1. Virus quá – tự – tin
Trong một chương trình lớn giao lưu SV của nhiều nước trên thế giới, nhóm SVVN hạ quyết tâm “phải để lại ấn tượng bằng được trong mắt bạn bè quốc tế”.
Tất cả những SV được lựa chọn tham gia chuyến đi này đều là những SV ưu tú của các trường ĐH. Tất cả sẽ yên bình nếu không có màn bỏ phiếu bình chọn GL: Group Leader. Các vị đại diện cho Ban tổ chức chương trình vừa vui mừng, vừa sửng sốt vừa cảm thấy… bó tay khi đặt câu hỏi: “Ai sẽ xung phong làm GL?” vì tất cả các cánh tay đều giơ lên, không thiếu một cái nào.
BTC chương trình không thiết lập ngay một giải pháp hoà bình. Mọi người sẽ cùng bỏ phiếu để chọn một Group Leader bằng cách giơ tay và nhắm mắt. Lần lượt tên từng người sẽ được đọc lên và ai nhiều người ủng hộ nhất sẽ được lựa chọn.
Mặc dù giơ tay nhưng tất cả đều nhắm mắt nên không ai biết số lượng phiếu chính xác của mình là bao nhiêu và ai là người bầu cho mình, ai là người không. Kết thúc buổi bầu bán BTC mệt phờ hơi cuối cùng cũng tìm được người lãnh đạo của nhóm quần hùng. Người được chọn này có tổng số người ủng hộ cao nhất: 2 người.
Đã có một thời người ta lo lắng khi quan sát những cuộc giao lưu quốc tế và không thấy được mức độ tự tin cần thiết của những người trẻ VN. Nhưng bây giờ người ta lại phát ngượng và lo lắng khi mức độ tự tin đang ở mức… bội thực. Virus này lan nhanh trong số những người trẻ dẫn đầu, đặc biệt là cán bộ Đoàn, Lớp… trong các trường học. Việc không tiêu dùng đúng liều lượng của Tự tin sẽ khiến người ta không thể ước lượng được chính xác sức lực của mình và trở nên lố bịch trong những tình huống cố định.
Một trong những biến tướng của virus này gây ra hiện tượng: ngộ nhận bản thân, chính điều này làm cho công cuộc khám phá bản thân của bạn trở nên gian truân. Dưới đây là trích đăng lá thư của một bạn SV:
“Tôi đã từng được một giải thưởng nhỏ trong một cuộc thi mà cái tên của nó thì nghe quy mô và hoành tráng lắm. Nhiều người thân, bạn bè đã nhìn thấy tôi đi cùng nhóm tác giả đạt giải lên một sân khấu lớn đang được truyền hình trực tiếp. Ý nghĩ rằng “mình đã trở thành một nguyên khí quốc gia” xâm chiếm lấy tâm trí tôi. Tôi không hề biết mình đã có những biểu hiện khác trước: ăn nói khoa trương, coi việc gì cũng là dưới sức của mình.
Tuy nhiên, những hồ sơ du học của tôi thì đã quá nhiều lần… bị “thất lạc”. Và ngay cả những số điểm thi học kỳ được hy vọng nhất ở giảng đường đại học cũng khiến tôi không đủ yêu cầu để được làm đồ án tốt nghiệp.
Tôi bắt đầu suy nghĩ đến những lời cằn cỗi của người bạn mình: “Mấy cái giải thưởng ấy chỉ đơn giản là phần thưởng cho một game show thôi. Ông đừng quá tự tin mà cho rằng mình đã là hiền tài, trí tuệ của quốc gia. Mấy ông lên bục nhận giải hoạ chăng cũng là một vật trang trí ngoan ngoãn cho sàn đấu thương hiệu trên sân quảng cáo của mấy công ty lớn thôi mà”.
