hỏi đã nói muốn theo nghề chỉ vì nghĩ sẽ giàu có nhanh chóng hoặc lấy được chồng đại gia. Nhưng ông khẳng định, những gì xã hội biết về giới DJ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có người có thể kiếm đến gần 100 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có cô chỉ vài triệu thôi.
“Vì vậy, nếu không có tài năng thật sự thì không nên theo nghề. Không được đào tạo bài bản, và thiếu năng khiếu thì đừng nên lựa chọn, kẻo mất thời gian. Đừng bị cái màu hồng bên ngoài nó đánh lừa”, ông Wang Trần nhấn mạnh.
Theo Lộc Quang
Cảnh sát toàn cầu