Ngư dân sẵn sàng “ra khơi”…
Không biết từ khi nào mùa nước nổi ở miền Tây “biến” thành mùa lũ? Nhưng với những người dân đất phương Nam đến nay, dù có nhiều diễn biến nhưng bà con vẫn thích gọi là mùa nước nổi. Bởi theo họ, con nước ngập tràn đồng không phải bỗng dưng ập đến nhưng nước lên từ từ, người dân cảm nhận, tính đoán được…
Đặc biệt, khi nước tràn đồng, nước sinh ra bao sản vật, như: tôm, cá, bông súng, bông điên điển… Khi đó, người dân miền Tây “sống khỏe” với mùa nước nổi.
Và đến tháng 7 âm lịch, thông thường “nước nhảy lên bờ”- đây là thời điểm mùa nước nổi ở miền Tây bắt đầu và tùy theo lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều hay ít sẽ làm mùa nước nổi dâng cao hay thấp. Tuy nhiên, cuối tháng 11 âm lịch, là mùa nước nổi kết thúc.
Năm nay, nước về sớm và cao hơn cùng kỳ từ 40 – 60cm. Đối với người dân sống nghề câu, lưới… đang mừng trong bụng vì bao năm Đồng bằng không có mùa nước nổi. Năm nay, nước về sớm, bà con mạnh tay tung tiền sắm ngư cự, sẵn sàng “ra khơi” mưu sinh.
Anh Trần Văn Cua – ấp Phú Thuận, xã Phú Hội (huyện An Phú, An Giang), cho biết: Thấy nước năm nay về sớm, tôi đã qua đồng Campuchia đóng 8 triệu đồng tiền thuế để đặt lọp tôm. Vừa rồi tôi đã đầu tư một chiếc vỏ lãi và 200 cái lọp tôm, tốn trên chục triệu đồng. Tôi đợi nước lên chút nữa là ra đồng đặt lọp tôm.
Còn Anh Lê Văn Kỳ – Khánh An (huyện An Phú) cho biết: Mấy năm trước, thời gian này là tôi ra đồng đặt dớn bắt cá linh non rồi, mỗi buổi kiếm 500.000đồng là chuyển dễ. Năm nay nghe chính quyền thông báo cấm bắt cá đến cuối tháng 8 nên mấy ngày qua chỉ lên ruộng giăng lưới, thả câu… Tuy nhiên, mọi thứ tôi đã sẵn sàng, chờ hết thời gian cấm khai thác cá linh non là ra đồng “săn” cá linh ngay.
Theo anh Kỳ và nhiều người dân chuyên sống bằng nghề đóng đáy, đặt dớn bắt cá linh non, cho biết, mấy năm về trước, mỗi ngày thu nhập từ 500.000 – 1.00.000 đồng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều loại cá đều sụt giảm, trong đó lượng cá linh là sụt giảm rõ rệt nhất nên hiện tại, mỗi ngày bắt được từ 10-20kg cá là cao, bán được 200.000 -300.000 đồng.
Xuôi về phía hạ nguồn, gặp ông Nguyễn Văn Hai – xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), hớn hở cho biết: Mấy năm rồi sắm cả triệu tiền câu, lưới… nhưng chỉ làm được nửa tháng thì nước khô đồng nên đành xếp lại. Năm nay, thấy nước về sớm, lên nhanh, bà con đang mừng sẽ có mùa đánh bắt cá, tôm… như ý.
Làng nghề vào vụ… “hái” tiền
Vào những ngày này, nếu ai có đến Làng lưới Thơm Rơm (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) chứng kiến các cơ sở đang gia công lưới, chài, dớn… một cách tất bật. Cở sở nhỏ thì vài chục người, cơ sở lớn thì từ 100 – 300 nhân công, cơ sở nào cũng khẩn trương làm việc.
Làng nghề ăn theo mùa nước nổi tất bật vào vụ
Chủ cơ sở Ly Loan cho biết: Hiện cơ sở có khoảng 200 nhân công đang làm nhiều mặt hàng phục vụ cho việc đánh bắt cá nhưng thế mạnh của cơ sở tôi là chuyên làm mặt hàng dớn. Mỗi ngày có hàng trăm mặt hàng xuất đi đến các đại lí và từ đây đến đầu tháng 9 là phải tăng công suất làm việc để luôn có đủ hàng cung cấp cho khách hàng.
Tại cơ sở bán ngư cụ Ly Loan thời gian này các công nhân làm việc hết công suất. Vì thế mỗi ngày, mỗi công nhân có thu nhập từ 150.000- 300.000 đồng
Còn tại cơ sở sản xuất lưới của anh Tư Long, lúc nào cũng có trên 30 thợ miệt mài đan lưới, bấm chì… Một hai công nhân chạy ra, chạy vào giao lưới cho khách. Theo chủ cơ sở này cho biết, sức mua lưới mấy ngày qua liên tục tăng, nếu so với cùng kỳ thì tăng trên 10%. Tuy nhiên, các cơ sở lưới, dớn, chài… cho biết, dù sức mua tăng nhưng các cơ sở vẫn giữ nguyên giá bán như năm rồi.
Được biết, làng lưới Thơm Rơm hình thành từ những năm 1980, do một nhóm người di cư từ Huế vào và bắt tay sản xuất lưới để bán cho người dân (trước đây người dân muốn mua lưới phải lên tận Sài Gòn). Thấy việc sản xuất và bán lưới có hiệu quả nên nhiều hộ làm theo và đến nay có khoảng 30 hộ chuyên sản xuất lưới, vào mùa vụ giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân lao động tại địa phương.
Cùng thời điểm này, đến làng chuyên sản xuất lọp đặt cua đồng, tép (thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang) cũng xom tụ hẳn lên. Tại đây có hơn 70 hộ dân chuyên làm lọp đặt cua đồng, tép… phần lớn các sản phẩm làm ra được phục vụ cho nông dân chuyên sống bằng nghề “bà cậu” ở địa phương và nhiều tỉnh ở ĐBSCL, một số khác được bán sang nước bạn Campuchia.
Ông Lê Văn Hường – ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, có trên 6 năm làm lọp cua cho biết: Mỗi mùa nước nổi, tôi làm ra và bán trên 1.000 cái lọp cua. Năm nay, nước về sớm nên tính đến thời điểm này đã bán gần 1.000 cái, mặc dù còn trên 2 tháng nữa mới hết mùa nước nổi.
Đến làng nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu (Lai Vung, Đồng Tháp) không khí nơi đây cũng không kém phần tất bật như làng lưới, làng lọp đặt cua đồng ở An Giang, Cần Thơ.
Chủ cơ sở Út Hữu (53 tuổi) – xã Long Hạu cho biết, bắt đầu từ tháng 5 âm lịch là bà con sống bằng nghề đóng ghe xuống không có giờ nghỉ ngơi. Xuồng được đóng thành nhiều kiểu như: Xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Trong đó, các loại xuồng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m – 6,5m (giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán hơn 2 triệu đồng/chiếc).
Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Long Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp), cho biết: hiện trên địa bàn xã có 68 cơ sở đóng, xuồng, ghe hoạt động mạnh, cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 chiếc/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 1.000 lao động tại địa phương. Tuy nhiên một hai năm trở lại đây, do nước ít nên sức tiêu thụ giảm đáng kể. Riêng năm nay, nước về sớm nên lượng người dân đến mua xuồng, đóng xuồng nhiều hơn mọi năm khoảng 5%.
Nguyễn Hành- Đức Hiệp