Mượn tiền, thuê nhà mở xưởng may đặc biệt
Xưởng may Hồng Luyện là một xưởng may đặc biệt nằm bên bờ sông Gianh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chủ của cơ sở là chị Phạm Thị Luyện (SN 1980, trú tại xã Quảng Lộc). Nói là đặc biệt bởi xưởng may này là nơi mưu sinh của những người khuyết tật, chủ yếu là câm điếc bẩm sinh.
Chị Luyện sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị gái và em trai đều bị chất độc da cam nên chị phần nào thấu hiểu được sự vất vả của những người khuyết tật và gia đình họ. Chính vì vậy trong tâm khảm chị luôn mong muốn có thể giúp đỡ được những số phận bất hạnh, để họ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập kiếm sống như bao người bình thường khác.
Vốn đã có duyên với nghề may, mẹ chị Luyện là cũng là một thợ may giỏi nên từ nhỏ chị đã quen với từng đường kim, mũi chỉ. Chị cũng luôn ấp ủ sẽ có được một xưởng may cho riêng mình, và hơn hết, xưởng may của chị sẽ là nơi dạy nghề, làm việc của những người khuyết tật.
Sau một thời gian đi lao động ở nước ngoài trở về, vào năm 2016, chị Luyện đã quyết định vay mượn tiền người thân, bạn bè tự thuê nhà, mua sắm máy móc rồi mở xưởng may. Chị trực tiếp đến từng gia đình có người khuyết tật vận động họ đến cơ sở của mình học nghề, làm việc rồi trả lương để họ trang trải cuộc sống. Chị Luyện vừa là chủ cũng vừa là người dạy nghề cho các công nhân khuyết tật.
“Mở xưởng may là điều mà mình mong muốn rất lâu rồi, mình có người thân bị chất độc da cam nên phần nào hiểu được những khó khăn của người khuyết tật cũng như gia đình họ. Với xưởng may này mình muốn những người khuyết tật có thể tự làm việc để nuôi bản thân, giúp họ không phải mặc cảm với xã hội, gánh nặng cho gia đình”, chị Luyện tâm sự.
Bến đỗ của những mảnh đời bất hạnh
Hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay xưởng may Hồng Luyện đã có được gần chục máy may, tạo việc làm cho 12 lao động là người khuyết tật tại thị xã Ba Đồn. Xưởng may không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi để những người cùng cảnh ngộ chia sẻ niềm vui nỗi buồn, động viên nhau để vươn lên trong cuộc sống.
Những người khuyết tật đến làm việc tại xưởng may của chị Luyện mỗi người một trình độ, mỗi người có một khó khăn vì mắc phải những căn bệnh khuyết tật khác nhau nên việc dạy nghề cũng gặp không ít trở ngại. Nhiều người tay yếu, đường may khó có thể chuẩn được vì vậy chị Luyện đã kiên trì, tận tình chỉ dạy để cho họ có thể làm việc thành thạo.
“Tui bị liệt tay trái nên ban đầu làm việc rất khó khăn, nhưng được chị Luyện chỉ dạy và bố trí cho việc làm phù hợp tại xưởng nên cũng quen dần. Nhờ xưởng may này mà tui có được công việc, có thu nhập để lo cho bản thân. Gia đình tôi cũng như những người khuyết tật đang làm việc tại xưởng rất cảm phục và biết ơn chị Luyện”, chị Nguyễn Thị Quyền tâm sự.
Để duy trì việc làm và thu nhập ổn định từ 2 – 3 triệu đồng cho hơn mười lao động tại cơ sở của mình, chị Luyện đã chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm phù hợp với khả năng của người khuyết tật. Hiện cơ sở may mặc Hồng Luyện đang được một đối tác tại TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cung cấp nguồn vải cũng như nhận tiêu thụ sản phẩm do các công nhân làm ra.
Hiện có nhiều người khuyết tật tìm đến xưởng may Hồng Luyện với mong muốn được học nghề và có việc làm phù hợp. Tuy nhiên, vì quy mô xưởng nhỏ, máy móc còn ít nên cơ sở này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều người khuyết tật, đây cũng là băn khoăn của bà chủ xưởng may đặc biệt này.
“Xưởng mình mới chỉ được 9 máy, cơ sở cũng đang đi thuê nên khá chật chội. Mới đây có 7 người khuyết tật đến xin làm việc nhưng vì máy không đủ cho họ làm nên mình chưa dám nhận. Mình rất mong sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ban ngành để có thể mở được cơ sở rộng hơn, mua sắm thêm được máy móc nhằm có thêm điều kiện giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn nữa”, chị Luyện bày tỏ.
Tiến Thành