Báo cáo của quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y Tế) cho thấy, trong 5 năm qua (2014 – 2018) nhận thức của người dân về PCTHTL đã có những thay đổi tích cực.
Năm 2018, 60% số người được hỏi có nghe thấy hoặc nhìn thấy các thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trên các phương tiện truyền thông và 70% số người trả lời có nhìn thấy các biển cấm hút thuốc các khu vực ngoài trời.
84% người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bản thân, 83% người hút thuốc lá lo lắng cho sức khỏe gia đình họ. 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình trong vòng sáu tháng trở lại đây so với 44% năm 2017.
70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.
Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá, ban hành kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá hằng năm, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các sở, ban, ngành.
Nhiều cơ quan, đã đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động; treo biển cấm hút thuốc, tổ chức ký cam kết thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc lá.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức gần 8.000 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và quy định pháp luật về PCTH thuốc lá, hơn 1.000 buổi truyền thông lưu động tại cộng đồng với hệ thống loa tuyên truyền, truyền thông lưu động tại xã phường, làng bản, nói chuyện chuyên đề tại các cơ sở y tế.
Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua Quỹ đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội truyền thông trên nhiều kênh từ trung ương đến địa phương với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao gồm cả báo hình, báo viết, các trang mạng xã hội.
Các hoạt động được tổ chức sâu rộng tới cộng đồng thông qua các buổi giao lưu, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, truyền thông lưu động tại các xã phường, làng bản, các cơ sở y tế, trường học…
Đặc biệt, Quỹ PCTH TL cũng đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606) và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh (1800-1214), hỗ trợ 08 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Năm 2018-2019, đã có 10.381 cuộc gọi tư vấn qua điện thoại và tổng đài, 2.090 người đến tư vấn trực tiếp tại Phòng khám tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, trong đó có 652 người bỏ thuốc lá trên 1 năm trở lên (chiếm tỷ lệ 5,2%). Bên cạnh công tác tư vấn qua phòng tư vấn và tổng đài tư vấn, đã có 38.800 bệnh nhân được tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá khi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thời gian tới, để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, Quỹ PCTH thuốc lá sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, nâng cao ý thức người dân về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL.