Nông dân, làng nghề… “ăn theo” mùa nước nổi tất bật vào vụ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 25/07/2015
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Nông dân sẵn sàng “ra khơi”

Những ngày này, dọc theo con sông Vàm Xếp (ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự) xuất hiện nhiều ghe, xuồng cũ, mới được neo đậu dưới bến. Đó là những phương tiện mưu sinh trong mùa nước nổi được bà con nông dân mua mới hoặc sửa chữa lại để chuẩn bị cho những chuyến hành nghề “bà cậu” trên các cánh đồng nước của thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng.

Cũng như nhiều hộ dân mưu sinh trong mùa nước nổi, hằng năm vào tháng 5 âm lịch là anh Nguyễn Văn Khôn, ngụ ấp Tân Hòa Trung chuẩn bị ngư cụ ra đồng bắt cá, lươn. Tuy nhiên, năm nay con nước về muộn hơn mọi năm gần 1 tháng nên những ngày đầu tháng 6 âm lịch, vợ chồng anh Khôn mới bắt tay vào sửa lại chiếc xuồng mà gia đình anh đã mua cách nay 8 năm.

 

Bác Thái Văn Thẩm sửa lại tay lưới để bắt cá mùa nước

 

Bác Thái Văn Thẩm (65 tuổi), ngụ ấp Tân Hòa Trung có hơn 50 năm hành nghề đánh bắt cá vào mùa nước nổi. Bác Thẩm cho biết gia đình không có ruộng đất, các con đi làm ăn xa, vợ bác thì bệnh tai biến. Để có tiền chi tiêu sinh hoạt, sau khi các con gửi về nhà được gần 1 triệu đồng, bác đã dành toàn bộ số tiền ấy mua 5 “tay” lưới (khoảng 400m), bình ắc quy, đèn, sửa lại chiếc xuồng và lấy thêm một tay lưới cũ mà bác đã giăng vào mùa nước nổi năm rồi để đi vào huyện Tân Hồng giăng lưới bắt cá cá rô, mè vinh,…

Anh Nguyễn Văn Năm – xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) cho biết, gia đình anh có hơn 10 chuyên sống bằng nghề đặt lợp cua, do vậy thời điểm này trong lúc đợi con nước về, mấy ngày qua anh đã sửa lại 50 cái lợp cũ và đang chuẩn bị mua tre làm thêm 50 cái nữa để chuẩn bị “ra khơi” khi nước tràn đồng.

 

Nhiều nông dân ở xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) chuyên sống bằng nghề đặt lợp cua vào mùa nước nổi về

 

Xuôi về các xã đầu nguồn của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), gặp anh Nguyễn Văn Nhựt, ngụ ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A (Hồng Ngự) cho biết: “Mùa nước năm nay, ngoài việc trữ rơm sẵn cho bò ăn, tôi cũng đã chuẩn bị lưới, xuồng máy đâu vào đó, chỉ chờ con nước Rằm hoặc con nước ba mươi tới có cá là tôi chạy ra đồng kiếm được đồng nào đỡ đồng đó”.

Theo anh Nhựt cho biết tại địa phương anh hàng năm có trên dưới 5 đáy cá linh, gồm các đáy như đáy Hậu Cây Sao, đáy Ba Nguyên, đáy Mã Đá, đáy Cả Sách,… được đặt trên sông Sở Thượng (đoạn chảy qua xã Thường Thới Hậu A, xã Thường Thới Hậu B của huyện Hồng Ngự).

Làng nghề tất bật vào vụ

Dù con nước đỏ ngầu mới đổ về các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp… thế nhưng mấy ngày này chúng tôi đến Làng lưới Thơm Rơm (thuộc xã Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) chứng kiến người dân đang gia công lưới, chài, dớn… một cách tất bật. Ai nấy như chạy đua với thời gian để có đủ hàng cung cấp cho khách hàng ở các tỉnh miền Tây và cho cả bà con nông dân chuyên sống bằng nghề “bà cậu” ở nước bạn Campuchia.

