Cách đây 20 năm, khi sữa đậu nành còn là một thức uống dân dã thì Vinasoy đã quyết định bước chân vào ngách mới mẻ và giàu tiềm năng này. Quyết định chỉ tập trung duy nhất vào đậu nành cũng đặt ra cho Vinasoy nhiều thách thức trong việc tìm hướng phát triển bền vững mà gốc rễ chính là phải làm chủ về nguyên liệu.
Mò mẫm tìm lời giải cho bài toán “hạt giống”
Làm nông nghiệp tại Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là ở khâu “giống”. Đối với các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm thì nguyên liệu luôn là một yếu tố tạo nên sự khác biệt mà ở đó chỉ có những ông lớn mới đủ tầm để đầu tư và làm chủ về giống nguyên liệu.
Kể từ năm 2005, Vinasoy đã bắt đầu mò mẫm lối đi với quyết tâm tìm hướng phát triển bền vững cho cây đậu nành trong nước. Chuyên gia của công ty đã đi đến 27 tỉnh thành có trồng đậu nành và cả những quốc gia có nền sản xuất đậu nành tiên tiến như Mỹ, Canada để tìm hiểu, khám phá.
Và sau mỗi chuyến đi ấy, nỗi trăn trở lại càng lớn thêm về giải pháp nào cho nguồn giống, làm sao để thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu của nền nông nghiệp? Con đường nào vực dậy khi người nông dân ít còn mặn mà với việc trồng đậu nành?
Với niềm tin: cứ đi rồi sẽ đến, từ năm 2009, doanh nghiệp đã bắt tay cùng các trung tâm thực nghiệm mô hình canh tác mới, liên tiếp trồng các giống năng suất cao. Đi theo đó là hàng loạt hội thảo đầu bờ, triển khai quy trình canh tác đến với nông dân. Thế nhưng, bài toán hóc búa một lần nữa được đặt ra khi giống mới chưa thích hợp với địa phương, năng suất có thay đổi nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, giải pháp đồng bộ về giống, cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác vẫn chưa có khiến tình hình không cải thiện được bao nhiêu.
Lối đi mở ra từ những cuộc gặp gỡ “ định mệnh”
Mọi việc dường như bế tắc cho đến cuối năm 2012, như một cơ duyên, Lãnh đạo Vinasoy đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với GS. Henry trên đất Mỹ. Cùng là những người có đam mê và tâm huyết phát triển cây đậu nành Việt, GS Henry Nguyễn đã đồng ý hợp tác, là cầu nối để doanh nghiệp bắt tay cùng Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành đại học quốc gia Hoa Kỳ (bang Missouri), trung tâm nghiên cứu đậu nành quốc gia Hoa Kỳ (đại học Illinois). Từ đó, thành lập nên Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy vào năm 2013 với sứ mệnh phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành, mang lại sản phẩm và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Dưới sự giúp sức từ các chuyên gia nước ngoài, Vinasoy bắt đầu tiếp cận phương pháp di truyền phân tử giúp rút ngắn thời gian chọn lọc, lai tạo xuống còn khoảng 3 năm cho 1 giống mới, thay vì phải mất 10-12 năm như trước đây. Phương pháp này còn giúp tạo ra những giống đậu nành không biến đổi gen, có năng suất vượt trội, kháng sâu bệnh, thích nghi với thổ nhưỡng và đặc biệt có những phẩm chất quý tốt về hương vị, chất dinh dưỡng.
Trung tâm hiện bảo tồn hơn 1.588 nguồn gen quý của đậu nành trong và ngoài nước, vừa tạo nền tảng vững chắc để Vinasoy làm chủ về vùng nguyên liệu đậu nành trong tương lai, vừa tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường và hơn hết mang đến lợi ích song song cho người nông dân.
Đi đường dài cùng người nông dân
Có được giống tốt là đã gỡ được nút thắt quan trọng đầu tiên, tuy nhiên, để đi đường dài trong nông nghiệp cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với người nông dân. Thực tế, để đi được lâu và dài với người nông dân, bên cạnh những chính sách hợp lý, lãnh đạo Vinasoy còn hiểu rằng: Đi với nông dân phải là đường dài, thực lòng thực bụng.
Vụ mùa 2017, sau khi có được giống mới đầu tiên, Vinasoy bắt đầu hợp tác thử nghiệm với 18 hộ nông dân, trong đó doanh nghiệp cung cấp giống và hỗ trợ về canh tác, phân bón, thu hoạch. Đồng thời công ty cũng cam kết thu mua thông qua 2 nhà cung cấp để tạo tính cạnh tranh, có lợi cho nông dân.
Vào mùa thu hoạch, trong một chuyến khảo sát 20 ha trồng đậu nành theo phương pháp mới và giống mới, lãnh đạo Vinasoy phấn khởi khi nhìn thấy niềm vui của những người nông dân được mùa bội thu với năng suất đạt 2,8 tấn/ha (so với giống cũ chỉ đạt 1,5 tấn/ha), mỗi bao đậu nành 70 ký, tính theo giá thị trường gần 1 triệu đồng – số tiền không nhỏ đối với bà con nông dân. Đó cũng là niềm khích lệ lớn lao cho công sức bỏ ra trong suốt 10 năm miệt mài vì cây đậu nành Việt.
Từ 20 ha đậu nành vừa thu hoạch, trong năm nay Vinasoy sẽ phát triển lên con số 150-200 ha và tiếp tục nhân rộng thành vùng nguyên liệu hàng ngàn ha trong các mùa vụ tới.
Chia sẻ về những tâm huyết với đậu nành Việt, ông Ngô Văn Tụ, giám đốc Vinasoy vẫn luôn giữ quan niệm như cách đây 10 năm “Vinasoy có được những gì ngày hôm nay là nhờ những hạt đậu nành trồng nên từ đất mẹ. Chúng tôi làm tất cả để không chỉ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thức uống dinh dưỡng, mà còn là chuyên gia về hạt giống đậu nành, phát triển cây đậu nành Việt Nam vươn tầm thế giới. Có một câu nói mà tôi hay nói với những người xung quanh rằng, chúng ta lấy những gì từ đất thì hãy trả lại cho đất”.
Xem thêm tại: http://www.vinasoycorp.vn/