Để theo đuổi con đường học vấn, nhiều bạn học sinh, sinh viên đã chọn cho mình con đường vừa làm, vừa học. Có người làm gia sư, phục vụ quán, giúp việc nhà và vô số công việc không tên khác để có tiền học ĐH.
Cạm bẫy
Quỳnh, cô sinh viên quê ở Hà Nam, vào TPHCM với ước mơ vừa đi học, vừa đi làm để không còn là gánh nặng cho gia đình. Nghe theo lời một người bạn cùng làm chung quán, dần dần cô đã đi chơi với các vị khách trong quán bar – cà phê nơi mình phục vụ.
Không chỉ có vậy, để tìm được nhiều mối hơn, cô bạn này còn “tặng” Quỳnh một nickname để chat trên mạng tìm “bạn”. Thấy cũng chẳng thiệt thòi, lại có tiền xài, Quỳnh nghĩ là mình chỉ đi chơi khi nào kẹt tiền.
Mỗi lần đi khách, dù cô không nói giá nhưng do “biết người, biết việc” nên cũng được nhận khoảng 200.000 đến 300.000 đồng. Gặp khách Việt kiều có khi cô được cho một vài “vé”. Cứ thế, cô trang trải được các nhu cầu và còn sắm được một chiếc xe Wave cũ dù mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất.
Cũng có người đánh mất chính mình chỉ vì không gượng nổi sau khi thất bại với một cuộc tình. Phương là sinh viên một trường ĐH dân lập, sống xa nhà nên cô thiếu thốn tình cảm. Qua vài lần gặp mặt trong quán cà phê nơi Phương làm, một người đàn ông lớn hơn cô 10 tuổi đem đến cho cô cảm giác về sự vững chắc và có thể nương tựa được. Dù biết người này đã có vợ con nhưng… vì nhiều lý do, Phương vẫn chấp nhận.
Được thuê cho một căn nhà riêng để ở, chu cấp tiền bạc và mua cả xe; hằng tháng, cô còn có tiền để gửi về quê. Chỉ hơn 1 năm sau, khi phát hiện mình có thai, cô liền báo cho anh chồng hờ biết và từ đó, những lần thăm cô cũng vơi đi, rồi điện thoại không nhấc máy…
Theo kết quả điều tra về vị thành niên và thanh niên Việt Nam với 7.584 thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 của 42 tỉnh thành, được UNICEF công bố (năm 2005): 57,5% cả nam và nữ đều đồng ý rằng mại dâm là phi đạo đức. Nhóm 14-17 tuổi ở thành thị không chấp nhận vấn đề mại dâm khá cao, với 67%.
Về ý kiến cho rằng mại dâm là không tốt nhưng có một số người phải làm do hoàn cảnh bắt buộc, 58% nam thanh niên thành thị từ 18-21 tuổi đồng ý với ý kiến này.
Dù có đến 97% đồng ý bao cao su có thể phòng tránh HIV và các bệnh lây qua đường tình dục nhưng có đến 70% cho rằng bao cao su làm giảm khoái cảm và hơn 50% cho rằng người mang theo bao cao su bên mình là những người có thể có quan hệ không đàng hoàng. |
Sau khi phá thai, cô đơn và thất vọng ê chề, Phương chọn con đường đi làm tiếp viên ở một quán bar. Hỏi vì sao không chọn cho mình một việc làm khác, Phương cười đau khổ: “Đã quen xài hàng hiệu, son phấn đắt tiền, nay phải đi dạy để chỉ nhận vài trăm ngàn thì chẳng thấm gì. Rồi còn tiền gửi về quê… Khi nào ra trường, kiếm được việc làm, mình sẽ thôi…”.
Thức tỉnh muộn màng
Không ít bạn sinh viên chẳng nghĩ gì đến hậu quả của việc đi “nói chuyện với khách”. Có những bạn rất vô tư, thiếu kiến thức, cũng chẳng màng đến việc nhiễm HIV và các căn bệnh xã hội khi “nhúng chàm”.
Năm 2004, sau khi “đi làm” chưa được 8 tháng, Quyên được người yêu là một con nghiện báo rằng “anh đã bị HIV” và sau đó, cô cũng không thoát khỏi. Quyên tuyệt vọng, bỏ học, uống rượu cho quên nhưng càng uống lại càng bị HIV ám ảnh và không biết người bạn trai này hay các bạn tình lây HIV cho mình.
Giờ đây, Quyên không biết sẽ báo tin cho gia đình mình như thế nào, cha mẹ sẽ ra sao khi nghe được tin này… Cô chua xót kể: “Ngày đó em bị tiền làm mờ mắt. Nếu biết nghĩ như ngày nay thì đâu đến nỗi.
Còn Phương, khi nhân viên xã hội tư vấn nên khuyên khách dùng “áo mưa” thì cô tỉnh queo: “Có người chịu dùng, có người không. Nhưng em cũng chỉ đi khách quen không hà. Nhiều anh mặt mũi hiền lành, đứng đắn, dễ thương… không lẽ nào họ có bệnh? Mà em cũng khỏe mạnh bình thường, có gì đâu”.
Theo nhân viên tại các trung tâm tư vấn, không ít các bạn nam khi đi chơi với các bạn tình cùng giới đều nghĩ là mình có ít nguy cơ hơn với bạn khác giới. Quan điểm này là cực kỳ sai lầm vì khi quan hệ theo kiểu dị thường, nguy cơ này còn cao hơn gấp nhiều lần.
Ngoài ra, hiện nay còn có hiện tượng các bạn học sinh, sinh viên “săn tình” vì nhu cầu có bạn tình che chở. Hệ quả tất yếu là cách sống thác loạn, thay người tình như thay áo, không còn quan tâm đến các giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Theo ông Trần Tuấn, chuyên viên Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục hôn nhân gia đình, chuyện này thường xảy ra đối với các bạn nữ, nhất là những người đã thất bại vì tình lại không được gia đình quan tâm chia sẻ. Lúc đầu họ xem như một trò chơi để quên đi thất bại nhưng khi đã trở thành một thói quen rồi thì nó sẽ như một cơn nghiện. Đã có không ít bạn nữ muốn được tư vấn cách dừng lại vì dù biết chuyện đó là sai nhưng không đủ nghị lực để từ bỏ.
Theo Thuỷ TiênNgười Lao Động