Lê Quý Hạ, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội và phát triển cộng đồng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM bộc bạch.
Đi nhiều nơi, tận mục sở thị nhiều mô hình dành cho người khuyết tật, cô giám đốc 23 tuổi này nhận ra rằng những cơ sở đó vẫn còn quá khép kín và chưa có nhiều hành động tích cực đối với cộng đồng.
Sau những ngày miệt mài suy nghĩ, Quý Hạ đã phác thảo ra mô hình: “Sinh viên khuyết tật cùng hoạt động vì cộng đồng”. “Vì đây là Trung tâm hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ nên bọn mình cũng đang “vừa đi vừa mò” để ngày càng hoàn thiện hơn trong vấn đề tổ chức, hoạt động…”, Quý Hạ cho biết.
Nhiều bạn sinh viên khuyết tật lúc mới tham gia “cậy miệng không nói” vì tự ti, mặc cảm, thế nhưng dần dà họ đã trở nên dạn dĩ, tự tin tham gia vào các hoạt động giúp đỡ nhiều bạn cùng cảnh ngộ hòa nhập cộng đồng.
Quý Hạ cùng các thành viên trong ban giám đốc cũng vừa thiết lập trang web www.suctrenhanvan.com để sinh viên khuyết tật của tất cả các trường có thể chia sẻ nhiều thắc mắc về quyền lợi, rào cản và học hỏi.
Sau khi tổng hợp những tâm sự thầm kín của các bạn từ nhiều hình thức, Trung tâm sẽ phân tích, mổ xẻ và rút ra “cái khó đặc thù” ở mỗi trường bạn, từ đó sẽ phối hợp với tổ chức Đoàn – Hội thành lập những nhóm “tự lực”.
“Gạt bỏ sự tự ti, tự khẳng định mình với sự hỗ trợ của mọi người và giúp ích cho cộng đồng”, Quý Hạ gọi đó là sự phát triển đỉnh cao của người khuyết tật.
“Làm không lương, vậy Quý Hạ sống bằng gì nhỉ!?”. Cô nàng liến thoắng: “Mỗi ngày quần quật từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm cũng oải lắm, nhưng lâu lâu mình lại đi giảng về giới tính, làm nghiên cứu, hay lang thang ở tận các tỉnh xa xôi để công tác theo chuyên ngành xã hội học của mình! Như vậy cũng không đến nỗi phải gặm mì gói ngày 3 bữa!”.
Hết chạy đôn chạy đáo đi tìm tài trợ cho các dự án hoạt động của Trung tâm, Quý Hạ lại phải giải quyết nhiều công việc, tổ chức dự án, duyệt bài vở nội dung cho trang web… nên lắm lúc “hết pin”.
Sắp tới Quý Hạ phải ra Hà Nội để tham gia lớp tập huấn phương pháp nghiên cứu cho dự án: “Những rào cản của sinh viên khuyết tật trong học tập và nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH” do Ủy ban Y tế Hà Lan tài trợ.
Theo Trí QuangThanh Niên