Nữ sinh bị bêu xấu trên diễn đàn trường

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 16/03/2009
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Những hình ảnh thế này rất dễ bị “bình phẩm”. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

 
Hiện nay, nhiều diễn đàn thi nhau mở các box, cho phép thành viên tự do đăng ảnh các bạn nữ có chút nhan sắc, thành tích, hay các “hot girl”…

 

Mỗi khi ngồi vào máy là lại phải lên forum check một vòng xem có gì mới không. Có ngày lên check đến 8 lần, dù biết không có gì mới nhưng vẫn cứ làm…”, Lan Dung, cựu học sinh trường THPT Trần Phú (TPO) đã bộc bạch như vậy trên diễn đàn của trường. Giống như Dung, nhiều bạn học sinh cũng có thói quen hễ cứ lên mạng là phải đăng nhập vào diễn đàn, đọc bài, thảo luận, và… spam.

 

Ngọc Mai, thành viên của diễn đàn THPT Quang Trung (Hà Nội) ấm ức: “Bạn em có đăng lên mấy bức ảnh chụp vui của em trên lớp. Mấy ngày sau, có người vào rêu rao rằng em là gái “hang động”. Sau đó, Mai đã phải nhờ ban quản lý diễn đàn can thiệp thì mọi việc mới ổn thỏa.

 

Trường hợp của Trà My, thành viên diễn đàn THPT Trần Phú (Hà Nội) còn nghiêm trọng hơn. Sau khi bạn của My đưa vài tấm ảnh của cô lên mạng, một thành viên khác đã “nhảy” vào bêu xấu My. Bạn trai My (đang du học tại Mĩ) quá “nóng mặt” vì bạn gái bị xúc phạm đã gọi cho bạn bè ở nhà và lập kế hoạch dằn mặt kẻ tung tin xấu.

 

Sự việc cứ thế “rùm beng” lên với các cuộc khẩu chiến nảy lửa trên mạng. Rất may, người lớn đã can thiệp và giải quyết ổn thỏa mọi việc một cách kịp thời, tránh được những hậu quả đáng tiếc. 

 

Lan Hương – một “hot girl” khá nổi trong thời gian gần đây với nick-name là bé Tin thì dường như đã biết cách “sống chung với lũ”.

 

Khánh Ly, một thành viên của diễn đàn THPT Trần Phú “khơi mào” chủ đề có nên đồng ý quan hệ tình dục khi cả hai đều thật lòng yêu nhau.

 

Chủ đề này được rất nhiều thành viên tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn.

 

Về những bức ảnh của Hương, ban đầu chỉ là những lời khen như: da trắng, mặt xinh, người đẹp… Về sau, một số thành viên bắt đầu nhận xét vào những bộ phận nhạy cảm, kèm theo đó là những lời bình luận khiếm nhã như: “hàng ngon quá” hay “Việt kiều ăn toàn thịt với bơ thì xinh là phải”…

 

Nhận xét chán về ngoại hình, họ lại bới móc sang đời tư của nhân vật. Việc Hương cắt 25cm tóc để ủng hộ cho người bệnh ung thư thì bị “bêu” là khoe mẽ, giả tạo.

 

“Tất nhiên là cũng thấy khó chịu, nhưng em chẳng bao giờ nghĩ đến việc làm cho to chuyện. Ai hiểu mình thì người ta sẽ tự hiểu thôi”, Lan Hương tâm sự một cách già dặn.

 

Nhiều bạn nữ khác cũng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi chẳng may bị người khác đăng ảnh công khai mà không hề xin phép.
 
Diễn đàn trường Việt Đức

 

Trường không quản lý vì sợ khó?

 

Mặc dù tình trạng này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, nhiều diễn đàn vẫn còn lơ là trong việc quản lý.

 

Một số ít các diễn đàn như HAO (Hiệp hội Học sinh Hà Nội-Amsterdam), TPO, VDO (Diễn đàn trường Việt Đức) đã bắt buộc thành viên phải khai báo tên, trường lớp, chờ kiểm tra rồi mới kích hoạt tài khoản.