Một chủ cơ sở tên Tùng – có hơn 10 năm với nghề cung cấp các mặt hàng câu, lưới, dớn, lợp cua, tép… ở Làng lưới Thơm Rơm cho biết: “Mấy ngày qua, người dân đã bắt đầu đến chọn lưới, lợp… mặc dù mùa nước nổi năm rồi “khô veo”. Năm nay, dân buôn bán các mặt hàng dưới nước này chỉ mong mùa nước nổi về sớm, mang theo nhiều tôm cá để bà con trúng mùa, các tiểu thương chúng tôi cũng có dịp “ăn” theo” bà con ngư dân.

 

Dù con nước lũ mới “bò” về các huyện đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp… nhưng mấy ngày qua bà con đã bắt đầu đến Làng lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mua sắm ngư cụ

 

Theo tìm hiểu được biết nghề lưới ở Thơm Rơm hình thành từ những năm 1980, do một nhóm người di cư từ Huế vào và bắt tay sản xuất lưới để bán cho người dân (trước đây người dân muốn mua lưới phải lên tận Sài Gòn). Thấy việc sản xuất và bán lưới có hiệu quả nên nhiều hộ làm theo và đến nay có khoảng 30 hộ chuyên sản xuất lưới, vào mùa vụ giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân lao động tại địa phương.

Cùng thời điểm này, đến làng chuyên sản xuất lợp đặt cua đồng, tép (thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang) cũng xôm tụ không kém. Tại đây có hơn 70 hộ dân chuyên làm lợp đặt cua đồng, tép… phần lớn các sản phẩm làm ra được phục vụ cho nông dân chuyên sống bằng nghề “bà cậu” ở địa phương và nhiều tỉnh ở ĐBSCL, một số khác được “xuất khẩu” sang nước bạn Campuchia.

Với người dân sống bằng nghề câu, lưới… không thể thiếu chiếc xuồng, vì thế khi mùa nước lũ về cũng là thời điểm nghề đóng xuồng “hốt bạc”. Đến làng nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu (Lai Vung, Đồng Tháp) không khí nơi đây cũng không kém phần tất bật như làng lưới, làng lợp đặt cua đồng ở An Giang, Cần Thơ.

 

Tại làng đóng ghe xuồng vang danh miền Tây – Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) các chủ cơ sở đang hối hả vào mùa

 

Chủ cơ sở Út Hữu (52 tuổi), người có gần 40 năm trong nghề đóng ghe, xuồng ở xã Long Hạu cho biết, Bắt đầu từ tháng 5 âm lịch là bà con sống bằng nghề đóng ghe xuống không có giờ nghỉ ngơi. Xuồng được đóng thành nhiều kiểu như: Xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Trong đó, các loại xuồng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m – 6,5m (giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán hơn 2 triệu đồng/chiếc).

Được biết, mỗi năm, xã Long Hậu cho “xuất xưởng” hàng chục ngàn chiếc xuồng, ghe các loại, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên ở địa phương. Tuy nhiên một hai năm trở lại đây, do lũ nhỏ nên sức tiêu thụ giảm đáng kể, nhiều cơ sở nhỏ sống không nổi với cảnh ế ẩm nên đành bỏ nghề. 

Mùa nước nổi năm nay về chậm hơn so với nhiều năm trước nhưng không vì thế người nông dân không chuẩn bị sẵn tâm thế khai thác những sản vật tự nhiên. Vài “tay” lưới, lọp cua cùng một chiếc xuồng ra đồng, người dân vùng lũ có thể kiếm được vài chục đến vài trăm ngàn đồng và có sẵn lươn, cá,… do chính mình “thu hoạch được” cho bữa cơm gia đình thêm phong phú.

Nguyễn Hành – H.N
haihanh@dantri.com.vn
 


 
Exit mobile version