Những mặc cảm “giết chết” tuổi trẻ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 20/11/2005
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Thiếu một chữ “N” để… “TỰ TIN”

Khi biết anh Hai nghiện “cái chết trắng”, C (lớp 12, dân lập Thăng Long) buồn và khóc rất nhiều. Từ đó, cô bạn này trở nên trầm lặng và ít giao tiếp với bạn bè hơn vì nỗi “ám ảnh” “tụi nó biết được là hổng chơi với mình”. Mỗi lần thấy bạn được anh chị đưa rước, C tủi thân đến ứa nước mắt, nhớ lại trước đây mình cũng từng được anh đưa rước như thế.

Hai chị em sinh đôi ở một lớp 12 trường Nguyễn Hữu Huân (TĐ) luôn buồn rầu, không hòa đồng được với các thành viên trong lớp chỉ vì gia đình sống bằng nghề “đặt rượu nuôi heo”. Nhiều bạn tỏ ra thông cảm nhưng có những bạn ghét đến mức không thèm nhắc đến tên hai bạn.

Cũng bởi mặc cảm nhà nghèo mà B.C (lớp 11, trường Marie Curie) không bao giờ dám đi chơi chung với bạn bè trong lớp, đa phần là con nhà khá giả.

“Hoàn cảnh” gia đình là một trong những lí do nảy sinh mặc cảm của tuổi tím, đặc biệt là với các bạn “con nhà mồng tơi”. Nhưng, ngay cả khi gia đình có điều kiện kinh tế thuận lợi thì nhiều bạn cũng… “mình thấy mặc cảm quá”. Như V.Anh (20 tuổi, ĐH RMIT) chẳng hạn. Nhà có điều kiện kinh tế khá đầy đủ, lại đang là sinh viên một trường quốc tế có tiếng, nhưng lúc nào cô nàng cũng nhận thấy mình thua thiệt bạn bè quá chừng chừng.

“Chừng này tuổi rồi mà mình không biết sống tự lập gì hết. Trong khi bạn bè tự kiếm việc làm đỡ đần cho gia đình thì mình cứ ngày ngày phải xin tiền ba mẹ, đã vậy, nhóm bạn chơi thân có 5 đứa thì mình xếp thứ hai từ dưới đếm lên về cái khoản… học hành” – V.Anh “tự thú”.

Trong khi đó, B.L. (lớp 12, trường Lai Vung 1, Đồng Tháp) luôn thiếu tự tin khi mặc áo dài vì “vấn đề chiều cao” khiêm tốn của mình. Nhưng cũng có bạn mặc cảm vì những lí do… hơi bị lãng xẹt. Thấy bạn bè lúc nào cũng “cặp kè ăn muối mè”, còn mình thì “thui thủi một mình” nên Giang (17 tuổi, Thủ Đức) liên tục “chất vấn” bản thân rồi tự kết luận là do mình quá xấu xí, vô duyên.

Còn P.K (lớp 11, trường Marie Curie) chỉ vì thua nhỏ lớp trưởng trong một cuộc thi phong trào, bị “dư luận trong lớp” xì xào “vậy mà cũng đi thi”, bạn đâm ra tủi và thế là… mặc cảm(!).

Mặc cảm có “bị” làm sao không ?

Tất nhiên là có rồi. Như Giang cho biết mặc cảm đã làm bạn mất tự tin trong cuộc sống, mất niềm tin vào những người xung quanh. Nhiều bạn khi tự cho mình thua thiệt bạn bè thì thu người lại, trốn vào một vỏ ốc vô hình nào đó, tránh giao tiếp với mọi người và tỏ ra chán nản, buồn bã, chẳng thiết làm gì nữa.

 Theo Thạc sĩ Lý Minh Tiên (ĐH Sư phạm TPHCM) thì mặc cảm tự ti tác động rất lớn đến con người, đặc biệt là ở lứa tuổi mới lớn, khi mà sự phát triển tâm, sinh lí còn rất phức tạp. Ở mức độ nhẹ, nó làm tụi mình thiếu tự tin trong hành động, khi cần làm hoặc được giao một việc gì đó thì trong đầu luôn “xuất hiện” suy nghĩ “mình không thể làm được”, luôn tìm cách tránh né công việc đó (dù hoàn toàn có thể làm được).

Nhưng nguy hiểm hơn, theo ThS. Lý Minh Tiên, đó chính là những tác động vào chiều sâu, gây ra những “chấn thương tâm lí” khiến các bạn luôn thấy cuộc đời “toàn màu xám xịt”, mất ý chí tranh đua, khả năng sáng tạo, thường “bó tay” trước những khó khăn.

Những người biết “nghĩ khác”

Đó là những bạn đã biết vượt qua khó khăn, trở ngại, hạn chế của bản thân để vươn lên trong cuộc sống. Trước khi đăng quang tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Lê Vũ Hoàng là “con nhà mồng tơi” thứ thiệt, cả gia đình phải sinh sống trong căn nhà tranh vách lá nhưng chưa bao giờ Hoàng mặc cảm vì điều đó.

“Không ai có quyền lựa chọn để mình được sinh ra trong một gia đình giàu hoặc nghèo. Vì thế mình chẳng bao giờ buồn khi gia đình mình không được khá giả. Và mình hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ngày nào trong ngôi nhà nhỏ của mình cũng có tiếng cười” – Hoàng tâm sự.

Còn với Ngọc Diễm, cựu học sinh trường dân lập Trương Vĩnh Ký (Đồng Nai) thì chính “nỗ lực nhiều thiệt là nhiều, lúc nào cũng nghĩ phải làm sao để chứng tỏ mình, khẳng định mình cho mọi người thấy” là cách tốt nhất để bạn “xóa” nỗi mặc cảm “học sinh dân lập”. Và bạn đã làm được điều đó khi đậu thủ khoa vào Học viện Bưu chính viễn thông và đậu vào ĐH Ngoại thương.

Ngoài ra, “luôn luôn lắng nghe” và chịu khó thay đổi hành vi, cách ứng xử của mình cũng có thể giúp bạn bái bai mặc cảm, tự ti. Còn theo lời của ThS. Lý Minh Tiên thì chính sự chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, mở rộng các mối quan hệ giao tiếp sẽ giúp bạn bộc lộ khả năng của mình. Điều quan trọng nhất để bạn thay đổi hoàn cảnh cho mình chính là phát huy tối đa ý chí, bản lĩnh, khát vọng của bản thân. Hãy tự mình gắn thêm chữ “N” sau chữ “TỰ TI “, bạn sẽ TỰ TIN lên nhiều nhiều đấy !

Theo Thanh Truyền Mực Tím

Exit mobile version