Thủ lĩnh của “Xanh lên”
Hẹn hò mãi mới gặp được James Kendall. Những ngày này anh đang mải mê với nhóm Keep Hanoi Clean (Giữ Hà Nội sạch) để chuẩn bị cho những dự án bảo vệ môi trường mới. James nói tiếng Việt kha khá, chủ yếu là tự học. Trong quán café nhỏ, chàng trai 34 tuổi bẽn lẽn hơn nhiều so với hình ảnh hùng hổ khi lăn xả bới rác ở các kênh mương hôi thối hay những nghĩa địa đầy rác thải, kim tiêm.
James thích nói về những công việc của Keep Hanoi Clean. Nói say mê như cái cách các ông bố vẫn nói về những đứa con của mình.
Nhóm Keep Hanoi Clean được James thành lập đúng vào ngày Quốc tế Lao động vừa qua. Lý do rất giản dị: “Tôi thấy nhiều nơi ở Hà Nội rất bẩn và muốn kêu gọi thêm vài người bạn ngoại quốc cùng tôi làm sạch chúng.
Những người bạn của tôi làm giáo viên tiếng Anh đều chủ yếu đi dạy vào buổi tối, ban ngày họ khá rảnh rỗi, chỉ đi chơi, uống cà phê, gặp gỡ bạn bè, vậy thì tại sao không rủ họ dùng thời gian rảnh rỗi để làm những việc có ý nghĩa”, James chia sẻ.
Tuy nhiên, điều khiến James bất ngờ là sau khi fanpage Keep Hanoi Clean được thành lập, không chỉ có những người bạn nước ngoài của anh mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã tìm đến để bày tỏ mong muốn được chung tay.
Slogan của nhóm Keep Hanoi Clean là “Xanh lên”. Hiện tại, nhóm đã có hơn 8.000 thành viên, 50- 60 người hoạt động tích cực, trong đó, có khoảng 20 thành viên thường xuyên gặp gỡ nhau để trao đổi và lên kế hoạch dọn vệ sinh các khu vực vườn, cống rãnh, bãi chứa vào mỗi cuối tuần.
Thành viên của nhóm cũng rất đa dạng. Từ người Việt đến những người nước ngoài, từ sinh viên đến người đi làm, từ những em nhỏ 4- 5 tuổi theo chân cha mẹ đi dọn rác đến những cụ già 70 tuổi cũng đến tham gia.
“Tôi thấy không phải người ta không có ý thức bảo vệ môi trường, cái họ cần là những người khởi xướng, đi đầu. Khi thấy tôi lao xuống cống rãnh, những nơi đầy rác và hôi thối để dọn dẹp, họ cũng đến và mang theo cuốc xẻng”, “ông Tây móc cống” kể lại.
Công việc chủ yếu của James và Keep Hanoi Clean là dọn sạch các cống rãnh trên địa bàn Hà Nội. Những khu đất mà nhóm đến để dọn vệ sinh thường ô nhiễm cả trên bờ và dưới nước. Rác trên bờ còn dễ xử lý nhưng khi dọn dưới nước thì nhóm gặp rất nhiều khó khăn như không đủ dụng cụ chuyên dụng, đồ bảo hộ, thậm chí thời gian đầu, các thành viên phải mượn chiếc lồng bàn cũ của người dân để vớt rác.
“Sau khi công việc của nhóm được nhiều người biết đến, có nhà tài trợ đã tìm gặp và đầu tư cho chúng tôi những bộ đồ bảo hộ tốt hơn. Nhờ vậy, chúng tôi cũng yên tâm hơn khi làm việc dưới cống rãnh hay nhặt kim tiêm trong các nghĩa trang, công viên”, James vui vẻ khoe.
Khi được hỏi vì sao lại chọn dọn mương, dọn cống, một công việc không phải ai cũng dám làm, James chia sẻ đơn giản vì nguồn nước rất quan trọng, nếu mương bẩn sẽ có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Như rất nhiều chàng trai nước ngoài đến Việt Nam, James cũng mơ ước sẽ cưới được một cô gái Việt và có một gia đình nhỏ xinh xắn.
Đó nhất định sẽ là một cô gái yêu âm nhạc, phim ảnh, yêu môi trường và có thể sẵn sàng xắn tay cùng anh… xuống cống dọn rác.
Điều khiến James chạnh lòng nhất là vẫn có một số người chưa hiểu được công việc mà nhóm đang làm. Anh kể: “Họ đứng lại chỉ trỏ “tây ba lô kìa”! Thậm chí khi chúng tôi muốn trồng cây xanh ở những bãi rác vừa dọn thì họ ngăn cản vì cho rằng trồng rồi sẽ không ai chăm sóc, hay trồng rồi sẽ tạo điều kiện để nghiện ra đấy hút, chích… Cũng may, số người như vậy không nhiều”.
Hiện tại, nhóm cũng đang gặp khó khăn khi dự định xây dựng một chỗ vui chơi cho trẻ em ở bãi rác vừa dọn dẹp sạch sẽ trên một khu phố ở Hồ Tây. Tuy nhiên, sau khi dọn sạch rác thì một người dân đã đến và nhận là chủ đất ở đó, vì thế, nhóm đang chờ quyết định của Ủy ban phường.
