Những sai lầm “ngớ ngẩn” tốn kém nhất trong lịch sử (P1)

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 24/10/2017
Lần cập nhập cuối: 08/02/2021

Tuy nhiên đáng nói nhất phải kể đến sai lầm của Ronald Wayne khi ông bán 10% cổ phần Apple mà mình sở hữu với giá 800 USD, trong khi ở thời điểm hiện tại giá trị của chúng đã lên đến… 80 tỷ USD.

Công ty đường sắt quốc gia Pháp và dự án hiện đại hóa

Năm 2014, công ty đường sắt quốc gia Pháp (viết tắt là SNCF) đã thực hiện dự án hiện đại hóa bằng việc nhập thêm 2000 toa tàu với giá 15 tỷ euro. Tuy nhiên, trên thực tế SNCF đã phải mất thêm đến 50 triệu euro nữa cho dự án này bởi một sai lầm của họ trong khâu lên kế hoạch.

Cụ thể, những toa tàu hiện đại được nhập về lại rộng hơn 20 cm so với mẫu tàu cũ khiến chúng không ăn khớp với hệ thống đường ray, vốn đã có tuổi đời trên 30 năm. Và đương nhiên, việc phải chi một khoản phí nữa để cải tạo lại hệ thống đường ray là không thể tránh khỏi.

Lỗi đánh máy trị giá 250 triệu USD

Một công ty Nhật Bản có tên là Mizuho Securities từng bị mất đến hàng trăm triệu USD chỉ vì lỗi đánh máy. Sự cố hy hữu này xảy ra khi Mizuho Securities muốn bán một cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán Tokyo với giá 610.000 yen. Tuy nhiên, nhân viên của sàn giao dịch lại nhầm lẫn trong việc nhập dữ liệu, khiến giá trị thực tế khi lên sàn là 610.000 cổ phiếu có giá… 1 yen và gây nên tổn thất 225 triệu USD.

Isaac Peral, chiếc tàu ngầm không thể nổi

Chính phủ Tây Ban Nha từng đầu tư 2,3 tỷ USD vào dự án chế tạo một chiếc tàu ngầm khổng lồ có tên là “Isaac Peral”. Tuy nhiên, đến khi đã hoàn tất được phân nửa con tàu, các kỹ sư mới nhận ra rằng con tàu quá nặng để có thể tự nổi lên trên mặt nước.

Sai lầm này sau đó đã được xác nhận là xuất phát từ khâu tính toán dữ liệu, khi Isaac Peral vẫn đang còn nằm trên giấy. Để con tàu ngầm này có thể hoạt động lại bình thường, chính phủ Tây Ban Nha đã phải chi tiếp một số tiền không hề nhỏ cho việc giảm tải trọng và kéo dài thân tàu.

Chiếc cầu “nhảy múa” Millennium

Chiếc cầu Millennium nổi tiếng nối hai bờ sông Thames của London từng phải đóng cửa chỉ vài ngày sau khi nó được khánh thành vì sai lầm nghiêm trọng trong thiết kế. Theo đó, khi hàng trăm du khách bắt đầu rảo bước qua chiếc cầu này, hiện tượng rung lắc, chồng chềnh đã xuất hiện ở mức đáng báo động.

Thậm chí, người dân London thời điểm đó còn gọi vui Millennium là “cây cầu nhảy múa”. Được biết, chi phí để xây dựng Millennium là 18,2 triệu bảng và số tiền thành phố này phải chi thêm để tăng sự ổn định cho nó lên đến 5 triệu bảng.

Thương vụ mua bán cổ phần Apple của Ronald Wayne

Ronald Wayne từng là một trong những nhà sáng lập của Apple. Ông cũng được biết đến là người thiết kế nên logo đầu tiên của hãng này. Vào thời điểm năm 1976, Ronald Wayne nắm giữ cho mình 10% cổ phần của Apple. Tuy nhiên do không tin tưởng vào khả năng phát triển của thương hiệu này và lo ngại nguy cơ mất hết tiền nếu Apple phá sản, không lâu sau đó ông đã bán hết cổ phần của mình với giá chỉ 800 USD.

Đây quả thật là một quyết định cực kỳ thiếu sáng suốt khi đến nay, thương hiệu “quả táo cắn dở” đã trở thành một gã khổng lồ trong làng công nghệ và 10% cổ phần của Ronald Wayne từng sở hữu, hiện đã có giá lên đến gần 80 tỷ USD.

Hải Phong

Theo BS

Exit mobile version