Những “góc khuất” phía sau các thương hiệu hạng sang (phần 3)

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 25/02/2016
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

3. Christian Dior

Christian Dior, sinh ngày 21/01/1905 tại thị trấn Granville, một thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng về thời trang ở vùng Normandy, là con thứ trong một gia đình kỹ nghệ nổi tiếng sáng tạo với bột giặt “Saint-Marc”. Có một giai thoại về Dior khi ông tham dự hội chợ ở quê nhà, người đàn bà xem chỉ tay cho ông đã nói rằng: “quý bà sẽ làm lợi cho ông, và chính nhờ quý bà mà ông sẽ thành công”. Lời tiên đoán đó tưởng chừng chỉ là thoáng qua, và quả thực đã bị quên lãng suốt nhiều năm tháng.

Christian Dior là người đàn ông tài hoa.

Tuy nhiên những biến cố trong gia đình (mẹ mất, anh trai phải điều trị bệnh thần kinh, gia đình phá sản) đã đưa ông rẽ sang một bước ngoặc khác trong cuộc đời của mình. Christian Dior đã bị trầm cảm nặng, đói khát dẫn đến căn bệnh lao. Bạn bè đã gom góp tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa trị.

Sau đó, Christian Dior đã học nghệ thuật thêu và dệt tại quần đảo Balearic. Ông trở về Paris, bắt tay vào việc thiết kế thời trang ở tuổi 30. Năm 1945, cuộc gặp gỡ giữa Christian Dior và vua vải Marcel Boussac đã khai sinh ra kinh đô thời trang thế giới.

Năm 1946, cửa hàng may mặc thời trang Christian Dior đầu tiên xuất hiện ngay giữa lòng thành phố Paris nhờ hỗ trợ về mặt tài chính bởi Marcel Boussac.

Ngày 12/02/1947, tại số 30, đại lộ Montaign, Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, Xuân Hè 1947 mang tên Corolle, nhưng sau đó được biết đến nhiều hơn với tên gọi New Look (Diện mạo mới). Bộ sưu tập đã đi vào lịch sử thời trang như một cuộc cách mạng.

New Look được đặc trưng bởi những bộ đầm xòe bồng, thắt eo nhỏ và dài ngang bắp chân, nhấn ở eo và ngực, tôn đường cong rất mềm mại khác xa với những trang phục thô cứng, thiếu nữ tính của thời kỳ trước đó. Trong khi thời kỳ hậu chiến, vải rất hạn chế nhưng Dior lại sử dụng tới 20 mét vải xa hoa cho những sáng tạo của mình. Bộ sưu tập đã trở nên cực kỳ phổ biến và kiểu váy phồng đã tác động đến thời trang cũng như những nhà thiết kế khác trong những năm 1950.

Giữa lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh New Look vẫn được những phụ nữ tầng lớp thượng lưu trong đó có công chúa Margaret của Anh vẫn không ngần ngại bỏ ra 300 đến 2400 USD để sở hữu một thiết kế lộng lẫy của Dior.

Cùng năm này, Christian Dior trở thành người đầu tiên được nhận giải thưởng Neiman-Marcus Award. Đây là một vinh dự lớn vì Neiman-Marcus Award chính là giải thưởng “Oscar Thời Trang”.

Từ một cửa hàng may mặc thời trang, Christian Dior cùng với trợ lý Jacques Rouet quyết định xây dựng cả một đế chế thời trang: trang phục, phụ kiện, nước hoa, đồ lót… và nhanh chóng được mọi phụ nữ Pháp tìm đến. Đây cũng chính là khởi điểm cho ngành công nghiệp thời trang thế giới.

Bộ sưu tập New Look (Diện mạo mới) đã đi vào lịch sử thời trang như một cuộc cách mạng. Đến năm 2012, bộ sưu tập này vẫn gây là một dấu ấn.

Dior quyết định mở rộng kinh doanh vào cuối năm 1949 với việc mở thêm một cửa hiệu thời trang Christian Dior tại New York.

Vào giữa những năm 1950, Dior đã trở thành một đế chế thời trang uy tín. Và một khi càng phát triển, Dior lại càng phải đối mặt với nạn làm hàng nhái.

Năm 1955, Yves Mathieu-Saint-Laurent làm trợ lý thiết kế cho Dior cùng thời điểm Dior khai trương cửa hàng mới trên đại lộ Montaigne và bắt đầu hoạt động trong ngành mỹ phẩm. Bộ sưu tập “A-Line” thổi nét cá tính vào trang phục, bộ áo váy hình chữ A màu xám biến thể từ bộ trang phục của nam giới đã nhanh chóng chinh phục các quý cô khi họ đang ngày càng muốn khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Từ đây, Dior khai sinh ra dòng “A-line” thống trị suốt thập niên 60.

Năm 1956, đảm nhận việc thiết kế hàng loạt trang phục cho Ava Gardner trong “The Little Hut”, đưa Christian Dior thành một tên tuổi rực sáng trên màn ảnh. Những năm sau đó Christian Dior trở thành sự lựa chọn số một của các ngôi sao hàng đầu Hollywood như: Ava Gardner, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor, Olivia De Havilland, công chúa Margaret của Anh, nữ hoàng Sylvia của Thuỵ Điển hay ngôi sao múa ba lê Margot Fonteyn…

Năm 1957, chỉ riêng Dior đã chiếm phân nửa số hàng xuất khẩu của ngành may mặc Pháp. Time Magazine đưa ông lên trang nhất với thành quả 11 năm xây dựng để Dior trải rộng khắp 15 quốc gia với hơn 2000 công nhân.

