Những kỳ quan kiến trúc cổ đại trông như thế nào ở thời hoàng kim?

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 04/04/2018
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Đền thờ Parthenon – Hy Lạp

Quay trở lại thời cổ đại, đền thờ Parthenon là một kỳ quan kiến trúc của người Hy Lạp, nơi đặt bức tượng bằng vàng của thần Athena – vị thần của trí tuệ, nghề thủ công và chiến tranh. Công trình này tọa lạc ngay trên một đỉnh đồi thuộc thủ đô Athens.

Đáng tiếc thay, vào năm 1687, toàn bộ kiến trúc này đã bị hư hại một cách nghiêm trọng, dưới tác động của cuộc Đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ. Dẫu vậy, phần lớn các cột trụ của ngôi đền vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay, giúp du khách có thể hình dung được phần nào hình hài của công trình này, ở thời hoàng kim của nó.

Kim tự tháp Nohoch Mul- Mexico

Nằm khuất giữa những cánh rừng già của bang Quintana Roo, Mexico, Nohoch Mul là một di tích kiến trúc điển hình cho hệ thống quần thể kim tự tháp của người Maya. Theo ước tính của các nhà khảo cổ học, công trình này đã được hoàn thiện trong khoảng thời gian giữa năm 100 trước Công nguyên và 100 sau Công nguyên.

Sau đó, nó đã bị quên lãng hơn 1500 năm và rồi được phát hiện ra bởi người Tây Ban Nha. Khi vừa mới được hoàn thành, kim tự tháp Nohoch Mul có chiều cao ước đạt 41 mét. Với kích thước này, Nohoch Mul chính là kim tự tháp Maya cao thứ hai từng được phát hiện trên thế giới.

Quảng trường Sacra di Largo Argentina- Italia

Quảng trường Sacra di Largo Argentina, Italia là nơi đã phát hiện ra quần thể 4 ngôi đền thờ cổ của đế chế La Mã. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có ngôi đền B là vẫn còn giữ được hình hài của mình, với 6 cột trụ còn sót lại. Bên cạnh các tàn tích của người La Mã, Sacra di Largo Argentina còn được biết đến là “ngôi nhà chung” của hàng trăm chú mèo hoang.

Kim tự tháp Mặt Trời – Mexico

Kim tự tháp Mặt Trời là công trình lớn nhất được phát hiện tại quần thể di tích Teotihuacan, nơi vẫn được biết đến là đô thị đầu tiên xuất hiện tại miền trung Mexico. Đến thời điểm hiện tại, hình hài kim tự tháp này hầu như không thay đổi quá nhiều, so với lúc nó được hoàn thành, vào khoảng thế kỷ 1 cho đến thế kỷ 7.

Dẫu vậy, việc “tộc người nào đã xây nên kỳ quan này?” hay “cư dân của đô thị cổ này là ai?” vẫn còn là một bí ẩn đối với giới khoa học.

Đền thời thần Jupiter- Pompeii

Đền thời thần Jupiter, vị thần của bầu trời và sấm sét, là công trình tôn giáo lớn nhất của thành phố cổ Pompeii. Từng là một đô thị phồn vinh bên vịnh Naples, của đế chế La Mã, Pompeii lại phút chốc trở thành “cát bụi” khi hứng chịu một trận phun trào núi lửa vào tháng 8 năm 79. Chính vì vậy, đến khi được khai quật vào thế kỷ 16, ngôi đền thờ, từng là kỳ quan kiến trúc của người La Mã, chỉ còn trơ lại phần nền mống đổ nát.

Đền thờ Luxor- Ai Cập

Được xây dựng bởi Pharaon Amenhotep III vào năm 1380 TCN và cải tạo dưới thời Pharaon Rameses II, đến thờ Luxor từng là một thánh địa thiêng liêng và bất khả xâm phạm của người Ai Cập cổ đại. Ngôi đền thờ là biểu tượng điển hình cho các công trình bằng đá của người Ai Cập.

Đến nay, hầu hết các kết cấu của đền Luxor đã không còn. Tuy nhiên, hai cánh cổng khổng lồ vẫn giữ được gần như nguyên trạng hình hài của nó, trở thành biểu tượng trường tồn của nền văn minh sông Nile rực rỡ.

Minh Nhật

Theo BP

Exit mobile version