Những nữ sinh mang bụng bầu đến lớp

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 01/11/2008
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Chửa thì ngượng chứ, nhưng mà vui!

 

Cưới chạy thai đã quá quen thuộc trong giới trẻ và sinh viên cũng không là ngoại lệ.  Lê Thị Hoài Thu, SV năm thứ 3 Học viện báo chí đang mang bầu tháng thứ 7, kể: “Những ngày đầu sau khi cưới, đến lớp em cũng thấy rất… ngượng! Em có cảm giác như thể các bạn, các thầy cô ai cũng nhìn em chằm chằm. Nhưng bây giờ quen rồi, chuyện mang em bé trong bụng đến lớp có khi lại hóa hay! Các cô bạn thi nhau xem, sờ, nghe, nắn, bóp và giúp đỡ em nhiều trong học tập nên em cảm thấy rất vui”.

 

Không chỉ thế, Thu còn hồn nhiên khoe: “Em cưới trong đợt hè, khi đang mang thai được 3 tháng. Năm học mới đến, các thầy cô và các bạn tròn mắt sửng sốt vì bụng em đã “lùm lùm” sau 2 tháng nghỉ. Chỉ một số bạn biết chuyện là tỏ ra bình thường. Sau giây phút ngỡ ngàng ấy, cả lớp òa lên nói: “Thế là lớp mình sắp có đứa cháu đầu tiên rồi”. 

 

Những cô gái mang bầu đến lớp do cưới … chạy thai như Thu đều có những tính toán rất kĩ lưỡng để có thể cân bằng giữa việc làm mẹ và việc học. Thu cho biết: “Em cố gắng đi học cho gọn kì này, vì 2 tháng nữa mới đến ngày sinh. Thật may mắn là sinh con có khi đúng dịp Tết âm lịch nên 3 tuần nghỉ Tết được biến thành “nghỉ đẻ”! Theo tính toán của em và gia đình, nếu sức khỏe tốt và cứng cáp sớm, em sẽ đi học trở lại luôn để không bị trễ”.

 

Trở ngại lớn nhất của Thu bây giờ là sức khỏe, vì vừa mang thai vừa học là khá tốn sức. Hiện Thu đang ở với bố mẹ chồng, chồng Thu hơn Thu 4 tuổi, đã có công việc ổn định nên dù cưới và mang thai trong khi còn đi học nhưng Thu không phải sống cảnh chật vật khó khăn như Đàm Thị Nguyệt, SV ĐH Luật HN. Nguyệt quê Nghệ An, chồng quê Quảng Ninh, cưới nhau vì trót đeo “ba lô ngược” khi chàng vừa ra trường, còn Nguyệt bước vào năm cuối. Nguyệt bỏ dở một kì học, bây giờ đang đi học trở lại sau khi đã sinh con. 

 

Quê xa, không có ông bà nội ngoại, 2 vợ chồng cô SV này thay nhau trông con. Nguyệt học sáng nên chồng xin làm chiều và đêm. Có hôm Nguyệt đến lớp tóc tai rối bời, tan học lại vội vã về cho con bú! Buồn cười nhất là có hôm Nguyệt đi học muộn, đứng trước cửa lớp, chưa kịp mở miệng xin vào thì thầy giáo đã trỏ tay ra ngoài bảo: “Cô là giáo viên mới à? Nhầm lớp rồi!, cả lớp bò ra cười, còn Nguyệt vừa ngượng vừa buồn cười. “Gái một con trông mòn con mắt”, Nguyệt già dặn hơn so với các bạn, lại đang cho con bú nên nở nang thấy rõ, thầy nhầm cũng phải!

 

Hình ảnh nữ sinh mang bụng bầu đến lớp – đã là chuyện không còn xa lạ với nhiều người. 

 

Cưới chạy… tuổi và cưới chạy việc!

 

Cách đây không lâu, KTX ĐH Thủy Lợi xôn xao vì “chị cả xinh đẹp và duyên dáng nhất” khu kí túc Phạm Hồng Lam lên xe hoa khi đang học năm cuối. Những người ở cùng KTX, bạn bè và thầy cô đều choáng váng trước tin “trời đánh” này. Vì Lam xinh đẹp có tiếng, nhiều vệ tinh theo đuổi dập dìu, lấy chồng sớm như thế quả là một quyết định gây “sốc”!

 

“Chắc bác sĩ lại bắt cưới chứ gì?” – đây là câu cửa miệng các SV rót vào tai nhau mỗi khi nhắc đến đám cưới của Lam. Nghe những lời này, Lam tuyên bố như thách thức: “Nếu có thế thật thì cũng đã làm sao? Thiên hạ bây giờ đầy ra đó”. 

 

Lí do theo chồng của Lam thì chỉ có mỗi thế này: “Năm nay mình 22 tuổi, còn người yêu mình đã 28 tuổi. Bố mẹ anh ấy đi xem bói, thày bói bảo nếu không cưới năm nay, thì phải sau 7 năm nữa, hai đứa mới được tuổi cưới. 7 năm nữa, anh ấy đã 35, mình 29. Quan trọng hơn là liệu có còn yêu nhau đến lúc đó được nữa không?”.

