Sau một ngày đi thăm quan Thành nhà Hồ, công trường khai thác đá phục vụ xây thành, thăm đàn tế Nam Giao, sáng ngày 5/6, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DT), UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”. Đây là một trong những hoạt động chính khởi động sự kiện Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Các thuộc tính chứng minh cho nét đặc sắc mang tầm vóc giá trị nổi bật toàn cầu của di sản bao gồm: Tòa thành đá được xây dựng bằng kỹ thuật đá lớn, La thành, Nam giao, các tầng văn hóa nối tiếp nhau trong lòng đất lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường đá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ; cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn.
Trải qua hơn 600 năm, Di sản Thành nhà Hồ trường tồn như một minh chứng bất diệt cho một thời kỳ lịch sử sôi động, bi hùng của Đại Việt và những bài học nhân văn vô cùng sâu sắc. Bao bí ẩn còn được lưu giữ dưới lòng đất mà những nghiên cứu bước đầu hé mở khả năng tìm lại một quy hoạch hoàn chỉnh cấu trúc của một đô thị cổ điển hình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Đặc biệt, cảnh quan, môi trường quanh Thành nhà Hồ còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Quanh Thành nhà Hồ còn có hàng loạt các di tích kiến trúc cổ liên quan đến lịch sử Kinh thành và vùng đất Vĩnh Lộc cổ xưa như: Công trình khai thác đá cổ An Tôn, đền thờ nàng Bình Khương, đền thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân, khu di tích động Hồ Công, chùa Du Anh, chùa Tường Vân, các ngôi đình làng và các kiến trúc gỗ dân gian có giá trị cao về lịch sử, nghệ thuật.
Thành nhà Hồ không chỉ là niềm kiêu hãnh của nhân dân huyện Vĩnh Lộc nói riêng, người dân xứ Thanh nói chung mà trên tất cả đó là tài sản vô giá của quốc gia, là hồn cốt của cả dân tộc, là Di sản văn hóa thế giới. Đó là nguồn năng lượng không bao giờ cạn kiệt, nếu biết khai thác sẽ tạo ra sản phẩm – thương hiệu du lịch hấp dẫn, là động lực và cơ hội phát triển kinh tế xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng.
Tại cuộc Hội thảo lần này đã thu hút được trên 50 bản tham luận của các Giáo sư, Tiến sỹ, các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa đầu ngành nhằm đóng góp ý kiến, bàn giải pháp phát huy giá trị Di sản thế giới Thành nhà Hồ. Ngoài ra còn có ý kiến đóng góp của iện các địa phương có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa của Di sản văn hóa ở những địa phương như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long…
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đánh giá Thành nhà Hồ là tài nguyên du lịch ngoại hạng, vượt ra khỏi tầm quốc gia. Muốn phát huy được giá trị di sản, trước tiên phải có nhận thực đúng đắn ở cả chính quyền và người dân; phát huy giá trị tuyệt đối không được xung đột với bảo tồn di sản; phải kết nối được với các điểm du lịch khác trong vùng, trong nước.
Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký UB quốc gia UNESCO Việt Nam khái quát một số ý kiến về giải pháp phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Theo ông Phong muốn phát triển du lịch bền vững, Thanh Hóa phải chú trọng làm tốt công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, bởi còn nhiều giá trị chưa được làm rõ; có kế hoạch quản lý cụ thể và rõ ràng; học tập kinh nghiệm của các nước có các công trình kiến trúc về thành giống như chúng ta, có một số điều kiện tương đồng như: Trung Quốc, Hàn Quốc…; phát triển du lịch phải theo hướng bền vững; trưng bày, giới thiệu với du khách cũng là vấn đề cần quan tâm.
Cũng có những ý kiến đóng góp, Thanh Hóa cần chú ý đến vấn đề huy động người dân trong khu vực tham gia; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến; khôi phục và phát huy giá trị các lễ hội, các di tích, làng nghề truyền thống trên địa bàn; phải nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…
PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, Thanh Hóa cần phải xây dựng một Bảo tàng đúng tầm để trưng bày các hiện vật khảo cổ; làm hố thám sát phục vụ cho du khách tham quan; đẩy mạnh công tác khảo cổ và từng bước tu bổ, tôn tạo công trình.
Hội thảo cũng đã được nghe nhiều giải pháp kinh nghiệm của các địa phương đi trước trong việc phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An.
Bên cạnh đó, một số đại biểu sau khi thăm quan Thành nhà Hồ cũng còn một số ý kiến về việc đầu tư cơ sở hạ tầng như đường vào Thành, việc quản lý dân cư sống trong khu vực Thành, vị trí nhà trưng bày bổ sung chưa hợp lý, việc chống dột cho các cổng Thành cũng cần được quan tâm.
Ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khái quát lại một số ý kiến cơ bản của các đại biểu về giải pháp phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ: “Tỉnh Thanh Hóa phải nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị văn hóa di sản, đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và thiết chế…; đẩy mạnh công tác khai quật khảo cổ học, tôn tạo bảo vệ hạng mục các công trình trên cơ sở bảo tồn, tôn trọng những giá trị vốn có của di sản và Luật di sản quy định; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phải đồng bộ, hiểu quả, đi trước một bước; nâng cao chất lượng dịch bụ và đa dạng hóa sản phẩm di lịch, nhất là sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương; coi trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ cao; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản; quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến, xúc tiến đầu tư du lịch; liên kết, hội nhập, phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền nhằm tạo ra sự phong phú các sản phẩm du lịch….
Duy Tuyên