 

Thế nhưng, ở rất nhiều diễn đàn khác, người tham gia chỉ cần chọn một nickname, rồi sẽ được kích hoạt mà không có bất cứ điều khoản ràng buộc nào.

 

Theo bạn Khánh Linh, thành viên kỳ cựu của diễn đàn Việt Đức thì: vì không phải chịu trách nhiệm về những lời nói trên diễn đàn nên nhiều thành viên nói năng, bình phẩm… rất thiếu ý thức.

 

Hiện nay, số lượng các diễn đàn THPT được nhà trường chính thức công nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể đến HAO. Phần lớn các diễn đàn đều do học sinh tự xây dựng  kinh phí hoạt động cũng do các em tự chi trả, không có sự phối hợp từ phía nhà trường.

 

Anh Bùi Hoài Nam – người quản lý diễn đàn THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Cách đây 5 năm, tôi đã đề đạt vấn đề này với Đoàn Thanh niên, với Ban Giám hiệu trường. Nhưng giữa việc thầy cô đồng ý miệng đến chuyện được chấp nhận trên văn bản, giấy tờ lại có khoảng cách rất xa, vì nhiều lý do. Ví dụ như: không biết phải quy trách nhiệm cho ai, có cần thêm một quản lý của nhà trường hay không?….”

 

Là một người rất quan tâm tới diễn đàn của trường, cô Bùi Minh Nga, Hiệu phó trường THPT Trần Phú cho biết: “Chúng tôi đã mang việc này ra xem xét nhưng các thầy cô đều lo rằng sẽ không quản lý được nên gác lại.

 

Hi vọng rằng theo xu hướng mới mà Bộ GD-ĐT quy định, mỗi trường THPT đều phải xây dựng một website riêng, thì việc hợp thức hoá diễn đàn sẽ sớm được thực hiện”.

 

Phụ huynh: Chỉ có thể nhắc nhở

 

 

Hầu hết các bậc phụ huynh được hỏi đều khuyến khích con cái tham gia vào các diễn đàn. Tuy nhiên, đó phải là những diễn đàn “lành mạnh”.

 

Là giảng viên đại học, nên chị Phạm Thị Hồng (46 tuổi) rất yên tâm khi cho con mình tham gia vào diễn đàn của trường. “Theo tôi, đây là môi trường tốt cho các cháu giao lưu học hỏi và khẳng định cá tính của bản thân mình…”.

 

Còn với chị Phạm Thị Minh, 52 tuổi (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) thì nhờ có các diễn đàn, chị hiểu về con mình hơn. “Một thời gian, thấy con mê mẩn các diễn đàn, tôi cũng tham gia để tìm hiểu xem diễn đàn là cái gì. Thấy cháu tranh luận sôi nổi chứ không ít nói như khi ở nhà, tôi bất ngờ lắm”, chị Minh tâm sự.

 

Trong khi đó, chị Nga, 43 tuổi (Đội Cấn, Hà Nội) thì cho rằng: Khi học đến THPT là các em đã lớn, vì vậy nên để các em “tự giác” là chính.

 

Chị Nga cho biết: “Tôi không biết gì về máy tính hay mạng internet. Vì vậy, khi đồng ý cho con sử dụng mạng, tôi chỉ có thể nhắc nhở cháu không dùng vào mục đích xấu mà thôi”.

 

Đồng tình với ý kiến này, nhưng anh Hồng Quân (Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng, các trường, các ban quản trị cần quản lý diễn đàn chặt chẽ hơn.

 

“Nhìn chung, những chủ đề vô thưởng vô phạt mà các cháu đang bàn tán trên diễn đàn là chuyện rất bình thường trong tâm lý các cháu ở độ tuổi này. Có điều những người quản lý diễn đàn cần làm chặt để các cháu không quá sa đà và bàn luận tự do, quá trớn, nhiều khi đẩy vấn đề đi xa.”, anh Quân nói.

 

Theo Ngọc Khanh

Vietnamnet

Exit mobile version