Hầu hết các bậc cha mẹ thường làm mọi việc cho con cái, từ việc dọn cơm, rửa bát cho đến việc nhà. Chúng ta coi con cái như những đứa trẻ và làm hộ chúng những việc mà lẽ ra bọn trẻ hoàn toàn tự làm được.
Tuy nhiên điều này vô tình tạo ra một thế hệ trẻ không có ý thức làm việc nhà, không biết làm những việc đơn giản và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến tương lai của chúng sau này.
1. Bạn có đang dạy cho con tính không hợp tự lập hoặc độc lập?
Rất nhiều bậc cha mẹ vô tình trở nên có lỗi vì chiều chuộng con mình quá mức. Cha mẹ thường lý giải rằng mình làm sẽ nhanh hơn và tốt hơn bọn trẻ làm, kết quả là chúng ta đang dạy chính con mình tính lười biếng và bất lực.
Dưới đây là một số ví dụ phổ biến về một đứa trẻ thiếu tính tự lập:
– Phải nhắc nhở trẻ làm bài tập về nhà hàng ngày.
– Con bạn ngồi xem tivi còn bạn phải mang đồ ăn đến tận nơi cho chúng.
– Con của bạn không bao giờ dọn dẹp phòng.
– Bạn làm hộ con bài tập về nhà.
– Bạn dọn dẹp bát đũa sau khi cả nhà hoặc khi lũ trẻ ăn xong.
Việc làm hộ bọn trẻ các công việc có thể sẽ giúp chúng có thêm thời gian để làm bài tập tại trường, nhưng ngược lại, lũ trẻ sẽ không biết cách làm những việc đơn giản. Chúng không được rèn luyện kỹ năng sống, không biết cách quản lý thời gian, không có trách nhiệm và kỷ luật cũng như sự tự giác. Bạn đang rèn luyện chứng bất lực ở con mình, khiến chúng hoàn toàn có thể trở thành một người trưởng thành không có khả năng tự làm những việc bình thường nhất: để bát đũa bẩn cả ngày không cần rửa, chăn gối không cần gấp và 20 tuổi vẫn phải có mẹ đi cùng đến bệnh viện.
2. Dạy con tính độc lập như thế nào?
Bạn cần xem xét lại mọi việc mình làm cho con, liệu con đã đủ lớn để làm được những việc gì? Dạy con có trách nhiệm và biết giúp đỡ không làm bạn trở thành một người mẹ khó tính. Nếu bạn đang bận trong khi cậu con trai 12 tuổi nhờ bạn làm hộ một chiếc bánh sandwich, bạn có nghĩ rằng, ở lứa tuổi đó, cậu bé hoàn toàn có thể tự mình làm một chiếc bánh sandwich đơn giản được không? Rõ ràng câu trả lời là: Có.
3. Dành thời gian cho bản than
Bạn có thấy rằng mình luôn ở trong tình trạng mệt mỏi và có quá ít thời gian cho bản thân? Đây có thể là một dấu hiệu bạn đang làm quá nhiều cho con của mình.
Hãy cho mình thêm một ít thời gian mỗi ngày – cho dù đó chỉ là 15 phút. Đừng nói rằng “Tôi không có thời gian” mà tự đặt riêng khoảng thời gian đó để không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một việc nào. Nếu bạn mất 15 phút để rửa bát và lau dọn bếp sau bữa tối, đó có thể là việc nhà mà bọn trẻ có thể thay bạn làm (tất nhiên, nếu chúng đủ lớn để làm được việc đó).
4. Thông báo trước để con không bị “sốc”
Nếu bạn yêu cầu con mình làm nhiều việc ngay lập tức, chúng có thể bị sốc. Hãy từ từ giải thích cho bọn trẻ về chia sẻ công việc và trách nhiệm trước khi bắt đầu chia việc cho con. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần với lời từ chối không hợp tác. Lũ trẻ có thể bực bội, cáu kỉnh và nói rằng bạn là một người mẹ tồi. Những khó chịu này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, trong khi về lâu dài, sự thay đổi lại cần thiết cho tương lại của chúng.
5. Cho bọn trẻ thấy hậu quả của những công việc mà chúng cho là “nhỏ”
Bọn trẻ cần được học về hậu quả của các hành vi (hay thiếu hành vi), ngay cả khi việc này khiến chúng gặp rắc rối.
Bạn luôn phải mang sách vở hoặc áo đồng phục thể dục đến trường vì con mình luôn để quên ở nhà? Lần sau, hãy cho chúng “nhận” hậu quả của việc làm đó. Ban đầu, chúng có thể bị thầy cô giáo khiển trách, nhưng sau dần chúng sẽ quen và tự giác chuẩn bị sách vở đầy đủ trước khi đi học.
6. Chuẩn bị về tinh thần
Bạn có thể cảm thấy rằng mình là người mẹ tồi vì không quan tâm, lo lắng cho con, đặc biệt là để con phải “vất vả” với những công việc nhà. Bạn bị thôi thúc bởi cảm giác muốn chạy đến giúp đỡ nhưng đừng bao giờ làm như vậy, dạy con tính tự lập là món quà tuyệt vời nhất mà bạn dành tặng con mình. Về lâu dài, nó sẽ giúp con trở thành những người trưởng thành có khả năng sống độc lập và có trách nhiệm cao.
Ng. TA (Tổng hợp)