Ngày 24/10/1957, Christian Dior qua đời do một cơn đau tim làm rúng động thế giới thời trang. Lễ tang của Dior được cử hành trọng thể ở Paris với hơn 2.500 người đưa tiễn. Tài năng sáng tạo thời trang xuất chúng của Christian Dior đã giúp ông được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất trong lịch sử.

Cái chết của Christian Dior đã khiến cho hãng thời trang trở nên hỗn độn. Tổng giám đốc Jacques Rouët đã phải cân nhắc đến việc đóng cửa tất cả các chi nhánh của hãng trên toàn thế giới. Để vực dậy thương hiệu, Jacques Rouët đã mời cậu thanh niên 21 tuổi, Yves Saint Laurent làm giám đốc nghệ thuật. Saint Laurent được ca ngợi như một người hùng của đất nước. Cứu vãn được Dior cũng chính là cứu vãn nền công nghiệp thời trang của Pháp. Càng thành công, những thiết kế của Saint Laurent càng trở nên táo bạo.

Năm 1960, Yves Saint Laurent nhập ngũ, buộc phải rời Dior sau khi thiết kế cho hãng này 6 bộ sưu tập. Cuối năm 1960, Marc Bohan được mời về để thay thế vị trí của Yves Saint Laurent. Không giống với người tiền nhiệm, Bohan đi theo phong cách thiết kế dè dặt, kín đáo hơn. Những thiết kế của Marc Bohan được các nhân vật tên tuổi trên thế giới đánh giá cao. Thậm chí, nữ diễn viên Elizabeth Taylor đã đặt mua 12 chiếc đầm trong bộ sưu tập Xuân Hè 1961 mang tên Slim Look của Dior do Marc Bohan thiết kế.

Dior cũng là nhãn hiệu mỹ phẩm được yêu thích trên toàn thế giới.

Năm 1963, Dior ra mắt dòng nước hoa Diorling và ba năm sau đó, dòng nước hoa dành cho nam Eau Sauvage trình làng. Năm 1968, hãng nước hoa Dior được bán cho Moët Hennessy. Năm 1969, Christian Dior Cosmetics được thành lập với dòng sản phẩm độc quyền. Sau đó, năm 1970, Marc Bohan giới thiệu dòng thời trang Dior Homme đầu tiên. Kiểu đồng hồ đầu tiên hợp tác với Benedom của Dior có tên Black Moon ra đời vào năm 1975.

Năm 1984, Bernard Arnault tiếp quản thương hiệu Dior từ Boussac Group với giá chỉ 1 franc. Dưới sự lãnh đạo của Bernard Arnault, Christian Dior đã trở lại thời kỳ đỉnh cao. Năm 1989, Gianfranco Ferré thay thế Marc Bohan trong vai trò nhà thiết kế chính cho Dior. Nhà thiết kế gốc Ý này đã không theo truyền thống lãng mạn phóng khoáng của thời trang Dior nữa mà bắt đầu giới thiệu quan điểm và phong cách riêng đầy tinh tế, thanh nhã và chỉn chu. Bộ sưu tập đầu tiên của ông đã đoạt giải Dé d’Or năm 1989.

Doanh thu sau đó tăng từ 129,3 triệu USD năm 1990 lên 177 triệu USD năm 1995. Trong khi đó thu nhập ròng tăng từ 22 triệu USD (1990) lên 26,9 triệu USD (1995).

Năm 1996, Bernard Arnault muốn thay đổi một phong cách cho thời trang Dior bằng cách chỉ định nhà thiết kế người Anh, John Galliano làm nhà thiết kế chính của Dior thay cho người tiền nhiệm Gianfranco Ferré.

Tuy nhiên, năm 2011 John Galliano đã gây nên một scandal chấn động làng thời trang khi bị buộc tội xúc phạm và tấn công người Do Thái khi đang say rượu. Để làm dịu dư luận, hãng Dior quyết định sa thải John Galliano vào tháng Ba năm đó.

Chiếc ghế giám đốc sáng tạo bị bỏ trống suốt 13 tháng cho đến khi nhà thiết kế người Bỉ, Raf Simons được bổ nhiệm thay thế vào tháng 4/2012. Raf Simons nổi tiếng với chủ nghĩa tối giản và được kỳ vọng sẽ làm mới phong cách của Dior.

Từ đó, Christian Dior Couture đã khôi phục lại hình ảnh và vị trí vốn là một trong những nhà thời trang sáng tạo nhất thế giới. Sản phẩm của Dior được giới sành điệu ưa chuộng và các cửa hàng thời trang độc quyền của Christian Dior đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Christian Dior không chỉ nổi tiếng với dòng thời trang cao cấp mà còn rất thành công trong những lãnh vực mới như nước hoa, mỹ phẩm, phụ kiện, đồng hồ.

Khôi Linh

Exit mobile version