Nữ sinh viên có tài… thuyết khách

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 10/10/2008
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Vũ Thanh Hà – sinh viên năm thứ 3 lớp E14 Khoa Kinh tế Đối ngoại, Trường đại học Ngoại thương Hà Nội luôn thu hút người nghe bằng lối nói chuyện mềm mỏng, khéo léo nhưng cũng không kém phần quyết đoán, tự tin. Đó cũng là lý do bạn bè tín nhiệm bầu vào chức chủ tịch CLB Nguồn Nhân lực của Trường đại học Ngoại thương – là CLB đầu tiên của sinh viên hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn việc làm cho sinh viên.

Giữ chức chủ tịch CLB Nguồn nhân lực – CLB có 35 thành viên và hàng nghìn “khách hàng” cần được phục vụ đó chính là sinh viên của trường – Hà bảo đó thực sự là chiếc “ghế nóng”. Bởi vì với sinh viên, dù đang học hay đã ra trường, thì việc làm luôn là điều được họ quan tâm nhất. Hà đã có buổi chia sẻ đầy thú vị với Dân trí xung quanh hoạt động của CLB Nguồn Nhân lực trong vấn đề giúp đỡ sinh viên hướng nghiệp.

Dường như đây là CLB sinh viên của một trường đại học hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn việc làm, ý tưởng nào để ra đời CLB này ?

Là CLB của sinh viên nên chúng mình hiểu sinh viên cần cái gì nhất, thiếu cái gì nhất để tìm được việc làm phù hợp. Ý tưởng thành lập CLB Nguồn Nhân lực cũng xuất phát từ mục đích này. CLB Nguồn Nhân lực ra đời nhằm kết nối sinh viên với doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

CLB Nguồn Nhân lực đã 3 lần tổ chức Festival tuyển dụng dành cho sinh viên khối ngành kinh tế, được xem là CLB đầu tiên của sinh viên tự tổ chức một Festival tuyển dụng tương tự như các hội chợ việc làm nhưng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn rất nhiều. Bằng chứng là có hơn 50 doanh nghiệp tham gia, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như Panasonic, Unilever, FPT, Euro Windows…

Hà có nhận xét các doanh nghiệp khi tuyển dụng cần sinh viên gì nhất ?

Mỗi doanh nghiệp có một yêu cầu khác nhau, nhưng tựu chung thì họ rất thích mẫu người năng động, có kinh nghiệm thực tế, có khả năng hòa nhập nhanh với môi trường công việc. Thưc tế kiến thức chuyên môn mà sinh viên có được ở trường đại học không phải là tiêu chí để các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, mà cái họ cần là sự nhạy bén, năng động.

Qua khảo sát, đa phần doanh nghiệp đều phải đào tạo lại sinh viên khi tiếp nhận vào môi trường công việc. Họ cũng sẵn sàng đào tạo lại từ đầu cho sinh viên, nhưng đó phải là những người mà họ đánh giá có khả năng trở thành nhân viên giỏi, đáp ứng được những mong đợi trong công việc, vị trí được giao.

Nói như Hà thì sinh viên của chúng ta còn “hổng” nhiều kiến thức?

Không hẳn là như vậy. Sinh viên bây giờ ngày càng năng động hơn, nhạy bén hơn. Đó cũng là điều dễ hiểu khi xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Sinh viên nào không tự biết cách hòa nhập với yêu cầu của xã hội tự thân họ sẽ “trượt” ra khỏi đường ray phát triển.

Còn nhớ trong một buổi tiếp xúc sinh viên, có sinh viên đứng dậy hỏi thế này: “Mình là sinh viên năm thứ 4, mình không học qua lớp đào tạo kỹ năng nào, cũng không có bằng tin học, ngoại ngữ, vậy làm sao có thể gây ấn tượng với doanh nghiệp?”. Chính câu hỏi của bạn sinh viên cũng đã gây “ấn tượng” quá rồi, nhưng đó là ấn tượng về một bộ phận sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp, thiếu trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho bản thân khi đang ngồi trên ghế nhà trường. CLB Nguồn Nhân lực ra đời cũng là vì mục đích “đắp” lại lỗ hổng này.
 

Vũ Thanh Hà: “Nhiều sinh viên đến với hội chợ việc làm nhưng không trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết” (Ảnh: Sông Lam)

Có chăng không phải lỗi chỉ của sinh viên mà còn có từ phía trường đại học ?

Đúng là kiến thức mà sinh viên học được trên ghế nhà trường không đủ để cho họ ra đời tung cánh. Rất nhiều giáo trình tụi mình đang học thật sự quá cũ kỹ, lạc hậu. Ngay cả thầy, cô giáo giảng dạy cho tụi mình vì nhiều nguyên nhân cũng không “update” kiến thức. Chỉ sinh viên nào biết cách “bơi”, biết cách “update” thì mới mong lúc ra trường tìm được việc làm phù hợp. Ngay từ năm thứ 2, sinh viên cần phải có định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình. Việc định hướng này cũng sẽ giúp cho sinh viên có kế hoạch học tập rõ ràng, cụ thể, chứ đừng để đến năm thứ 4 rồi mà vẫn chưa biết mình sẽ làm gì, cần phải bổ sung kiến thức gì.

Là một CLB của sinh viên, làm sao để tạo được uy tín với các doanh nghiệp về các hoạt động của mình khi CLB “không có vốn, không có con dấu”?

Tất cả những hoạt động của CLB, dù là một hội thảo tư vấn việc làm, một lớp đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp hay lớn hơn là một hội chợ việc làm cho sinh viên như Festival tuyển dụng sinh viên các khối ngành kinh tế, CLB đều dựa vào nguồn tài trợ của các doanh nghiệp. Tiền từ các doanh nghiệp không thiếu, miễn là mình phải thuyết phục được hoạt động của mình là hữu ích, gắn kèm được lợi ích cho cả hai phía: doanh nghiệp – sinh viên.

Mỗi hoạt động của CLB, mình và các bạn trong Ban Chủ tịch thường đi “thuyết khách” để xin tài trợ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và phần lớn thành công. Tiết lộ nhé, để tổ chức Festival tuyển dụng sinh viên các khối ngành kinh tế năm 2008 đang diễn ra từ tháng 10 vừa qua, tụi mình dự kiến sẽ kêu gọi được hơn 50 doanh nghiệp tham gia và tổng số tiền tài trợ, hỗ trợ không dưới 500 triệu đồng.

Các trường đại học hiện nay đều đã có trung tâm tư vấn việc làm cho sinh viên, vậy hoạt động của CLB có lấn sân không ?

Để giúp đỡ sinh viên thì có càng nhiều trung tâm, nhiều tổ chức sẽ không bao giờ là thừa cả…

Sông Lam (thực hiện)

Exit mobile version