Người hết lòng vì sản vật quê hương
Những ngày đầu tháng 12, Bình Liêu đang vào vụ cao điểm sản xuất miến dong của năm. Tại xưởng sản xuất miến dong của La A Nồng, hơn chục nhân công tất bật ai vào việc nấy, máy ép củ dong riềng nổ rền rã từ sáng sớm đến tối muộn. Xung quanh xưởng là những bao tải chứa củ dong riềng được chất cao chờ vào sản xuất. Tay thoăn thoắt làm công việc cắt miến, chị Sằn Thị Vàng vui vẻ cho chúng tôi biết: “Mình ở thôn Mó Túc bên, cùng xã, vừa được chú A Nồng nhận vào đây làm việc. Công việc bận, làm việc luôn tay từ sáng đến tối, nhưng mà vui lắm. Mỗi ngày đi làm được A Nồng trả công 130.000 đồng”.
La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung, giới thiệu sản phẩm miến dong.
Những tháng cuối năm là thời điểm xưởng sản xuất miến của A Nồng bận rộn nhất. Mặc dù có hẹn trước nhưng chúng tôi cũng phải chờ đợi khá lâu để A Nồng giải quyết xong một số đơn hàng. “Bây giờ khách trong huyện, rồi khách từ Hạ Long, Tiên Yên thậm chí là Hà Nội, Hải Phòng đều đặt hàng qua điện thoại. Khách đặt nhiều, nên có khi mình làm không kịp. Từ đầu vụ tới giờ đã làm được khoảng 15 tấn miến khô và đã giao gần hết. Nhân công, máy móc cũng đã huy động làm hết công suất. Mình là chủ, nên hàng ngày cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bột tráng làm miến, hơn 6 giờ nhân công đến là vận hành máy móc làm việc luôn” – A Nồng nói.
Khuôn mặt rám nắng, dáng người đậm, cách nói năng và tính cách của A Nồng toát lên vẻ chất phác, hồn hậu đặc trưng của người vùng cao Bình Liêu. Trước khi đến với công việc làm miến dong, La A Nồng từng là chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) rồi tiếp tục đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng. A Nồng cũng đã có một thời gian làm giáo viên hợp đồng của một vài trường tiểu học trên địa bàn huyện. A Nồng cho hay: “Gia đình mình có nghề sản xuất miến dong từ lâu, nhưng trước chủ yếu làm thủ công, số lượng không được nhiều. Gần đây, sau khi được xây dựng thương hiệu, miến dong Bình Liêu được nhiều người biết đến, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, mình nhận thấy đây mới là hướng đi có tương lai cho mình”. Tháng 7-2014, La A Nồng thành lập HTX Phát triển Đình Trung, mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng khu sản xuất và thu mua nguyên liệu. Hiện HTX có nhà xưởng rộng 500m2, đầy đủ các loại máy móc phục vụ sản xuất như máy tráng, máy thái sợi, máy rửa, máy nghiền củ dong, tổng trị giá 800 triệu đồng; một nhà kho trị giá 300 triệu đồng.
Gần 12 giờ trưa, khi tiếng máy ép củ dong riềng của xưởng sản xuất vừa dứt cũng là lúc A Nồng và những người làm tạm nghỉ ngơi. Sau kiểm tra một lượt hơn trăm phên miến thành phẩm phơi ở sân thượng, A Nồng mới có thời gian nhấp ngụm trà vối. Nhân câu chuyện về trà nụ vối mà HTX Phát triển Đình Trung của A Nồng đang làm, anh trầm ngâm kể: “Có thời điểm tự nhiên thương lái Trung Quốc về Bình Liêu thu mua nhiều vỏ cây vối. Mà cây vối một khi bị bóc vỏ sẽ dần chết khô chứ không nẩy mầm ra lá được. Thấy vậy, mình thấy xót lắm, cứ sợ một ngày nào đó những cây vối của quê mình không còn nữa”. Xuất phát từ suy nghĩ này, A Nồng đã thu mua nụ hoa vối để sản xuất trà nụ vối và cùng với miến dong, lá tắm cổ truyền người Sán Chỉ, A Nồng đã góp phần bảo vệ những sản vật quý của núi rừng Bình Liêu.
Ông chủ 9X không cho đất nghỉ
Chúng tôi tiếp tục “mục sở thị” cơ ngơi của ông chủ thế hệ 9X Nguyễn Trung Phương. Khác với vẻ chân chất của A Nồng, Trung Phương toát lên sự nhanh nhẹn, năng động của một chàng trai thành phố hơn là một thanh niên nông thôn. Tất bật sau chuyến chở hàng hoa quả miền Nam kịp xuất qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (TP Móng Cái), Phương lại qua kiểm tra trang trại chăn nuôi ở Quảng Thành (huyện Hải Hà) với hơn 4.000 con ngan sắp đến kỳ xuất chuồng. Quá trình trò chuyện của chúng tôi cũng liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của khách hàng để đặt, giao, nhận hàng cuối năm.
Nguyễn Trung Phương chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp với Bí thư Huyện Đoàn Hải Hà.
Tốt nghiệp trung cấp giao thông vận tải và có 2 năm làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (TP Cẩm Phả) với mức thu nhập tương đối khá, nhưng Phương vẫn quyết định bỏ phố về làng gây dựng cơ nghiệp từ đồng ruộng. Phương chia sẻ: “Gắn bó với làng quê từ nhỏ, tôi đã quen với việc đồng ruộng, chăn nuôi và ấp ủ ước mơ xây dựng một trang trại thật lớn. Những năm gần đây, khi kinh tế trang trại, sản xuất tập trung được chính quyền địa phương rất khuyến khích phát triển, nên tôi đã quyết định trở về quê gây dựng sự nghiệp. Công việc nhà nông lúc nào cũng rất cực nhọc, bận tối ngày như con mọn, nhưng lại có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi”.
