Chăn trâu, thả bò… trong biệt thự
Nhiều khu biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm ở Hà Nội đang là cơ hội cho những nông dân thức thời tận dụng làm nơi chăn trả gia súc, mang về thu nhập lên tới cả trăm triệu mỗi năm.
Tại khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (Hà Nội) có khoảng gần chục hộ tận dụng phần đất bỏ trống chăn nuôi trâu, bò, dê để tăng thu nhập.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (60 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) nhà cách khu đô thị Kim Chung khoảng 2km nhưng đều đặn mỗi ngày 2 lượt bà đều lùa đàn trâu khoảng hơn 30 con đến đây chăn thả. Bãi đất rộng lại bằng phẳng nên việc chăn thả không mất nhiều công sức. “Thức ăn của đàn trâu hoàn toàn là cỏ mọc tự nhiên nên tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Hơn nữa, việc nuôi trâu theo hình thức chăn thả khiến thịt chắc ngọt, khi bán cũng được giá mà thương lái ai cũng đều thích cả”, bà Nghĩa nói.
Bà Nghĩa cho biết, đàn trâu của mình chủ yếu là trâu thương phẩm, cung cấp thịt cho các quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Để tiết kiệm thời gian nuôi, bà Nghĩa thường tìm mua các loại trâu nhỏ về chăn thả, sau khoảng 8 tháng – 1 năm thì bắt đầu xuất chuồng. Bà nhẩm tính, một con trâu nhỏ khi mua có giá từ 7 – 12 triệu nếu không ốm đau, sau một năm nuôi cũng bán được khoảng 25 triệu đồng. Vào dịp Tết năm ngoái, gia đình bà bán được khoảng 20 trâu thịt, mang lại doanh thu cả trăm triệu đồng. So với trồng lúa thì lợi nhuận nuôi trâu lời hơn gấp hàng chục lần.
Tương tự tại khu sinh thái Cẩm Đình – Hiệp Thuận (Hà Nội), hàng chục hộ dân cũng tận dụng chăn nuôi bò và dê. Nhiều gia đình đầu tư số lượng lớn lên tới hàng trăm con cho thu nhập không hề nhỏ.
Thu nhập trăm triệu nhờ mở trang trại nuôi côn trùng
Trang trại côn trùng của chị Trần Thị Thanh Xuân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tuy diện tích chưa đầy 100m2 nhưng lại chứa đến hơn 100 thùng nuôi hàng triệu con dế, và khoảng 1.000 con tắc kè. Ngoài công việc nuôi, bán giống, chị còn thu mua đầu ra sản phẩm cho bà con. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các quán nhậu, nhà hàng, khách sạn hoặc cung cấp cho giới nuôi chim cảnh, cá cảnh, gà chọi hay người dân mua lẻ về ngâm rượu, làm món ăn…
Không những xuất trong nước mà trang trại của chị còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các nước như: Trung Quốc, Nga, Lào, Thái Lan, Campuchia, Ai Cập, mới đây nhất còn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của chị Xuân xuất ra thị trường từ 1 – 2 tấn côn trùng các loại, chủ yếu đến các nhà hàng, siêu thị và quán nhậu trong cả nước. Với giá bán thành phẩm giao động từ khoảng 140 nghìn/ kg dế, và khoảng từ 60 – 100 nghìn/con tắc kè, 350 nghìn/ 1kg bò cạp, trừ các chi phí thức ăn, chăm sóc, mỗi tháng cơ sở chị cho thu nhập từ 80 đến hàng trăm triệu đồng. Không những tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, chị Xuân còn chuyển giao kỹ thuật, nhập côn trùng thành phẩm cho nhiều hộ chăn nuôi trên cả nước.
Biến “đồ mới” thành “cũ” đút túi tiền triệu mỗi ngày
Nhờ những ý tưởng thiết nội thất theo phong cách Decor độc, lạ “hô biến” những nguyên liệu mới thành cũ mà Chu Tiến Tùng (SN 1990, Hà Nội) đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Các sản phẩm do Tùng thiết kế khá đa dạng và phong phú về mẫu mã, chúng thường được tạo ra từ những thứ vật liệu tưởng như bỏ đi như ống nước, gỗ vụn, đinh, ốc… Tùng cho biết, thực tế việc làm mới đồ cũ không khó nhưng để làm cho những nguyên liệu mới trông giống như đồ đã dùng hàng chục năm thì không phải đơn giản: “Từng vết mốc, lớp bụi bám đến những vết nứt cũng phải chế tác cho thật chuẩn và giống như thật…”, Tùng cho hay.
