Những “sinh viên” bất đắc dĩ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 16/06/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Nỗi buồn sau những mối tình sinh viên

 

Sáng sáng, tất bật để chuẩn bị sách vở lên giảng đường là cảnh thường thấy của mỗi sinh viên. Cứ nhìn cảnh đấy, Dương thèm lắm vì đã ba năm nay, cô không còn được đi học. Đang trong tuổi sinh viên, cũng vẫn dậy từ sáng sớm nhưng không phải để lên lớp mà là chuẩn bị bữa sáng cho “chồng” và con.

 

Hiện tại, công việc chính của cô là chăm sóc con gái và đi tiếp thị cho một hãng mỹ phẩm. Cuộc sống của họ sẽ thế nào đây, cả Dương và Minh đều không đoán trước được, chỉ biết rằng hàng ngày cả hai phải quần quật lao động mới nuôi nổi gia đình nhỏ này.

 

Nhà thuê, mọi vật dụng đều được mọi người gom góp cho và chính “đôi vợ chồng” trẻ tự mua một ít. Nếu như cháu bé không ốm đau, cuộc sống cứ thế qua ngày thì cũng còn được gọi là tạm ổn nhưng mọi chuyện đâu có như vậy. Một tháng, đôi “vợ chồng” trẻ này không phải vào bệnh viện dưới hai lần vì lý do con ốm đau thì tháng đó có thể ăn mừng được!

 

“Đôi” Linh và Khánh là một “tiêu điểm” của trường HVNH. Sinh ra trong một gia đình công chức của một tỉnh trung du phía Bắc, bố mẹ Linh chạy vạy đủ tiền cho con ăn học thành người là cả một cố gắng lớn. Hy vọng đối với cậu con trai nhiều bao nhiêu thì họ lại thất vọng bấy nhiêu khi cậu báo tin Khánh, bạn gái cậu đã có thai bốn tháng. Kể từ đó, cả bố mẹ lẫn họ hàng quyết định “từ” đứa con hư hỏng như Linh.

 

Không có sự “viện trợ” của gia đình, đôi trẻ đành lao mình ra với những thương vụ buôn bán hàng Tầu. Thời gian lên giảng đường cũng vì thế bị cắt xén do những chuyến hàng về đột xuất. May thay cho họ là bé Tun (tên thường gọi của đứa con trai 2 tuổi chưa được đặt tên chính thức) không hay ốm đau và luôn được những sinh viên thuê nhà gần nơi họ trọ trông nom hộ.

 

Có lúc theo những chuyến hàng dài ngày, về nhà “vợ chồng” vật ra ngủ như chết, mọi việc dành cho đứa con đều phải phó thác cho hàng xóm là các cô cậu sinh viên. Vất vả bội phần, họ chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi con và cố gắng trả nợ môn để kiếm tấm bằng sau này ra trường có thể xin việc dễ dàng hơn. Chắc phải đến lúc đó, họ mới nghĩ đến việc làm đám cưới.

 

Nếu ai nói việc yêu và có con trước khi cưới của các cô cậu sinh viên chỉ xảy ra đối với các trường hợp ngoại tỉnh về Hà Nội trọ học thì hoàn toàn nhầm lẫn. Quân – là quý tử của một gia đình cán bộ cao cấp, khá giả ở Hà Nội nên từ nhỏ cho đến khi là sinh viên đại học, cậu không thiếu một thứ gì so với bạn đồng lứa. Không vì đủ đầy mà cậu sinh hư, ngược lại, Quân còn đỗ á khoa trong “cuộc chiến” tuyển sinh vào trường KTQD. Những tưởng con mình sẽ thành “ông nọ, bà kia” nên cha mẹ cậu hết lòng chăm sóc con, không để cậu quý tử thua kém ai.