Dẫn chúng tôi tham quan khu trang trại sản xuất, Phương không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm về quá trình chăn nuôi, trồng trọt của mình, từ việc chọn giống, cách chế biến thức ăn viên cho đàn gia cầm, cách ủ xử lý phân bón ra sao để bón cho rau tốt… Thú thực, chàng thanh niên 25 tuổi điển trai này đã thể hiện không khác gì một chuyên gia nông nghiệp thực thụ. Tiện tay bắt luôn một con ngan cho mọi người ước lượng cân nặng, Phương bảo: “Ở nhiệt độ từ 15 độ C trở lên như hiện nay thì những loài có lông vũ sẽ không quá lo lắng bị lạnh. Tuy nhiên, ngay khi thời tiết chuyển rét thì trang trại của chúng tôi cũng đã chủ động chuẩn bị các phương tiện cần thiết, như phủ bạt chuồng trại, điện chiếu sáng, hàng ngày cho ngan, gà uống đủ nước và thuốc trợ lực để tăng sức đề kháng và chống rét tốt hơn. Hàng ngày, các nhân công của trang trại đều cho vệ sinh máng ăn, máng uống và thay nước 2-3 lần…”.
Những kinh nghiệm này có được là nhờ quá trình vừa học vừa làm, đặc biệt là học hỏi qua internet, qua rất nhiều chuyến tham quan, học tập mô hình của nhiều người khác. Trung Phương hiện có 2 trang trại chăn nuôi lớn, trong đó trang trại tại thôn 1, xã Quảng Thắng nuôi 5.000 con gà thịt và trang trại tại xã Quảng Thành nuôi trên 4.000 con ngan. Phương còn đầu tư làm mới 2 đầm nuôi tôm, diện tích 10.000m2 tại xã Quảng Thắng. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn phân thải hàng ngày của đàn gà, ngan, đầu năm 2016, Phương thuê thêm đất tại Quảng Thành để trồng 5.000m2 rau an toàn, phục vụ thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 8-12 lao động. Không để đất ngừng nghỉ, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, ông chủ 9X này thu về trên 700 triệu đồng tiền lãi.
Chí hướng, đam mê để thành công
Để gặt hái những “quả ngọt” đầu đời, quá trình khởi nghiệp của A Nồng và Trung Phương không dễ dàng. Năm đầu tiên 2014, khi A Nồng bắt tay vào đầu tư sản xuất miến dong đã bị thua lỗ. “Năm đó do mưa nhiều nên củ dong riềng năng suất thấp, củ không đủ tinh bột, công việc làm miến không đạt hiệu quả như mong đợi” – A Nồng cho hay. Khi “đầu ra” sản phẩm đã ổn định, A Nồng lại lo “đầu vào” nguyên liệu. Đặc biệt trong vài năm gần đây, dong riềng Bình Liêu năng suất chưa cao, người dân trồng ít, nên không đủ nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất miến trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở sản xuất của A Nồng mới chỉ thu mua được 450 tấn củ dong riềng, đạt khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu của vụ sản xuất 2016.
Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, A Nồng đang đề xuất huyện cho phép trồng thêm 2ha dong riềng. Đặc biệt, sau chuyến đi nhận Giải thưởng Lương Định Của tại Hà Nội vừa qua, A Nồng đã được gặp chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng và được ông hướng dẫn một số kỹ thuật trồng dong riềng cho năng suất cao. Theo chỉ dẫn của chuyên gia, A Nồng đã tìm về một số địa phương của Hà Nội để học hỏi bà con nơi đây kinh nghiệm trồng dong riềng sao cho đạt năng suất, tỷ lệ tinh bột cao. “Vụ trồng dong riềng tới đây, mình sẽ chọn giống mới, cung cấp giống cho bà con trong vùng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với họ. Bên cạnh đó, sẽ triển khai việc vun luống, bón phân theo đúng kỹ thuật để củ dong riềng đạt năng suất cao hơn” – A Nồng phấn khởi chia sẻ.
Bên cạnh những khó khăn về kỹ thuật nông nghiệp, những thanh niên trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về vốn. Nói về vấn đề này, Nguyễn Trung Phương chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Bản thân chúng tôi đều là con nhà nông, kinh tế gia đình không khá giả, nên khi bắt tay vào làm thì “khát” vốn lắm. Do đó, không có cách nào khác ngoài việc huy động vốn theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”, đó là nuôi gà, trồng rau – những sản phẩm có thời gian thu hoạch ngắn để dần mở rộng đầu tư thêm vào nuôi tôm – cần nguồn vốn lớn; lấy lợi nhuận năm trước để tái đầu tư mở rộng năm sau. Cũng nhờ nguyên tắc này, khu vực chăn nuôi của tôi đã mở rộng từ 150m2 ban đầu đến nay là 2.000m2. Dự kiến, thời gian tới, tôi thành lập một doanh nghiệp dịch vụ sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.
Mặc dù hiện còn quá sớm để khẳng định La A Nồng và Nguyễn Trung Phương là những người thành công, song trước hết có thể thấy họ là những điển hình của thanh niên nông thôn khởi nghiệp từ nông nghiệp. Điều chúng tôi nhận thấy rõ ở hai thanh niên này, là dù gặp khó khăn trong khởi nghiệp nhưng quan trọng nhất là phải tìm ra được con đường đúng để đi, và giữ lửa niềm đam mê của bản thân về thứ mình theo đuổi.
Theo Phương Thuý
Báo Quảng Ninh