“Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền”
Ở cái tuổi đôi mươi, Nguyễn Tài Thiệp nổi tiếng là chàng trai có nhiều tài lẻ, lại thêm vẻ ngoài thư sinh nên đã “hớp hồn” không ít cô gái trong làng. Tuy nhiên, người con gái Thiệp đem lòng yêu thương lại thẳng thừng từ chối tình cảm bởi chê ông nghèo khổ, bệnh tật. Đang trong lúc đau khổ nhất, bất ngờ Thiệp nhận được lời tỏ tình từ người em họ của cô gái đã khước từ mình.
Yêu nhau được một thời gian, hai người tính đến chuyện hôn nhân. Nhưng một chàng trai sinh ra trong gia đình nông dân, đến ruộng cũng không có để cày thì làm sao đủ tiền lo sính lễ cưới hỏi. Thiệp đánh bạo nói với người yêu: “Anh chẳng có tiền. Nếu muốn cưới, em hãy tự bỏ tiền ra mà lo liệu”.
Những tưởng sau lời nói ấy, cô thôn nữ tên Bùi sẽ chần chừ mà nghĩ lại. Không ngờ, cô đồng ý ngay tức khắc. Sớm hôm sau, hai người chở nhau trên chiếc xe đạp Thống Nhất, đi quãng đường gần 30km ra Hà Nội sắm sửa chăn chiếu, đồ cưới.
Lấy nhau được 4 năm, ông lên đường vào Nam nhập ngũ. Trong thời gian ấy, bà ở nhà làm đinh, hàng ngày đem ra chợ Đồng Xuân bán, dựa vào ít tiền lãi mà rau cháo tằn tiện nuôi các con. Đều đặn, tháng nào 2 ông bà cũng viết thư tay qua lại, dặn dò và trao cho nhau lời thương nhớ tình cảm.
Khi nghỉ hưu, ông tự nhủ phải bù đắp cho những chuỗi ngày xa cách, vất vả của vợ. Hàng chục năm trời, từ lúc lấy nhau đến lúc bà nhắm mắt xuôi tay, 2 vợ chồng chưa một lần cãi vã hay xảy ra mâu thuẫn. Ông nói rằng, vì bà là người phụ nữ Việt Nam truyền thống nên lúc nào cũng nhường nhịn chồng, một dạ hai vâng cho ấm yên cửa nhà.
Mặn nồng với nhau được ngót hai chục năm thì bà Bùi lâm bệnh nặng. Ông tự tay chăm sóc bà rất chu đáo, nhất định không rời vợ lấy nửa bước. Trước khi mất, vợ ông nói không muốn rời xa chồng, muốn ở bên ông muôn đời, muôn kiếp. Lúc ấy, ông Thiệp nước mắt cứ chực tuôn trào. Nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé của vợ, ông nghẹn ngào đọc lên mấy câu thơ tự làm: “Chữ tình cùng với chữ duyên/ Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền”.
Địa đàng “vườn yêu” dành tặng người vợ đã khuất
Khi bà mới mất, ông xót thương, tiếc đến ngất người. Phải đến 2, 3 tháng, ông vẫn ngẩn ngơ như người mất hồn. Vốn dĩ trước đó vợ ông chôn cất ở cánh đồng xa, tuổi cao sức yếu nên thi thoảng ông mới ra thăm mộ. Đến năm 2013, khi sang cát đưa vợ về nghĩa trang gần nhà, ông Thiệp mới yêu đời trở lại.
Mộ xây xong cũng là lúc ông Thiệp xách hành trang ra đó ở. Ông quan niệm, đã là vợ chồng thì phải đồng kham cộng khổ. Nay bà ấy vì bệnh tật mà mất trước, như thế là rất thiệt thòi nên ông muốn bù đắp. Phải mất tới mấy tháng, những người con của ông Thiệp mới khuyên được bố không ngủ lại bên mộ mẹ.
Hướng ánh mắt về phía xa xăm, ông Thiệp cất lời: “Khi sống, bà ấy rất thích cây cối, hoa quả và mơ ước có một khu vườn. Nhưng do không có đất, mơ ước đó cũng dang dở. Chính vì vậy tôi dựng lên cả một khu vườn đầy hoa thơm, trái ngọt xung quanh nơi yên nghỉ của vợ để thỏa ước mơ của bà ấy. Cũng có thể coi đây là chút tình cảm cuối cùng tôi làm được cho vợ mình”.
Bây giờ, quanh mộ vợ ông tứ bề xanh ngắt. Hễ có chỗ đất nào còn trống là ông Thiệp trồng cây. Đó thường là những loại cây khi còn sống bà Bùi rất thích. Mỗi cây ông đều treo lên đó một tấm biển ghi rõ là tặng vợ nhân dịp gì. Với ông Thiệp, cây nào cũng mang kỷ niệm nhắc nhớ tới người vợ hiền.
Khu vườn được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận từ hàng rào đến từng luống rau, khóm thuốc. Nhẽ ra, vào nghĩa địa thì chỉ thấy những ngôi mồ lạnh ngắt, ma mị, nhưng góc “nhà” của bà Bùi là khu vườn với đủ loại cây trái, hoa màu xanh um.
Ông Thiệp tận dụng những cành cây, que củi và sắt thép mà mọi người không dùng tới để làm hàng rào cho “vườn yêu”. Đặc biệt, ông cứ nói mãi về 5 cây tùng trồng quanh mộ bà, tượng trưng cho 5 người con luôn kính yêu, thương nhớ và mãi mãi ở cạnh bên mẹ.
Hàng ngày, ông ra thăm mộ bà 2 lần, mỗi lần 2-3 tiếng. Khi có bạn bè hay khách phương xa đến hỏi thăm, dân làng thường chỉ thẳng ra nghĩa trang. Người ta đã quá quen với việc ông cặm cụi hàng ngày nơi góc vườn nhỏ, vừa chăm sóc cây cối, vừa làm thơ, trò chuyện như hồi bà còn sống và ngồi lặng nơi đó hàng giờ đồng hồ.
Mộ được thiết kế hai ngăn, khum hình mái nhà, bên phải dành cho bà, bên trái dành cho ông. “Tôi thiết kế mộ đôi để sau này xuống suối vàng rồi vẫn được ở chung nhà với bà ấy, được chăm sóc và san sẻ mọi nỗi vất vả như trước kia. Đến lúc đó, hai chúng tôi sẽ chẳng còn ai cảm thấy cô đơn nữa, mãi mãi chẳng rời xa”.
Nói đến đây, ông Thiệp bỗng nghẹn lời…
Hoàng Ngọc