NSƯT Thu Hà tự hào nhất về vai Út Vân trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn
Tác giả:coaynoi
Đăng ngày:30/04/2012
Lần cập nhập cuối:09/02/2021
Bộ phim truyện điện ảnh (phim truyện nhựa) Hẹn gặp lại Sài Gòn được nhà nước đầu tư sản xuất nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác (1890-1990). Phim được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết văn học Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng. Đạo diễn Long Vân khi được giao phim đã mất hằng năm trời để hoàn tất.
Câu chuyện phim Hẹn gặp lại Sài Gòn kể lại quãng thời gian chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đang sống và học tập tại Huế (giai đoạn 1895-1901). Vào thời điểm ấy, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh…theo lập trường dân chủ tư sản Việt Nam liên tiếp gặp thất bại. Nguyễn Tất Thành với nỗi đau giống nòi chất chứa đã ôm hoài bão, “Muốn làm việc lớn, phải ra biển cả”. Gác lại tất cả tình cảm cá nhân, Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng lên chuyến tàu Latouche Tréville (năm 1911) quyết tâm đi tìm đường cứu nước. Người thanh niên đầy hoài bão ấy đã ra đi với lời hẹn, hẹn gặp lại Sài Gòn.
Hình ảnh Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn
Sau hơn nửa năm di chuyển qua các bối cảnh từ Hà Nội- Huế-Sài Gòn, bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn của đạo diễn Long Vân đã để lại được nhiều ấn tượng với người xem, và 23 năm đã trôi qua, bộ phim vẫn được đánh giá là một trong những phim thành công nhất về Bác.
23 năm trôi qua, NSƯT Thu Hà vẫn nhớ như ngày hôm qua những kỷ niệm trong quãng thời gian theo chân đoàn làm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn từ Hà Nội đến Huế, đến Sài Gòn. 23 năm trôi qua, dù cuộc sống đã có nhiều biến chuyển, nghiệp diễn thăng tiến, bao vai diễn đến rồi đi, nhưng nhắc đến Thu Hà, khán giả vẫn chỉ nhớ “cô” Út Vân dịu dàng, xinh đẹp, cô gái đã được Nguyễn Tất Thành hẹn ước ở bến cảng Nhà Rồng lời hẹn, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.
“Vào vai Út Vân phải là diễn viên không có… “tì vết” ngoài đời tư”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí giữa không khí những ngày cả nước chào đón ngày 30/4 lịch sử, NSƯT Thu Hà khẳng định: “Tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề diễn viên, đã từng “sống chết”, đã từng khóc cười với không biết bao nhiêu vai diễn, nhưng vai Út Vân trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn với tôi vẫn mãi là vai diễn vinh dự nhất, tự hào nhất”.
NSƯT Thu Hà thời trẻ
Theo NSƯT Thu Hà, nếu xét về mặt nhân vật, Út Vân không phải là vai diễn đặc biệt, điều đặc biệt nhất của Út Vân chỉ nằm ở việc, cô ấy là… bạn gái của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Về mặt diễn xuất, đạo diễn không yêu cầu nhiều, Út Vân xuất hiện với cách tự nhiên nhất của Thu Hà, xinh đẹp, nền nã, và dịu dàng.
NSƯT Thu Hà nhớ lại: “Năm ấy tôi mới 20 tuổi. Tôi đang theo học tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2. Khi đạo diễn Long Vân đến đoàn tôi tìm diễn viên cho nhân vật Út Vân, ông có nói, ông đã tuyển lựa rất nhiều gương mặt từ Bắc vào Nam, cả thảy có đến 200 diễn viên. Vào thời điểm ấy, yếu tố Nam- Bắc trong lý lịch của nhân vật rất quan trọng. Nhìn thấy tôi, một cô gái quê gốc Tuyên Quang, đạo diễn Long Vân rất băn khoăn, ông không biết tôi có thể làm toát lên thần thái của một cô gái Nam Bộ như Út Vân không. Tôi được biết, đạo diễn đã làm việc, cân nhắc rất nhiều. Thậm chí, cân nhắc cả hồ sơ, lý lịch của từng diễn viên. Vào nhân vật Út Vân, phải là diễn viên không có… “tì vết” gì ngoài cuộc đời tư. Cuối cùng, tôi đã được chọn trong 200 nữ diễn viên ấy để vào vai Út Vân”.