James bảo, để công việc có hiệu quả, nhóm luôn lên kế hoạch cẩn thận. Khi tìm được địa bàn cần làm sạch, nhóm đều xin ý kiến của lãnh đạo địa phương, nghiên cứu kỹ đất trong khu vực, nguồn nước… để chọn loại cây trồng phù hợp. Ví dụ: không trồng bèo tây vì biết mọc rất nhanh, khó kiểm soát. Hay trồng hoa súng thì phải quây lại để tránh việc cây lan nhanh, gây tắc cống… Hạnh phúc nhất là khi quay lại bãi rác ở phường Yên Hòa, nơi anh từng dọn nay đã được xây thành vườn hoa.
Hành động đẹp của “ông Tây móc cống” và nhóm Keep Hanoi Clean đã giúp James vượt qua 2 đề cử khác là “Sự kiên quyết xử lý sai phạm tại công trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội của các cơ quan chức năng” và “Chương trình Radio Bài ca Hà Nội” do Vũ Đặng Hùng, Nguyễn Trương Quý và ca sĩ Giang Trang thực hiện, phát sóng trên FM.90Mhz, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội” để giành giải thưởng Bùi Xuân Phái 2016 ở hạng mục “Việc làm”.
James bảo lúc lên nhận giải thưởng, người anh nghĩ đến chính là mẹ. “Hẳn mẹ tôi sẽ rất tự hào khi biết tôi nhận được giải thưởng này. Đây là công sức của cả nhóm Keep Hanoi Clean, những người bạn luôn sát cánh cùng tôi trong những ngày qua”. James cũng khoe rằng anh rất thích được gọi bằng những cái tên như “ông Tây móc cống” hay “hiệp sỹ dọn rác” và càng thích thú hơn khi có ai đó gọi mình là “ông Tây vì tình yêu Hà Nội”.
Cứ đến cuối tuần, James và các thành viên của Keep Hanoi Clean lại tìm đến những nơi tập trung rác bẩn để dọn dẹp. Ảnh: Nhã Khanh.
Dọn rác, và hơn thế nữa…
James Kendall đã phải lòng Hà Nội ngay từ lần đầu tiên sang thăm người anh trai đang sống và làm việc tại Việt Nam. Mới đó mà cũng đã 3 năm, anh gắn bó với những con người, những đường phố thân thuộc nơi đây. “Tôi yêu Hà Nội từ món ăn tới văn hóa và con người. Thứ duy nhất mà tôi không thích ở Hà Nội là sự ô nhiễm và tôi đang cố gắng để thay đổi nó”, James tâm sự.
Anh chàng cũng tiết lộ, thật ra ban đầu mới sang Việt Nam, với kinh nghiệm 10 năm làm nghề mát-xa trị liệu chuyên nghiệp, James đã háo hức tìm đến một trung tâm mát-xa để xin việc với mong muốn mang những kỹ năng của mình để chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Tuy nhiên, sau 2 tháng làm việc, anh đã xin nghỉ vì phát hiện ra với người Việt, mát-xa là một nghề không được coi trọng vì rất… mờ ám và đen tối. James chuyển sang đi dạy tiếng Anh cho trẻ con, vừa được chơi với trẻ, vừa có vẻ “sang trọng” hơn so với công việc mát-xa ở xứ này.
Hiện tại, “ông Tây dọn rác” khá bận rộn với công việc dạy tiếng Anh cho một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy vào buổi sáng, dạy thêm ở nhà vào buổi tối và hầu hết buổi chiều anh dành cho Keep Hanoi Clean.
Chàng trai người Mỹ thẳng thắn chia sẻ, việc làm của anh không đơn thuần chỉ là dọn dẹp rác thải ở các điểm dân cư, mà điều cốt lõi anh muốn hướng tới đó là thay đổi nhận thức của người dân về việc để rác đúng nơi, không vứt rác bừa bãi và bảo vệ môi trường.
Sắp tới, nhóm của James sẽ kết hợp với một đơn vị tài trợ đến trường THCS Phù Lưu Tế ở Mỹ Đức, Hà Nội để tổ chức hàng tuần những buổi sinh hoạt, hướng dẫn trẻ em làm đồ vật sáng tạo từ những vật liệu tái sử dụng. Anh cũng ấp ủ cùng mọi người tổ chức một Hội chợ xanh, giới thiệu những sản phẩm thân thiện với môi trường, có những buổi chia sẻ cách bảo vệ môi trường cho người dân.
“Tôi thấy rất nhiều người nói về tình yêu quê hương, đất nước nhưng có lẽ chỉ nói không thì chưa đủ. Trong tương lai, chúng tôi không chỉ làm sạch rác đô thị mà còn muốn khôi phục lại sự sống cho những con sông bẩn tại Hà Nội. Không chỉ vậy, nhóm cũng sẽ mở rộng phạm vi lên Ba Vì, nếu có điều kiện sẽ đến các tỉnh thành khác trên cả nước”, “ông Tây vì tình yêu Hà Nội” tiết lộ.
Là một người yêu nghệ thuật, James cũng thích nghe nhạc, xem phim lúc rảnh rỗi. Thi thoảng, anh dành thời gian lang thang phố cổ uống cà phê, ngắm phố phường. Đặc biệt, từ hồi trở thành thủ lĩnh của Keep Hanoi Clean, bỗng dưng James lại có thêm thói quen mới: đi đâu cũng săm soi, xem chỗ nào rác bẩn, thậm chí chụp ảnh lại cẩn thận để lên kế hoạch cùng đồng đội đến “tác chiến”.
Theo Thanh Hương
Tiền phong