2. Virus không – nâng – cấp
Trong rất nhiều cuộc khảo sát của báo SVVN thời gian vừa qua đều có lưu lại nội dung cá nhân của người tham gia trả lời câu hỏi trong đó có phần địa chỉ email. Điều ngạc nhiên là có đến hơn 30% số người tham gia trả lời phiếu thu thập thông tin đều không có… địa chỉ email.
Những SV này thờ ơ đến mức tự loại mình ra khỏi một phương thức truyền tin của thời đại mới xuất hiện ngay sau khi có Internet và cuộc cách mạng về công nghệ thông tin.
Một 8X làm việc tại phòng nhân sự của một công ty tin học sau một hồi… lên cơn sửng sốt thì thuật lại rằng: “Hôm ấy mình thực hiện phỏng vấn với 3 bạn SV. Cả 3 đều không thấy có địa chỉ email để liên lạc khi công ty muốn thông báo với các bạn về kết quả phỏng vấn.
Điều đặc biệt là khi mình hỏi một bạn rằng: địa chỉ website của công ty là gì nhằm khảo sát mức độ quan tâm và hiểu biết đơn giản của các bạn ấy về công ty. Bạn đó suy nghĩ một hồi, rồi như chợt nhớ ra, lật trong đống giấy tờ của mình rồi đưa tôi một tờ giấy. Bạn ấy nói: địa chỉ đây ạ. Tôi nhìn xuống và tá hoả khi thấy đó là địa chỉ của hộp thư điện tử.”
SV không biết dân số nước mình là bao nhiêu. Đó là một kết luận đã được rút ra trong một nghiên cứu của SV khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm HN.
Nhóm SV đã chọn câu hỏi về dân số VN trong phiếu điều tra của mình, một câu hỏi mà theo các nhà nghiên cứu tương lai này thì “đó là loại câu hỏi sơ đẳng nhất”. Nhưng sự thực là đã có quá nhiều SV trả lời sai.
Phiếu điều tra của nhóm tác giả này chỉ tập trung vào các khoa trong trường của mình. Và kết quả thu được như sau: Chỉ có 46% SV khoa Văn trả lời đúng. Số người được hỏi của các khoa trả lời đúng lần lượt là: khoa Toán: 55%, khoa Giáo dục mầm non: 45%, khoa Tiểu học: 58%, khoa Tâm lý giáo dục 62%.
Chỉ sau một cái chớp mắt, sau một giây đồng hồ, cả thế giới đã có vô vàn những sự kiện mới. Hãy đặt ra cho bạn một trách nhiệm: nâng cấp bản thân.
3. Virus nghiện đồ công nghệ cao
Chúng ta cứ hoài ngậm ngùi khi nhìn ngắm mỹ từ Vietnam đứng phía cuối trong các bảng xếp hạng kinh tế, đời sống xã hội, chỉ số nọ kia. So với các nước lân cận, chúng ta kém Singgapo về mặt này, thua Thái Lan về mặt nọ và còn rất xa để đuổi Trung Quốc. Thế nhưng nếu bạn vừa có một chuyến chu du đến các nước trong khu vực bạn sẽ có một kết luận to đùng: giới trẻ VN vô cùng sành điệu.
Trên đường phố của Malayxia, Indonexia… những 8X vẫn tung tăng và hài lòng khi xài Nokia 3310. Loại điện thoại này vốn đã lạc điệu với 8X Việt Nam từ nhiều năm trước. Sẽ chẳng xa lạ gì nữa, trên đường phố, trong quán cà phê ở Hà Nội hay Sài Gòn là những gương mặt trẻ trung với điện thoại đời mới nhất, máy tính xách tay sành điệu và lắc lư cùng iPod. Nếu có một bảng xếp hạng về mức độ tiêu thụ hàng hi-tech của giới trẻ so với thu nhập quốc dân thì hẳn là VN sẽ ở top dẫn đầu.