Theo Tùng xu hướng nội thất này không phải là mới mà đã thịnh hành lâu đời ở các nước phương Tây, tuy nhiên ở Việt Nam thì vẫn còn khá lạ lẫm. Điều này chính là một lợi thế để Tùng bắt tay vào việc kinh doanh trong đó chú trọng tạo ra dấu ấn riêng cho các dòng sản phẩm của mình. Để tạo cho đồ vật có nét rêu phong, cổ kính… những người thợ sẽ dùng các thủ thuật và công cụ riêng biệt để tạo ra các vết xước, sần sùi lên bề mặt gỗ. Sau đó sẽ phun sơn và phối màu sao cho thật giống với những lớp rêu phong bám phủ. Công đoạn này đòi hỏi sự sáng tạo và tỉ mỉ gấp đôi so với việc thiết kế đồ nội thất thông thường.
Hiện tại, ở Việt Nam ít cơ sở thi công theo kiến trúc này nên xưởng của Tùng luôn đông khách. Anh cho biết, làm những cái khó, cái mới, ít người làm thì phần đất khai thác càng rộng. Hiện tại, Tùng sở hữu một xưởng sản xuất 100 m2 với 12 thợ chế tác, doanh thu đạt 600 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, theo anh, phong cách này mới được nhiều bạn trẻ và việt kiều trong nước lựa chọn, vẫn chưa lọt vào mắt xanh của phần lớn gia đình hiện đại Việt Nam.
Dạy ngoại ngữ cho chó thu về trăm triệu mỗi tháng
Nuôi thú cưng không còn là thú chơi lạ lẫm và mới mẻ. Ngày nay, đẳng cấp để đánh giá một chú chó “đẹp” không chỉ phụ thuộc vào ngoại hình, màu lông mà còn được đánh giá qua “học vấn của chúng”. Chính vì thế, nhiều người không tiếc tiền chi hàng chục triệu đồng chỉ để thú cưng của mình được học hành đến nơi đến chốn. Nghề huấn luyện viên chó vì thế cũng trở thành nghề hái ra tiền.
Các trung tâm huấn luyện chó theo đó cũng phát triển đa dạng với nhiều khóa học khác nhau. Từng động tác căn bản như: huấn luyện chó biết nghe lời chủ, bắt tay, chào đến nâng cao như: kỹ năng bảo vệ chủ, canh gác đồ vật… đều được tuân theo một giáo trình quy củ, nghiêm ngặt và chuyên nghiệp. Thông thường một khóa học cơ bản sẽ kéo dài từ 3-4 tháng, với chi phí từ 10- 12 triệu đồng tùy vào từng độ tuổi và giống chó được gửi đến theo học.
Anh Đạt Hảo – phụ trách một trung tâm huấn luyện viên chó ở Gia Lâm – Hà Nội cho hay, mỗi một khóa học huấn luyện tại trung tâm anh luôn có hàng trăm “học viên” theo học. Đông nhất là các giống chó như: Phú Quốc, Ngao, Berger, Pug hay chó Nhật. Mỗi ngày, chó được huấn luyện từ 3 – 4 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 30 – 60 phút để chúng làm quen với môi trường sống mới và những bài tập đơn giản.
Không chỉ huấn luyện cho chó các kỹ năng và rèn luyện thể lực, trung tâm anh Hảo còn mở thêm các khóa đào tạo dạy chó bằng nhiều thứ tiếng. Việc huấn luyện này thường sẽ kéo dài hơn đối với việc đào tạo theo phương pháp thông thường. Trong quá trình giảng dạy, các HLV cũng phải thường xuyên trò chuyện với chúng bằng tiếng Anh. Theo anh Luyến về phương pháp và giáo trình dạy ngoại ngữ không khác biệt lắm so với việc dạy bằng tiếng Việt. Các câu khẩu lệnh như “đi”, đứng “ngồi”, “nằm”… sẽ được thay thế bằng tiếng Anh như: “Go”; “Stand”, “Sitdown” để chó ghi nhớ.
Học phí cho những khóa học như thế này thường giao động từ 2,5 đến 3 triệu/tháng. Để đào tạo ra một chú chó biết nghe lời, tinh anh, tính ra mỗi chủ nhân của nó cũng phải bỏ ra một chi phí đào tạo không hề nhỏ. Một trung tâm huấn luyện chó chỉ cần có khoảng 50 “học viên” theo học cũng thu về doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Hà Trang