Tốt nghiệp khoa Du lịch (ĐH KHXH&NV Hà Nội), Vũ Minh Thọ làm hướng dẫn viên cho Công ty Du lịch quốc tế Intrepid – Hà Nội và nhanh chóng trở thành một hướng dẫn viên giỏi.
Nói về bí quyết thu hút khách của mình, Thọ bảo: “Những du khách nước ngoài tới Việt Nam hầu như ai cũng có sách hướng dẫn tham quan nên khi đưa khách đi, tôi không nói nhiều tới những danh lam thắng cảnh, những địa danh nổi tiếng.
Tôi hướng cho du khách đến với những hình ảnh thân thuộc, gần gũi của người Việt Nam như đưa khách tới thăm một ngôi nhà nhỏ, giải thích cho họ về văn hoá, phong tục tập quán, cho khách nếm thử một món ăn dân dã. Khách rất thích được tìm hiểu những chuyện nhỏ như thế”.
Văn Đinh Hồng Vũ lại có hướng đi khác trong việc quảng bá hình ảnh đất Việt. Thông thạo 3 ngoại ngữ, Vũ đã đi nhiều nước để tham dự các hội nghị thượng đỉnh, các diễn đàn, đại hội và đã được mệnh danh là “Người phát ngôn thanh niên Việt Nam”.
Thông qua các chuyến đi này, Vũ đã xây dựng nhiều đề án thiết thực như “Vấn đề trở ngại trên đường tìm việc của thanh niên”, “Trung tâm định hướng việc làm cho thanh niên”…
Sau khi đã tham gia nhiều diễn đàn, Vũ mạnh dạn đưa đề án lên mạng, vận động nhiều người cùng giúp sức để phát triển đề án.
Cô gái Nguyễn Phi Vân lại xây dựng hình ảnh sức trẻ Việt Nam bằng con đường đầy táo bạo. Đang làm giám đốc marketing ở khách sạn SaiGon Star, Vân xin nghỉ để đi du học tự túc ở Úc.
Không có tiền, Vân vừa đi làm thuê vừa học. Cô giám đốc ngày nào không nề hà với công việc dọn phòng, bồi bàn để dần dần nhận được sự tin tưởng, trở thành trưởng phòng rồi giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á của Flairview – Tập đoàn viễn thông, địa ốc, du lịch của Úc.
Hướng đi của chàng trai trẻ Phùng Tiến Công lại là con đường của công nghệ thông tin. Đạt giải Ba cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2001 và giải Công nghệ thông tin truyền thông châu Á 2002 với phần mềm nghe nhạc Vietkar, Công đã xây dựng nhacso.net.
Chỉ chưa đầy 1 năm, nhacso.net đã có trên 1 triệu khách hàng mà trong đó, không ít người ở nước ngoài. “Khắp năm châu đều có thể nghe nhạc Việt, đây là điều tôi mong muốn để quảng bá hình ảnh đất nước thông qua âm nhạc.”
Quảng bá Việt Nam bằng cách nào?
Vũ Minh Thọ không ngờ những lần dẫn khách đi khắp đất nước Việt Nam theo phong cách riêng của mình đã tạo ấn tượng rất mạnh với du khách.
Và một lần trong đoàn khách của Thọ đã có những người của tạp chí Wanderlust (Tạp chí du lịch của Anh) đi xem xét, bình chọn Hướng dẫn viên du lịch giỏi trên toàn thế giới.
Mãi đến khi nhận được thông báo từ Wanderlust rằng Thọ được bình bầu là 1 trong 11 hướng dẫn viên giỏi nhất thế giới, Thọ mới biết. “Tôi cho rằng muốn đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, hãy giúp du khách khám phá, hiểu biết về cuộc sống, con người và đất nước Việt Nam”.
Phi Vân cho rằng: “Chúng ta đã đem ý nghĩ chủ quan của chúng ta về đất nước Việt Nam để tiếp thị cho người nước ngoài. Đó là một quy trình không đúng. Trái lại, chúng ta phải tiếp thị bạn bè quốc tế bằng những điều họ ấn tượng, những điều họ thích và những điều họ nhớ về Việt Nam. Chính những người nước ngoài đó sẽ tiếp thị cho chúng ta”.
Minh Thọ, Hồng Vũ, Phi Vân và Tiến Công cùng đồng tình khi có ý kiến được nêu: “Mỗi người Việt Nam là một đại sứ”. Công nói thêm: “Bản thân chúng ta mỗi người đều cần có ý thức tạo ra và đem đến một hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè”.
Bốn “đại sứ” trẻ, bốn công việc khác nhau nhưng đều giống nhau khi quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua sự nỗ lực của bản thân.
Theo Trọng ThịnhTiền Phong