NSƯT Thu Hà vẫn nhớ chị đã xúc động như thế nào khi nhận được vai Út Vân trong kịch bản Hẹn gặp lại Sài Gòn. “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê đất Tuyên Quang. Từ nhỏ, chúng tôi đã sống với những câu chuyện, những huyền thoại về Bác Hồ. Trong lý tưởng, trong suy nghĩ của tôi, Người giống như thần tượng. Chúng tôi nghĩ về Bác với tất cả sự thành kính, thiêng liêng. Tôi vào đoàn kịch quân khu 2 cũng có ảnh hưởng phần nào từ lý tưởng chính trị của bản thân và gia đình. Bởi vậy, khi nhận được vai Út Vân, tôi muốn lên đường ngay. Mặc dù vào thời điểm đó, việc học tập và công tác tại Đoàn khá bận. Khi đạo diễn Long Vân nói về kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, đơn vị đồng ý cho tôi đi ngay. Các bác lãnh đạo đã thu xếp, tạo mọi điều kiện cho tôi theo đoàn làm phim suốt nửa năm trời. Với đơn vị tôi, với chính bản thân tôi, việc vào vai Út Vân giống như một nhiệm vụ chính trị, cần phải có trách nhiệm thi hành ngay, và thi hành với tất cả niềm tự hào, vinh dự”.
NSƯT Thu Hà trong vai Út Vân (bìa phải) và NSƯT Tiến Hợi trong vai
Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.
“Chỉ phim về Bác Hồ mới được nhân dân ủng hộ nhiệt tình đến thế”
Kể lại nửa năm ròng theo chân đoàn làm phim từ Hà Nội, vào Huế, vào Sài Gòn, NSƯT Thu Hà nhớ những ngày vất vả, di chuyển bằng ô tô mệt nhoài, nhưng trên tất cả, chị nhớ những ngày ấy thật vui, đoàn phim đi đến đâu cũng được nhân dân giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình.
“Tôi nhớ có một đại cảnh quay ở Huế cần đến 2000 diễn viên quần chúng. Đạo diễn Long Vân chỉ bày tỏ ý nguyện cần đến 2000 người để quay cảnh quần chúng trong một bộ phim về Bác Hồ, ngay lập tức đã có hàng mấy ngàn người ủng hộ nhiệt tình. Không quản ngại vất vả, 2000 người đã giúp đoàn làm phim với tất cả sự nỗ lực, cố gắng, không cần có thù lao, không có gì cả. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bộ phim nào có cảnh quay đại cảnh đẹp như thế. 2000 diễn viên quần chúng ở Huế đã làm việc hăng say bởi chính tấm lòng của họ dành cho Bác. Chúng tôi làm phim về Bác có cảm xúc đặc biệt như thế. Ai cũng trân trọng, ai cũng thành kính, ai cũng chăm chút từng ly từng tí cho nhân vật của mình… Tất cả những điều ấy xuất phát từ tình cảm chân thành dành cho lãnh tụ. Tôi tin rằng, chỉ có phim về Bác Hồ mới được quần chúng, nhân dân ủng hộ nhiệt tình như thế”, NSƯT Thu Hà kể lại.
NSƯT Thu Hà hiện tại (ảnh H.H)
Nhân vật Út Vân được nhà văn Sơn Tùng hư cấu từ nhân vật có thật ngoài đời là bà Út Huệ. Cả cuộc đời bà Út Huệ luôn dành tình cảm đặc biệt thiêng liêng cho chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Trong nửa năm quay Hẹn gặp lại Sài Gòn, bà Út Huệ có đến thăm đoàn làm phim… Đó cũng là những kỷ niệm khó quên với NSƯT Thu Hà.
*****
NSƯT Thu Hà nhớ mãi cảnh quay cuối cùng, cuộc chia ly giữa Nguyễn Tất Thành và Út Vân. Nguyễn Tất Thành trao cho Út Vân chiếc lược, anh nói trong xúc động “Chiếc lược này nói hộ anh”. Út Vân bật khóc hỏi khi nào anh về, Nguyễn Tất Thành trả lời: “Con đường anh đi, không biết ở phía trước hay phía sau, anh đang phải dò dẫm từng bước…”.
Người thanh niên ấy đã gác lại tình riêng, một mình bước xuống tàu, anh mang theo trong trái tim những hoài bão lớn lao, có thể tìm ra con đường làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc.