Vào ngày này, cùng với Việt Nam còn có Trung Quốc, Hàn Quốc cũng ăn tết Đoan Ngọ nhưng mỗi đất nước lại có những cách thức tổ chức khác nhau liên quan đến những truyền thuyết và niềm tin tín ngưỡng ở mỗi nước.
Ở Việt Nam, ngày tết Đoan ngọ còn được gọi là ngày tết Giết sâu bọ. Trong suy nghĩ của người Việt xưa, trong bộ phận tiêu hóa thường có nhiều sâu bọ, mầm bệnh và chúng sinh trưởng mạnh nhất vào ngày mùng 5 tháng 5, cho nên phải diệt trừ chúng bằng các món ăn. Từ quan niệm đó mà trong ngày này nhân dân ta cũng có những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
1. Ăn cơm rượu nếp cẩm
Cơm rượu nếp cẩm vốn là một đặc sản của người Mường vùng Thanh Hóa, nhưng do hương vị ngon và công dụng bổ ích mà món ăn này được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt trong ngày tết Đoan ngọ thì đây là món ăn không thể thiếu đối với bất cứ gia đình nào. Món cơm nếp cẩm được nấu (hoặc lên men) cùng với rượu theo y học cổ truyền có vị ngọt, tác dụng của nó là bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm… Vào sáng mùng 5/5, tất cả mọi người sau khi vệ sinh cá nhân đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp cẩm với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
2. Ăn thịt vịt
Nếu như thịt vịt là món ăn bị kiêng kỵ ăn vào những ngày đầu tháng thì nó lại rất được ưa chuộng trong ngày tết Đoan Ngọ. Cũng bởi quan niệm “diệt sâu bọ”, chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này. Thịt vịt theo đông y còn có tác dụng bồi bổ cơ thế sau ốm, chữa co giật, hạ nhiệt, giảm mụn nhọt.
3. Sơn móng chân, tay
Móng chân và móng tay của các em bé được sơn màu đỏ nhưng không phải là sử dụng các loại sơn nhũ như hiện nay mà phải được lên màu bởi một loại lá cây trong vườn nhà có tên là cây Lá Móng. Đó là một loại cây nhỏ, có thể trồng làm hàng rào cảnh. Ở một số nước phương Tây cây Lá Móng được sử dụng để chế mỹ phẩm. Cây còn có tác dụng chống viêm, lở loét, chữa hắc lào và lên màu móng tay rất đẹp nên thường được nhân dân ta sử dụng để đắp vào móng tay, chân trong ngày tết Đoan Ngọ.
4. Hái lá thuốc
Người Việt xưa thường hái lá thuốc vào giờ ngọ, sau khi đã cùng nhau ăn cỗ tết. Đó là khi dương khí tốt nhất trong cả năm và người Việt tin rằng lá thuốc được hái vào giờ đó sẽ cho công hiệu tốt nhất. Những loại lá thuốc thường được hái là: lá cây ngải cứu, kinh giới, tía tô, xả, cam thảo đất, bưởi… Lá thuốc sau khi hái sẽ được đem phơi khô, để uống dần hoặc có thể đun nước xông tắm ngay hôm đó.
5. Ăn các loại quả đầu mùa
Tháng 5 là thời điểm mà các loại hoa trái mùa hè bắt đầu vào mùa. Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây có vị chua chua như: mận, vải, xoài… không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
6. Ăn bánh Gio
Nếu như Tết nguyên đán không thể thiếu bánh chưng thì trong ngày tết Đoan ngọ những chiếc bánh Gio trong veo một màu hổ phách lại là thứ bánh mà nhà nào cũng có. Bánh Gio còn có tên gọi là bánh Tro, bánh Nắng, bánh Nẳng, bánh ú tro.
Là một loại bánh làm từ bột gạo nếp ngâm và lọc qua nước tro của một số loại cây trong vườn nhà. Nguyên liệu dễ kiếm nhưng cách làm lại khá cầu kỳ. Tuy vậy nhưng nó lại được lòng rất nhiều người bởi màu sắc hấp dẫn, hương thơm đặc trưng của cây vườn nhà và vị thanh mát tan ngay trong miệng.
7. Con rể “sêu” cha mẹ vợ, học trò lễ tết thầy
Đây là một phong tục hết sức tốt đẹp của người Việt. Con rể đi lễ cha mẹ vợ còn có một cách gọi khác là đi sêu. Thường thì vào buổi sáng tết mùng 5/5, người con rể sẽ ăn mặc đẹp, bưng mâm lễ sang nhà bố mẹ vợ. Trên mâm bày xôi gà, hoa trái đầu mùa. Lễ sêu cũng có thể là đồ sống như gạo nếp, đậu xanh, dưa hấu, vịt gà hoặc ngỗng, chim trời…
Đây cũng là dịp mà các học trò xưa đến lễ thầy dạy học của mình. Đồ lễ cũng tùy vào hoàn cảnh từng gia đình nhưng về cơ bản cũng có gạo nếp, đỗ xanh, vịt và các loại hoa trái đầu mùa.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại phát triển, người Việt ta vẫn ăn tết mùng 5 nhưng một số phong tục đã mai một dần, có chăng chỉ một số rất ít các gia đình ở vùng quê giữ lại được. Tuy thế, đây vẫn là một ngày tết được người Việt coi trọng với phong tục văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Minh Hải
Tổng hợp