 

Nhưng, mọi sự đều không nói trước được, khi Quân yêu Lan, cậu đã “đánh tiếng” cho phụ huynh biết về mối quan hệ này. Bố mẹ phản đối dữ lắm, tìm mọi cách cấm cậu quý tử đi lại với Lan. Thế là cả hai “bày mưu” để gia đình phải chấp nhận “sự đã rồi”. “Nhân tính không bằng trời tính”, cha mẹ của ông bố trẻ nhất quyết không nhận Lan làm con dâu. Cuối cùng, Lan đành phải ôm con lên giảng đường trong nước mắt. Và cậu con trai của họ là một “sinh viên” mà tên không có trong danh sách lớp.

 

Những người “ngoài cuộc” nói gì?

 

Theo số liệu từ Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình năm 2003 thì tỷ lệ nạo phá thai của sinh viên đại học chiếm 13,8% trong tổng số các ca, một con số đáng để rất nhiều người giật mình. Nhưng, tỷ lệ đẻ con khi vẫn còn là sinh viên cũng thuộc dạng không nhỏ, chiếm 0,17% các ca điều tra.

Theo chân Minh về thăm gia đình trên Phú Thọ, tôi hết sức ngạc nhiên về việc cậu giấu nhẹm chuyện mình có đứa con đã gần một tuổi. Cha mẹ cậu hoàn toàn tin tưởng vào chuyện con trai mình vẫn học hành tử tế, không yêu đương gì cả. Cứ mỗi lần bố mẹ xuống thăm, cậu lại khéo léo chuyển sang phòng của mấy cậu bạn để ở nhờ. Chính vì vậy mà “ông bà già” không thể phát hiện ra mọi chuyện. Và, đấy cũng là lý do chính để “đôi vợ chồng” này không thể làm đám cưới.

 

Nhắc thử tới chuyện yêu đương trong môi trường đại học, cả gia đình của Minh kiên quyết phản đối. Bố mẹ cậu không chấp nhận sự việc này cũng chỉ vì nghĩ cho con cái phải cố gắng trong học hành, không lơ là vì những lý do được họ cho là “hết sức vớ vẩn”. Cũng thế, bố mẹ của Linh cũng tỏ thái độ hết sức cứng rắn là không chấp nhận chuyện này.

 

Khác với hai bậc phụ huynh kia, bố mẹ của Quân chỉ chấp nhận đứa cháu nội, còn mẹ nó thì tìm cách xua đuổi vì không chấp nhận được con dâu “ăn cơm trước kẻng”. Đã nhiều lần họ tìm cách “cướp” cháu nội nhưng không thành. Chính vì vậy mà Lan đi đâu cũng phải bế ẵm con theo vì sợ ông bà nội đón mất đứa con trai gần một tuổi của mình. Chỉ thương thay cho Quân, sáng sáng lên giảng đường, chiều sống đời vợ chồng với Lan trong nhà trọ nơi “hai vợ chồng” thuê để tá túc qua ngày, đêm thì phải về ngủ với cha mẹ ở nhà. Nhiều lúc cậu than: “Thân này ví xẻ làm ba…”

 

Về phía các thầy cô giáo và ban quản lý ký túc xá, họ hoàn toàn không hay biết gì về những thực trạng này. Hoặc có biết lờ mờ về những hiện tượng trên nhưng không dám kết luận cụ thể. Bởi vì có thể trước đây, những cô cậu sinh viên còn ở trong ký túc xá nhưng khi họ “có chuyện” thì việc chuyển ra ngoài sống là điều tất nhiên vì không một trường đại học, một ban quản lý ký túc xá nào chấp nhận chuyện có trẻ con trong đấy cả.

 

Tất cả mọi chuyện ăn ở, sinh hoạt, nuôi nấng lẫn nhau của những “cặp vợ chồng sinh viên” này vẫn ở trong “bóng tối”, khó phát hiện được, trừ bạn bè của họ. 

 

 

Khi tôi viết bài này gần xong thì cũng vừa nhận được điện của Minh báo con cậu đi cấp cứu trong bệnh viện vì sốt cao. Có lẽ, cái điệp khúc bệnh viện, giảng đường và sự giấu giếm sẽ đeo đuổi cậu đến khi nào cậu tốt nghiệp mới thôi, mà còn hơn một năm nữa mới đến ngày đó.

 

(* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu)

 

Lê Việt Chiến

Exit mobile version