Từ những lời kêu gọi trên mạng, các bạn trẻ trên khắp cả nước đã có những hành động thiết thực để cùng nhau góp phần tạo nên sự tác động đối với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Các bạn trẻ đăng ký tham gia chiến dịch
Giờ Trái Đất trên thế giới
Từ một chiến dịch kêu gọi người dân Sydney tắt điện vào năm 2007, hiện nay Giờ Trái Đất đã trở thành một trong những sự kiện môi trường tiên phong lớn nhất toàn cầu. Vào năm 2007, 2,2 triệu gia đình và công sở ở Úc đã tham gia tắt điện trong vòng 1h. Chỉ một năm sau, sự kiện này đã trở thành một phong trào môi trường toàn cầu với hơn 50 triệu người ở khắp 35 nước tham gia.
Giờ Trái Đất với mục đích biểu trưng tinh thần đoàn kết chưa từng thấy từ trước tới nay và tạo ra một nhiệm vụ toàn cầu có tính biểu tượng cao sẽ tạo nên sức nóng cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới tại Copenhaghen vào tháng 12 năm 2009 nhằm đưa ra một giải pháp toàn cầu chống lại sự biến đổi khí hậu.
Ngày 10/12/2008: 74 thành phố trên 62 quốc gia đã cam kết tắt đèn trong chiến dịch Giờ Trái Đất của Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF). Với hy vọng đạt đến con số một tỷ người trên 1.000 thành phố trên khắp thế giới tham gia, chiến dịch kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ tắt các bong đèn trong một giờ vào ngày thứ Bảy, ngày 28 tháng Ba năm 2009 vào lúc 20:30, như tiền đề ủng hộ các hoạt động nhằm giảm thiểu các nguy cơ của sự biến đổi khí hậu.
Trưởng đại diện của WWF Greater Mekông, ông Eric Coull, phát biểu: “Điều tôi mong đợi từ Giờ Trái Đất đó chính là thông điệp: Nếu tất cả mọi người cùng nhau hành động, chúng ta sẽ cùng tạo ra tác động lớn đối với biến đổi khí hậu. Chúng ta được lựa chọn và có khả năng tạo ra sự khác biệt. Chúng ta chỉ cần bắt đầu bằng việc tắt đèn – còn điều gì có thể dễ dàng hơn thế?” Tổng giám đốc điều hành chiến dịch Giờ Trái Đất toàn cầu, ông Andy Ridley nói: “Những sự kiện gần đây đã cho thấy rằng thế giới có thể cùng chung sức trong những giai đoạn khủng hoảng. Sự suy thoái của nền kinh tế thế giới là một ví dụ, khi và tại những nơi sự suy thoái xảy ra, những hành động đa phương mang tính chất quyết quyết định của các quốc gia lớn đã chứng tỏ rằng điều đó có thể thực hiện được”.
Các thành phố đã cam kết tham gia bao gồm Los Angeles, Las Vegas, London, Hongkong, Sydney, Rome, Manila, Osla, Cape Town, Warsaw, Lisbon, Singapore, Istanbul, Mexico City, Toronto, Dubai, Moscow, và Copenhaghen…
Đến Việt Nam
Năm 2009, với sự lớn rộng của chiến dịch Giờ Trái Đất ra toàn cầu, Giờ Trái Đất đã đến Việt Nam. Nữ ca sỹ Mỹ Linh và Giáo Sư Võ Quý được chọn làm đại sứ cho chiến dịch này của WWF tại Việt Nam.Ngày 25/2, Hà Nội công bố sẽ tắt điện lúc 20h30 ngày 28/3 để tham gia chiến dịch Giờ Trái đất. Không chỉ đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa mà Nhà Hát Lớn cũng tắt đèn, các nghệ sĩ biểu diễn trong ánh nến.
Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và nhận thức về vấn đề việc chung tay góp phần kêu gọi mọi người trong cộng đồng xã hội Việt, một nhóm các bạn trẻ ở tại TPHCM đã tạo blog riêng dành cho Giờ Trái Đất tại địa chỉ http://www.360.yahoo.com/earthhourvn, đồng thời thực hiện những hành động thiết thực, kêu gọi bằng hình ảnh trên toàn quốc nói chung và TPHCM nói riêng. Sự nhiệt tình và sức ảnh hưởng của hoạt động này thành công đến mức WWF Việt Nam quyết định sẽ để TPHCM tham gia vào chiến dịch Giờ Trái Đất 2009.
Anh Ngô Trần Hải An (trưởng nhóm EarthHour TPHCM) chia sẻ: “Thật sự đây là một hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn. Nếu có thể kêu gọi được sự tham gia góp sức của mọi người thì sẽ mang lại nhiều tác động hơn cho xã hội. Vấn đề toàn cầu là vấn đề chung của toàn xã hội chứ không phải của riêng từng nước hay của từng cá nhân ai cả. Chính vì thế, mình rất mong các bạn sẽ tích cực hưởng ứng chiến dịch này”.
Hiện nay, nhóm EarthHour TPHCM đang tích cực kết nạp thêm thành viên, mỗi người sẽ thực hiện hình ảnh ở một số nơi nhằm tạo ra sự liên kết rộng rãi trong các tỉnh trên cả nước. Nhóm bạn này còn liên hệ với các trường học trong khu vực TPHCM để quảng bá hình ảnh cho chiến dịch Giờ Trái Đất. Nhiều hơn thế, nhóm EarthHour TPHCM mong mỗi người đều có ý thức và nhiệt tình tham gia bằng cách tắt điện mỗi ngày, chứ không hẳn phải đợi đến ngày 28/3.
Kết
Khi cả thế giới chìm vào trong bóng tối chỉ bằng động tác đơn giản “Tắt điện đi”, mỗi người trong chúng ta đã góp phần tạo nên một diễn đàn sống về tương lai hành tinh của chính mình. Giờ Trái Đất là một thông điệp của niềm tin và là thông điệp của hành động. Mỗi chúng ta đều có thể tạo nên sự khác biệt.