5 cá tính, một tiếng lòng đồng vọng
Nhóm SV đến từ lớp Thông tin đối ngoại 29, khoa Quan hệ quốc tế (QHQT), HV BC & TT vừa trở thành một trong những chủ nhân xuất sắc của giải thưởng chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011(VACI) do Ngân hàng thế giới và Thanh tra Chính phủ tổ chức vừa qua.
Đề án chạm đến vấn đề mà một bộ phận giảng viên và SV còn ngại nhắc đến: “Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò: minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng chống tham nhũng ở giảng đường ĐH”.
5 cái tên với 5 cá tính độc đáo bao gồm: Lê Minh Hằng, Hoàng Nhật Đăng, Nguyễn Ngọc Ánh, Trương Thị Diệp, Nguyễn Duy Anh.
Và “bà già lắm chuyện” Lê Hiền Đức, nhà giáo, nữ tình báo được Bác Hồ phong tên, người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, khi tới tham quan gian trưng bày của đề án đã rất xúc động và muốn ôm hôn, chụp hình với từng người một. Bà nói: “Bà đã có người truyền tiếp tư tưởng của mình”.
Người khơi nguồn, chịu trách nhiệm chính về đề án là TS. Nguyễn Ngọc Oanh, phó trưởng khoa QHQT. Thầy đã theo dõi chương trình nhiều năm và nhận thấy SV của mình hoàn toàn có khả năng dùng sức mạnh của truyền thông để tạo nên những thay đổi từng bước trong nhận thức.
“Khía cạnh tiếp cận của đề án là ở góc độ xây dựng, lấy cái đẹp, cái tốt để từ đó xây dựng nên chứ không phải đi vào mổ xẻ những cái tiêu cực của các trường”, Minh Hằng cho biết.
Đề án sẽ được triển khai với những hoạt động chủ đạo như xây dựng website Giảng đường tươi đẹp, phát động những cuộc thi “phóng sự phòng chống tham nhũng”, “khoảnh khắc thầy và trò”… Xây dựng quy ước, chuẩn mực thầy trò thông qua hội thảo, phiếu điều tra…
“Cuộc sống ngày nay có nhiều chuyện tạo nghịch lý như thầy trò mua bán điểm chác, đổi tình lấy điểm… Tham nhũng hay không chính một phần là từ phía HS, SV. Chúng em sử dụng sức mạnh của sự giao cảm giữa SV với nhau. Muốn thành công không chỉ ở nhóm đề án mà là từ tất cả thầy trò trong trường cùng làm nên và cả sự đồng lòng của các bậc phụ huynh.”, Nhật Đăng bày tỏ quan điểm.
“Vấn đề tham nhũng mọi người hiểu chưa sâu, có một chị làm bên Ngày sáng tạo, chị tổ chức một trò chơi yêu cầu các bạn không tham nhũng đứng sang một bên, các bạn tham nhũng đứng sang một bên thì số lượng các bạn đứng sang khu không tham nhũng rất đông.
Nhưng khi chị giải thích tham nhũng là gì thì tất cả các bạn đều thừa nhận đã từng tham nhũng. Ví dụ mình bị cảnh sát giao thông bắt và mình đút lót tiền, đó cũng là tham nhũng. Nhiều cái đơn giản, cơ bản hơn nữa”, Diệp kể.
Còn cô bạn Ngọc Ánh thì vui vì những tác động ban đầu của đề án: “Một anh bạn của em thi môn gần cuối, đang bàn với bạn “đi” thầy. Nhưng sau khi biết cô em gái mình vất vả làm đề án thì anh không “đi” nữa và lần đó anh vẫn làm bài qua. Điều đó chứng tỏ nhiều khi các bạn “đi” thầy chỉ vì các bạn thiếu tự tin hoặc khóa trước rỉ tai khóa sau môn này không đi là cầm chắc rớt”.
Minh Hằng lại có quan điểm sâu sắc: “Câu chuyện của thầy Thân – một thầy giáo dạy cấp 2 là một câu chuyện cảm động. GS. Ngô Bảo Châu cùng nhiều GS nổi tiếng khác cũng là học trò của thầy ấy. Khi đã thành danh, họ vẫn nhớ về người thầy hồi cấp 2.
Em đọc rất nhiều câu chuyện, cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng đọng lại trong em vẫn là những câu chuyện tích cực. Có những ngày hội như Ngày hội thầy trò Xô Việt rất cảm động thì tại sao lại không có Ngày hội thầy trò Việt – Việt? Thông qua Ngày thầy trò báo chí nói không với tham nhũng thực chất để thầy trò gắn bó với nhau hơn, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau nhiều hơn”.
Ngày bảo vệ đề án, tất cả các đề án khác đều chỉ có một đại diện thuyết trình, riêng nhóm đề án của các bạn, cả 5 thành viên đều nói, đặc biệt có Đăng thuyết trình bằng tiếng Anh. Các bạn còn sáng tạo một cuốn sổ thu thập chữ ký và nhận xét của tất cả mọi người với mong muốn có một tiếng nói chung từ cộng đồng.
“Em cảm thấy rất vui khi được làm việc cùng các bạn. Bạn Duy Anh làm việc rất chuyên nghiệp, bạn Đăng thì đa tài. Ánh có tính quyết đoán còn Hằng thì rất sâu sắc. Qua đề án này em tin là các bạn sẽ lớn hơn trong cách suy nghĩ về cuộc sống, tôn trọng hơn những người đã dìu dắt chúng em. Chúng em may mắn vì được sống trong môi trường khoa QHQT. Nơi mà tình cảm thầy trò rất ấm áp.
Phương Nhung
(Ảnh nhân vật cung cấp)