Nơi cuộc sống bắt đầu…

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 04/12/2005
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Nhưng cám dỗ khủng khiếp của ma túy liên tục quật ngã. Nghiện lần 1, lần 2,… cai… vật vã, đói thuốc, cắt cơn, nhưng rồi họ lại nghiện đến lần thứ 20! Và rồi họ nhận ra, mình không thể trở lại cuộc sống và con người bình thường, nếu môi trường sống vẫn còn bóng dáng làn khói trắng.

 

Khó vượt qua chính mình

 

Tôi cầm trên tay gần 100 đơn thư của các học viên. Những nét bút nguệch ngoạc, câu chữ còn thô vụng nhưng chứa chất bao tâm sự, nỗi niềm. Tôi nhớ mãi câu nói của một học viên trước đây “bước chân vào trường trại, cánh cửa cuộc đời đã đóng sầm lại”. Tại sao bây giờ họ lại chọn nơi này làm điểm khởi đầu cuộc sống mới?

 

“Khi chưa dính vào, tôi cũng nghĩ như cô, ma túy là cái gì mà ghê gớm vậy”. Đó là lời tâm sự của Q.H, sinh năm 1974, một trí thức trẻ từng du học tại CHLB Đức, đang cai nghiện ở Trường GDĐT&GQVL số 5. Theo lời H. kể, người bạn thân bị nghiện. Nhìn bạn quằn quại trong cơn đói thuốc, H. cố tìm cách giúp nhưng rồi không những không giúp được bạn mà dính vào ma túy lúc nào không hay. H. nộp đơn tình nguyện xin đi cai theo diện đóng phí.

 

Vào trường gần 3 năm, nhờ ý thức và rèn luyện tốt, H. được trường thưởng phép về thăm nhà. “Phép nghỉ 3 ngày nhưng thú thực, tôi về chưa ở yên được ngày thứ nhất, ngày thứ hai, trong người đã thấy bồn chồn, phải lên lại trường ngay chứ không ở qua ngày thứ 3 được”.

 

Lý do mà H. cho biết là, nơi cách đây 3 năm H. mua ma túy vẫn còn như cũ. “Đi ngang qua những nơi đó, cứ như vướng vất, lôi kéo”. Gia đình có đủ điều kiện để tạo dựng một cuộc sống mới sau khi hồi gia nhưng H. tự nhận thấy mình không đủ sức để vượt qua cám dỗ. “Yếu nên sợ ra gió”, H. cho rằng chỉ ở trong môi trường không có ma túy mới có thể từ bỏ được nó mà thôi.

 

Sợ cái bóng của quá khứ

 

Trong hàng trăm lý do, nguyện vọng xin ở lại, có những điều đơn sơ, bình dị nhưng vẫn đau đáu niềm đau quá khứ. Học viên T.T, Trường GDĐT&GQVL số 5, cho biết: Nếu như thất nghiệp, cộng với ánh mắt của người đời nhìn vào, liệu những người như tôi có đủ niềm tin để không quay lại con đường cũ như một sự tìm quên?

 

Trong đơn xin ở lại, anh viết: “Tôi muốn cống hiến sức lực còn lại của mình cho nơi đã giúp tôi tìm lại tôi. Muốn đóng góp một chút công sức nhỏ giúp người cùng cảnh ngộ như tôi sớm tìm đường về với xã hội”.

 

 

Nhiều bậc phụ huynh lo ngay ngáy chuyện hồi gia của con em khi thực tế nơi họ sống, nạn mua bán ma túy vẫn còn, nhiều người khỏe mạnh, lý lịch tốt vẫn khó kiếm việc làm. Trong đơn tình nguyện gửi con lại trường, ông V.S – cha của học viên N.Đ, Trường GDĐT&GQVL số 4, viết: “Hãy cho con tôi được ở lại cùng các bạn, để có môi trường lành mạnh, hiểu được giá trị lao động, có kỷ luật, trách nhiệm, phấn đấu vững chắc thêm một thời gian – vài năm sau, khi hồi gia đã cơ bản, con tôi đủ tự tin, tự lập tự nuôi bản thân. Đó cũng là cách thử thách cháu lần nữa. Có như thế gia đình tôi mới thực sự yên tâm!”.

 

Cũng có gia đình, khi nghe con em họ trình bày tâm tư, nguyện vọng được ở lại trường, được chọn môi trường mới để tạo lập lại cuộc sống đã cùng góp công, góp sức. Gia đình của học viên T.T. ở Trường GDĐT&ampGQVL số 5 đã bỏ vốn xây dựng một xưởng in lụa, một phòng máy vi tính phục vụ cho việc giảng dạy và đào tạo tin học tại trường. Xưởng in đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 người. Phòng vi tính trung bình mỗi tháng xóa mù tin học cho một lớp khoảng 30 học viên.

 

Đó là những tín hiệu vui, chan chứa bao niềm hy vọng của những con người biết nhìn lại mình, vươn lên làm lại cuộc đời. Sau những lầm lạc, mất mát và trả giá, họ đang đi tìm một bến đậu bình yên nơi miền đất lành. Nơi xã hội đang nối vòng tay giúp họ làm lại cuộc đời dẫu còn muôn vàn khó khăn phía trước.

 

Theo Bích Hà

Người Lao Động

Exit mobile version