 

Lam cho biết thêm: “Tình yêu của 2 đứa mình cũng đã trải qua gần 3 năm rồi, đủ để hiểu nhau và yên tâm về nhau. Chỉ còn vài tháng nữa mình sẽ tốt nghiệp. Anh ấy cũng đã ổn định, là cán bộ sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Sớm muộn gì thì sang năm cũng cưới thôi. Nên nếu bố mẹ anh muốn thế, mình cũng không phản đối. Bố mẹ mình cũng ủng hộ cho mình”.

 

Ngày cưới, bao nhiêu lời chúc phúc, rồi Lam vẫn ở KTX lo làm nốt đồ án tốt nghiệp. Chồng Lam vẫn ở quê đi làm bình thường, cuối tuần 1 trong 2 người về thăm nhau. “Mọi thứ đã được sắp xếp xong xuôi hết rồi, chỉ đợi mình tốt nghiệp là mình sẽ chuyển hẳn về quê làm việc và sinh sống ở đó luôn với gia đình mới”, Lam phấn khởi ra mặt.

 

Song song với kiểu cưới chạy này, nhiều SV năm cuối nếu “chăn” được một anh chàng giàu có, bố mẹ làm to thì cũng hối thúc người yêu cưới để ra trường thoát khỏi kiếp nạn tìm việc mà nhiều cử nhân đang lặn ngụp trong đó.

 

Trong khi bạn bè vẫn long đong lận đận kiếm cho mình một chỗ làm thì Trịnh Thu Hiền đã yên tâm với vị trí của một thư kí văn phòng ở Ban tuyên giáo TP Hà Nội cùng mẹ chồng. Chồng Hiền làm trong sở Xây Dựng cùng bố. Trước đây, Hiền học ở Học viện Báo chí Tuyên truyền. Tháng 6/2008, khi Hiền vừa tốt nghiệp, chàng đã rước Hiền về dinh và lo việc cho Hiền. Cùng một lúc, Hiền có công việc, có chồng. Dù có lấy chồng sớm, Hiền cũng không tiếc: “Vì những cái được của em là quá nhiều, nên em chẳng có gì phải tiếc cả”, Hiền vui vẻ cho biết.

 

Cưới theo kiểu du học và cưới cho bố về hưu

 

Bùi Thị Kim Thoa hiện đang là SV lớp Cao học Tiếng Nga tại ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Vừa đi học Cao học được vài tháng, Thoa xin được học bổng du học toàn phần tại ĐH Tổng hợp Moscow (Nga) trong 2 năm. Niềm vui chưa hết thì Thoa lo ngay ngáy về anh người yêu đã thắm thiết 2 năm nay. Thoa bàn với người yêu làm đám cưới, rồi cùng đi du học. Thoa đi theo học bổng, còn người yêu đi tự túc, sang đó sẽ đi làm thêm, miễn sao vẫn được ở cạnh nhau, còn mọi người ở nhà không nói ra nói vào được vì đã cưới rồi. Cuối cùng Thoa cũng thuyết phục được người yêu. Nhưng khi thuyết phục bố mẹ, cô bị phản đối gay gắt.

 

Bố Thoa phân tích: “Con mới 24 tuổi, đi học 2 năm về cũng mới 26, sao mà phải vội? Cứ để người yêu ở nhà, yêu nhau thật lòng thì không thể bỏ nhau được”. Mẹ Thoa thêm vào: “Với lại, có làm đám cưới, cũng không kịp đâu. Có hơn 1 tháng nữa thì chuẩn bị sao nổi”. Thoa thanh minh: “Đặt nhà hàng thì còn 10 ngày cũng xong!”. Giờ thì Thoa đã thỏa nguyện, đang chờ 1 tuần nữa, 2 vợ chồng sẽ sang Nga, vẹn cả đôi đường.

 

Nhưng kỳ nhất là chuyện con cái phải cưới trước khi bố mẹ về hưu, để tiền mừng thu về nặng túi. Xin kể ra đây một trường hợp điển hình cho kiểu cưới chạy này.

 

Trước đây, khi gia đình người yêu xem tuổi rồi đến xin cưới, bố mẹ Ngô Thị Bích H., SV ĐH Sư Phạm HN từ chối vì lí do “cháu còn đang học dở dang, đợi cho hết năm nay rồi ông bà đến xin tôi cũng không giữ”. Đó là câu trả lời khi ông còn đương chức ở phòng Tư pháp Quận. Nhưng kể từ khi có chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ, ông sợ cái tuổi 53 của mình sẽ bị về vườn sớm nên ông bà thay đổi hẳn quan niệm, hỏi H.: “Gia đình Hưng (người yêu H.) có còn muốn cưới năm nay nữa không con?”. Biết câu trả lời là có, ông bà hồ hởi nhận trầu rồi nổ pháo ăn mừng. Khách khứa đến đông nghìn nghịt, tắc nghẽn cả một đoạn đường…

 

Theo Vietnamnet

Exit mobile version