Nỗi lo của chàng sinh viên 25 lần hiến máu

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 13/04/2009
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021
 
Làm “thợ đụng” để hiến máu và viết báo

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con của vùng quê nghèo Nguyên Bình, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Năm 2004, Quân tốt nghiệp phổ thông trung học. Vì hoàn cảnh gia đình qúa khó khăn, Quân phải bỏ dở ước nguyện đại học để tha phương vào tận TPHCM làm nghề bốc vác ở cảng Sài Gòn. Ngày đi làm, đêm về Quân lại miệt mài với chồng sách vở mang theo. Năm 2005, Quân thi đậu ĐH Khoa học Huế với 22,5 điểm, chàng trai xứ Thanh bắt đầu những tháng ngày chật vật của đời sống sinh viên.
 

Ngoài giờ học, Hoàng Văn Quân dành thời gian cho việc viết báo. (Ảnh: Nguyễn Đông)

 

Cũng chính những tháng ngày làm thuê, cùng gắn bó với những phận nghèo, thấu hiểu được nỗi đau của những gia đình nghèo khi mất đi người thân chỉ vì không có tiền mua máu, Quân đã tìm đến các bệnh viện để… hiến máu. “Mình thuộc nhóm máu O nên rất nhiều người cần dùng đến, với sức trẻ, đi hiến máu để cứu người cũng là việc nên làm” – Quân tâm sự. Và số điện thoại của Quân được lưu ở hầu hết các trung tâm huyết học để có thể hiến máu khi cần.

 

Khi học tập tại Huế, Quân là thành viên của câu lạc bộ Sinh nhật Tuổi Hồng, luôn đi đầu trong việc vận động các bạn sinh viên tham gia hiến máu.

 

Ngoài giờ học, Quân lại tất bật với lịch làm thêm và đi viết báo. Có hôm, Quân đạp xe đạp về tận huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) để viết bài giúp đỡ một gia đình nghèo. Có khi lại rong ruổi vào các trung tâm để viết về những người khuyết tật vượt khó. Với Quân, viết báo vừa là dịp thực tập với nghề vừa là cơ hội để Quân đến với những người nghèo. “Không biết mình mê viết báo từ khi nào nữa. Mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn là mình lại muốn dốc hết sức lực để viết về họ, mong báo đăng để có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ! Thế mà thấy vui!” – Quân bộc bạch.

 

Nỗi lo ngày ra trường

 

Mấy ngày nay trông Quân gầy sọp hẳn đi, hỏi chuyện, Quân tâm sự: “Nhà mình nghèo, các em lại đang đi học, mình muốn sớm tìm được việc làm để phụ ba mẹ nuôi các em nhưng thấy khó quá”. Trang bị khi ra trường đối với nghề báo cũng “ngốn” một số tiền tương đối lớn. Nào là xe máy, máy vi tính, máy ảnh… trong khi điều kiện kinh tế hiện tại của Quân còn nhiều eo hẹp. Quân lo ngại: “Bây giờ có điện về xin ba mẹ thì ở nhà lại lo vay mượn mà tự thân mình thì… lực bất tòng tâm”.

 

Trong thời gian học tại trường, Quân cũng đã có nhiều bài đăng trên các tờ báo lớn trong nước và cũng chính nhờ viết báo, Quân đã có thêm tiền trang trải cho việc học. Thế nhưng “Cơ hội việc làm việc chính thức cho sinh viên báo chí tại các tòa soạn không nhiều” – Quân lo lắng. Mỗi năm sinh viên báo chí ra trường nên đến vài trăm người, đó là chưa kể những sinh viên không học báo nhưng vẫn viết báo làm báo trong khi số lượng tòa soạn nhận thêm người lại có hạn.

 

Nghề báo là nghề khó, nguy hiểm và đòi hỏi sự dấn thân, khi chọn ngành báo để theo học Quân đã phần nào lường trước được điều đó. “Mình không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong có thể tiếp tục viết báo và đi hiến máu” – Quân bày tỏ.

 

Nguyễn Đông

Exit mobile version