Theo thống kê, chỉ tính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có tới 27 cơ sở đào tạo khối ngành Y dược với quy mô đào tạo lên đến gần 14.000 học viên. Trong đó, ngành điều dưỡng đa khoa có đến gần 3.530 sinh viên. Theo khảo sát của các Trường ngoài công lập đào tạo ngành Sức khỏe thì có khoảng 40 – 50% sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, làm trái ngành nghề đào tạo.
Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2012, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tuyển chọn 3 khóa điều dưỡng và hộ lý, với tổng số 510 ứng viên được đào tạo trước khi đưa sang Nhật Bản làm việc. Dự báo, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý trong lĩnh vực chăm sóc người già của Nhật bản đối với Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội để lao động Việt Nam được làm việc tại thị trường chất lượng cao.
Trên thực tế, hiện nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng viên, hộ lý của Nhật Bản rất lớn đòi hỏi nước này phải tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc trong lĩnh vực y tế. Lao động Việt Nam có cơ hội sang làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập khá hấp dẫn, khoảng 220.000 Yên Nhật (khoảng 39 triệu đồng/ tháng).
Mới đây, tại Hà Nội, ông Kanemaru, Giám đốc đại diện Nghiệp đoàn Kansai Techincal Cooperation Center (KTCC), Nhật Bản, đã có buổi gặp mặt, tặng quà đến người già, người neo đơn tại Nhà dưỡng lão OriHome. Trong chuyến viếng thăm lần này, ông Kanemaru cho biết, nghiệp đoàn này mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài với các đối tác Việt Nam, đồng thời, tìm hiểu thực tế tình hình phát triển ngành điều dưỡng tại Việt Nam.
Phạm Thanh