Chỉ tính riêng với Samsung thì tổng doanh thu của họ đã chiếm khoảng hơn 30%. Chính những người tiêu dùng trẻ tuổi đã góp phần làm mũi tên tăng trưởng của Samsung lên đến hơn 60% mỗi năm. Năm 2005, Samsung tung vào thị trường VN tổng số 25 mẫu điện thoại mới và chẳng loại nào bị từ chối (dù đắt đỏ đến đâu).
Bao nhiêu người sẽ tự hào mà cho rằng: giới trẻ VN sành điệu. Bao nhiêu người thì lo lắng với ý nghĩ già cả: chúng ta nghèo mà chơi hoang, đã ít tiền mà còn hào phóng rút ví nuôi các tập đoàn đại gia. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc có cả một cuộc cách mạng kêu gọi người dân dùng hàng nội địa đặc biệt là giới trẻ. Giới trẻ VN vốn nghiện phim Hàn, vậy hẳn bạn sẽ thấy những chiếc xe chạy… trong phim và cả những chiếc ô tô xếp hàng ngút mắt trên đường trong những giờ tan tầm đều “made in Korea” cả.
Đành rằng tôi chẳng có tội gì khi bỏ những đồng tiền chính đáng của mình ra để mua các thiết bị hi-tech cá nhân và lại có quá nhiều sản phẩm VN không sản xuất được hoặc nếu có sản xuất cũng vô vàn “nhưng mà” (nhưng mà chất lượng, nhưng mà giá thành…). Nhưng nếu tôi đang phát sốt lên vì một con Samsung đời mới hay một con laptop cáu cạnh đang làm tôi ăn không ngon ngủ không yên… hẳn là tôi đang bị virus nghiện ngập đồ hi-tech tấn công rồi.
4. Virus mang tên “kẻ nô lệ của số đông”
Sự kiện Phi Thanh với bài văn gây chấn động trong năm 2005 đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Sự kiện này sẽ chẳng có gì là lạ nếu như đặt nó ở một nền giáo dục khác. Sự kiện này chẳng có gì là lạ nếu như từ trước đến nay SV, HS vẫn có thói quen trong việc bộc lộ chính kiến cá nhân, luôn luôn sáng tạo trong học tập.
Sự kiện này cũng sẽ càng không lạ nếu như những ý kiến riêng biệt của mỗi cá nhân đều được thừa nhận trong môi trường học thuật, học đường, nếu như những gì khác biệt với suy nghĩ của số đông được trân trọng.
Chúng ta ngại khi trở thành một người phản biện, một người có thể bị coi là kỳ khôi khi đứng trước lớp phản đối theo kiểu: “Cô Tấm có hiền dịu không khi có khả năng lấy thịt cô Cám làm mắm đem cho dì ghẻ ăn”. Và đến khi căn bệnh “ngại phát biểu” xâm thực các giảng đường thì hẳn sự lựa chọn: adua theo số đông là an nhàn nhất. Chúng ta quả thật vẫn luôn tự hào về trí tuệ VN nhưng đã bao giờ có giải Nobel?
Giờ thì ngay cả ở diễn đàn của Bộ Giáo dục đào tạo www.edu.net.vn cũng có cả chuyện mục “Thư gửi Bộ trưởng”. Đã có rất nhiều người trẻ dám nói bằng tiếng nói của chính mình: phê phán chủ trương cộng điểm thưởng nhiều lỗ hổng, phản ảnh lịch học, lịch thi quá tải, tẩy chay những gian dối mua bán điểm trong môi trường học đường…
Ngay cả các cơn lốc thời gian và âm nhạc đôi khi cũng làm bạn trở thành những kẻ nô lệ của số đông mà quên mất rằng bản thân bạn là một tiểu hành tinh và đánh mất cá tính chúng ta sẽ lu mờ. Mùa hè, người ta thấy ngập tràn trên phố phường sắc hồng, mùa đông, thấy ai cũng sắm một vài thứ mang màu xanh lá cây. Không gu, không bản sắc… chắc là bạn bị hoà tan trước khi kịp hoà nhập rồi.
Theo Lê Xuân NhậtSinh Viên Việt Nam