Liên quan đến thực trạng sử dụng và công tác quản lý kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) – cho biết: Trong năm 2016, thông qua mạng cảnh báo nhanh, cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu thủy sản và các kênh ngoại giao khác (Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam), Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép, cụ thể: Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô). Số lượng lô hàng bị cảnh báo năm 2016 (tổng số 40 lô, chiếm 0,03%) đã có chiều hướng giảm so với năm 2015 (70 lô, chiếm 0,07%).
Đối với các lô hàng bị cảnh báo nêu trên, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản đã có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến có lô hàng bị cảnh báo thực hiện truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục. Kết quả cho thấy nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng.
“Do một số cơ sở nuôi chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch; một số cơ sở nuôi vẫn còn lạm dụng hóa chất kháng sinh cấm trong quá trình nuôi” – ông Tiệp cho biết.
Nói về hoạt động kiểm tra, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm: Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện theo quy định Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ NN&PTNT. Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra thường tập trung kiểm tra việc nhận diện và kiểm soát mối nguy về hóa chất, kháng sinh trong chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, đồng thời có thể tiến hành thẩm tra tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến (bao gồm cơ sở nuôi trồng thủy sản;…).
Cũng theo ông Tiệp, trong năm 2016, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho 592 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó bao gồm 21 cơ sở được kiểm tra chứng nhận lần đầu, 106 cơ sở được tăng mức xếp hạng so với năm 2015, 65 cơ sở không duy trì được mức xếp hạng (còn lại 400 cơ sở giữ nguyên xếp hạng). Đối với các cơ sở được lên hạng/xuống hạng, Cục đã xử lý theo quy định.
Hiện tại, trên cả nước có tổng cộng 621 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó: 467 cơ sở được xuất khẩu vào EU; 610 cơ sở được xuất khẩu vào Hàn Quốc; 612 cơ sở được xuất khẩu vào Trung Quốc; 25 cơ sở được xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á-Âu (Liên bang Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyryzstan); 142 cơ sở được xuất khẩu vào Braxin; 202 cơ sở được xuất khẩu vào Argentina; 61 cơ sở chế biến cá tra/basa được xuất khẩu vào Hoa Kỳ và 19 cơ sở được xuất khẩu vào Panama.
Đối với hoạt động tự thẩm tra tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi của các cơ sở chế biến thủy sản, ông Tiệp thông tin thêm: Theo quy định hiện hành, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản phải xây dựng và thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo nguyên tắc HACCP. Theo đó, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản phải nhận diện và kiểm soát các mối nguy an toàn thực phẩm (trong đó bao gồm các hóa chất, kháng sinh) trong nguyên liệu thủy sản, đặc biệt là đối với thủy sản nuôi. Việc tự kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh của cơ sở sơ chế, chế biến chủ yếu được thực hiện thông qua hoạt động lấy mẫu thẩm tra nguyên liệu (tại ao nuôi trước khi thu hoạch hoặc tại công đoạn tiếp nhận nguyên liệu của cơ sở chế biến) nhằm làm giảm rủi ro tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm sản xuất tại cơ sở.
Nguyễn Dương