PG (Promotion Girl) có thể hiểu nôm na là những nhân viên tiếp thị xinh đẹp, thường xuất hiện trong những bộ váy áo bắt mắt với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng khuyến mại…
“Cao 1m62 trở lên, hình thức ưa nhìn, không nói ngọng. Mức lương thỏa thuận theo chương trình và độ phức tạp của công việc…”, đó là yêu cầu chính trong thông tin tuyển dụng của một công ty chuyên cung cấp PG.
Vài năm trước, PG thường chỉ góp mặt ở những sự kiện thương mại đình đám và đa số là người mẫu, diễn viên đảm nhiệm việc này. Còn bây giờ, nhiều cô gái còn ngồi trên ghế giảng đường đã trở thành PG.
Những “thiên thần” này xuất hiện trong hầu hết các chương trình, sự kiện từ nhỏ đến lớn, làm sôi động những Booth (quầy hàng lưu động) trên đường phố hay triển lãm, hội chợ… hút theo cả ngàn con mắt hiếu kì.
Một ngày nắng đẹp, bạn có thể nhìn thấy một hàng dài các kiều nữ trong bộ đồng phục rực rỡ đạp xe rong ruổi trên phố. Đó là các PG đang chạy Roadshow, một trong những hình thức quảng cáo ngoài trời gây ấn tượng.
Hình ảnh các cô gái cao ráo, trẻ trung xinh đẹp phát những gói dầu gội đầu, mời ăn bánh, uống trà ở các siêu thị hoặc trung tâm thương mại cũng đã trở thành quen thuộc.
Người ta dường như đã quen với việc nhận tờ rơi và mời dùng thử sản phẩm ở bất cứ đâu, kể cả tại ngã tư đường phố, tranh thủ lúc dừng đèn đỏ. Giọng nói nhỏ nhẹ, ân cần, lễ phép của PG là “chiêu độc” để thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ mới của doanh nghiệp.
Các kĩ năng đòi hỏi ở PG không khó, đôi khi chỉ là một cái đánh mắt, một nụ cười duyên…, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, yêu cầu số một là ngoại hình. Một cô gái có chiều cao lí tưởng, thân hình cân đối, khuôn mặt khả ái, giọng nói truyền cảm thì sẽ được đơn vị tuyển dụng ưu ái với mức lương rất cao.
Thu nhập của một PG tùy theo công việc và cấp độ “ưa nhìn”, có thể từ 100.000 đến 500.000 đồng/ ngày. Chỉ cần tạo dáng bên một mẫu ô tô mới trong vòng một tiếng đồng hồ, khoe đôi chân nuột nà, nở nụ cười quyến rũ với khách tham quan là mỗi PG dễ dàng bỏ túi 400.000 – 500.000 đồng.
Những góc khuất…
“Thu nhập cao, ăn mặc đẹp, làm công việc nhẹ nhàng, ở nơi lịch sự”, đó là những gì người ta có thể hình dung về PG. Có không ít PG bị cám dỗ bởi những xa hoa, hào nhoáng mà PG tiếp xúc hằng ngày.
P.A từng làm PG 5 năm cho biết: “Theo mỗi chương trình chỉ vài ngày, một tuần, hoặc nửa tháng đã có một khoản bằng lương của nhiều công chức cặm cụi cả tháng trên bàn giấy”.
Trong thế giới sành điệu, thường xuyên gặp gỡ những “đại gia”, người nổi tiếng, khách hàng VIP, đến các khách sạn lớn, thưởng thức những món ăn ngon, không ít những “thiên thần” đã lạc vào vòng xoáy.
Hầu hết những người làm PG là sinh viên. Với công việc này, họ còn có thể tích lũy được vốn sống, kĩ năng giao tiếp và có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống và chưa có những bài học về sự va vấp nên nhiều PG bị sa ngã.
N.K từng là sinh viên trường CĐ Du lịch. Không cao như người mẫu, nhưng bù lại cô có một vóc dáng cân đối cùng khuôn mặt khả ái. Năm học đầu tiên, cô đã theo bạn bè đi làm PG cho một hãng mĩ phẩm.
Từ mối quan hệ này dẫn đến sự quen biết khác, từ chương trình này, cô được giới thiệu làm chương trình khác dễ dàng, do “hình thức được” và “đã có chút kinh nghiệm”. Mải mê kiếm tiền, thường xuyên nghỉ học, bị nhà trường nhắc nhở, cảnh cáo nhiều lần, cuối cùng N.K đã bị buộc thôi học.
Khách hàng không phải người nào cũng tử tế, lịch lãm. Rất nhiều người đã lợi dụng sự nhẹ dạ, ham kiếm tiền của PG để có hành vi xấu.
“Khi làm PG cho hãng rượu, thuốc lá tại một quán bar, một số chị có kinh nghiệm dặn rằng khi xong việc thì về ngay. Nếu có được mời thì đừng uống, kể cả nước uống lon còn nguyên vì lon cũng có thể dùng kim tiêm bơm vào, dễ có thuốc mê hoặc thứ gì đó không tốt” – T.V, sau khi giải nghệ đã tâm sự.
PG tiếp thị bia, rượu tại quán bar, nhà hàng thu nhập cao nhưng buộc phải vui vẻ, tươi cười với những lời trêu ghẹo, hành động sàm sỡ của “thượng đế”. Nếu không có bản lĩnh, các PG rất dễ sa chân, rơi vào cạm bẫy của những gã đàn ông ham “của lạ”, có tiền, lắm mưu mẹo.
Nhưng ngược lại cũng có nhiều cô gái tìm mọi cách, bất chấp mọi giá để tiến thân qua các mối quan hệ, sẵn sàng đi tiệc tùng một đêm với khách để kiếm khoản tiền “bằng năm, bằng mười” việc phát quà khuyến mại hay đứng quầy giới thiệu sản phẩm cả “sô”.
Không phải PG nào cũng biết giữ “khoảng cách an toàn” trong công việc, nhưng vượt qua được tất cả và giữ được mình đừng sa ngã, các PG sẽ trưởng thành. V.A đã tranh thủ làm PG bán thời gian trong thời gian học đại học.
Tích lũy được kinh nghiệm làm việc từ một PG, cô “dắt lưng” thêm một khóa học PR (Quan hệ công chúng và quan hệ cộng đồng). Khi vừa tốt nghiệp ra trường, chưa nhận bằng đã có nhiều công ty mời chào với mức lương hấp dẫn.
Nhạy bén, biết cách tiếp thu kĩ năng xây dựng và quảng bá thương hiệu, cô bước sang làm một PR chuyên nghiệp, vững vàng trong công việc. Hiện cô đảm trách công việc PR cho một công ty thương mại có tên tuổi. “Chẳng có gì dễ dàng, cũng chẳng có gì khó khăn tới mức bế tắc, chỉ cần có ý chí, nghị lực, chịu khó học hỏi là có thể thành công!”.
Đã được coi là nghề?
Doanh nghiệp luôn chú ý việc xây dựng thương hiệu thì ngày càng có nhiều sự kiện quảng bá và đương nhiên, đội ngũ PG sẽ ngày càng đông đảo. Sinh viên vừa đi học, vừa có thể nhận làm PG trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng chính họ cũng không hiểu hết và nắm rõ PG là như thế nào? Phát tờ rơi, đón khách, cài hoa… chỉ thế thôi, nhưng không phải ai cũng làm tốt và làm vừa lòng khách.
Giám đốc một công ty chuyên cung cấp PG cho biết: “Nếu được đào tạo bài bản, PG có kiến thức về MC, trình diễn, giới thiệu sản phẩm… thì những việc đơn giản như cách đi đứng, cười nói, bưng bê… sẽ được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn!”.
Thế nhưng, những công ty này cũng chỉ đào tạo sơ sơ cho PG những gì cần thiết cho chương trình, sự kiện mà họ đã kí hợp đồng. Thực tế, chưa có một địa chỉ đào tạo chuyên nghiệp nào dành cho nghề PG ở Hà Nội cũng như các thành phố khác.
Theo một lãnh đạo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cũng như tìm hiểu từ website của Tổng cục Dạy nghề thì hiện nay, PG không có tên trong danh mục dạy nghề.
Hiện có rất nhiều đơn vị chuyên cung cấp PG trên địa bàn Hà Nội, nhưng phần lớn đều làm theo kiểu “mì ăn liền”, chỉ tuyển dụng PG làm việc thời vụ. Đăng thông tin tuyển dụng PG, tuyển xong đưa đến các sự kiện vừa huấn luyện vừa thực hành ngay tại chỗ.
Đôi khi cũng chỉ cần một cuộc điện thoại cho những nguồn có đội ngũ PG có sẵn. Thế nên, “đa phần các PG đi làm theo mối quen biết, nên không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận thời gian, số tiền được nhận… giao kèo tất cả đều bằng miệng nên việc trả lương chậm, hoặc mất phần trăm “khấu hao” mà trong nghề gọi là “cắt phế” là “chuyện bình thường”.
Vì là công việc tạm thời, thỏa thuận miệng cho nên các PG bỏ việc bất thường cũng là “chuyện thường ngày” bởi nhận cùng lúc nhiều chương trình khác nhau.
Có PG ôm quá nhiều chương trình, chưa kết thúc sự kiện này đã lo thay đồ, “tút tát lại” để kịp chạy đến chương trình khác. Nhiều khi không biết xoay sở ra sao khi hai sự kiện diễn ra cùng một lúc, đành “tắt điện thoại”, chấp nhận lần sau đơn vị tuyển dụng không bao giờ liên lạc nữa.
Một sinh viên làm PG phân trần: “Bọn em cũng cảm thấy áy náy nhưng họ cũng có hợp đồng gì với mình đâu!”. Nhu cầu sử dụng PG trong quảng bá sản phẩm ngày càng lớn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngày càng cao.
Ngoài ngoại hình đẹp, các nhà tuyển dụng đã chú ý nhiều hơn đến các PG có ý thức tự giác cao, có tinh thần trách nhiệm với công việc, có khả năng làm việc nhóm… và trang bị cho họ những kĩ năng nghề nghiệp để giữ uy tín với khách hàng.
Cũng có nhiều PG làm việc rất cố gắng, phục vụ tốt chương trình mà họ đã nhận. Thế nhưng, nếu chưa hướng tới những chuẩn mực, sự chuyên nghiệp, thì PG vẫn chưa thể được coi là một nghề và được xã hội tôn trọng. Tất cả cũng chỉ “đóng khung” trong hai chữ “bán dáng” mà thôi.
Theo Khánh Vy
Tuổi trẻ thủ đô