Nhạc World Cup ’06 có nét… dân ca xứ Quảng!

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 24/06/2006
Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Đi tìm bản nhạc

“Ai nghe đĩa nhạc World Cup ‘06 chưa? Thấy thế nào? Tớ thấy bài của Shakira còn hay hơn Times of Our life. Y hệt hồi France 98 thấy bài The cup of life của Ricky Martin hay hơn bài hát chính, nhỉ?”.

“Bài mà hay phát trong các chương trình của VTV3 trước các bản tin là bài Celebrate the Day thì phải. Bài đấy cũng rất hay… Nhưng mình thích mỗi bài của Shakira”.

Đó là hai mẩu trao đổi trên diễn đàn âm nhạc World Cup 2006 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Vậy đâu là bài hát của Shakira? Đó chính là bài Hips don’t lie (phỏng dịch: Lắc không thôi) với phần mix mới nhất của Bamboo. Quả thật, vào http://www.metacafe.com/watch/135957/shakiras_hips_dont_lie/ nhìn họ lắc liên tục, lắc mọi nơi trên nền tiếng hát của Shakira Feat và Wyclef Jean, bạn sẽ… lắc lư theo và cảm nhận thế nào là “hips don’t lie”!

Admin của Website Hội Nhạc sĩ VN diễn giải: “Sau khi được BTC chính thức mời diễn tại lễ khai mạc World Cup 2006, Shakira đã tức tốc mix lại single mới nhất này để mang tham dự. Nếu như bạn đã từng mê mẩn bản gốc, từng lắc mông tùm lum theo giai điệu của bản gốc thì bản này sẽ khiến bạn lắc mạnh hơn nữa. Giai điệu dồn dập hơn, mix thêm tiếng reo hò cổ vũ nữa. Một track hoàn hảo”.

Tại CD FIFA World Cup ‘06 được chính thức phát hành tại Đức với hình bìa linh vật sư tử, intro ca khúc này ở vị trí 01 có tựa Bamboo và toàn bài ở vị trí 11, nhan đề Bamboo World Cup Mix. Tôi đã tải Hips don’t lie về dưới dạng MP3 để tiện bề so sánh với dân ca xứ Quảng. Chỉ tiếc tôi chưa tìm ra nhạc bản cũng như phần lời ca khúc.

Trùng hợp ngẫu nhiên?

Phần nhạc đoạn intro và được lặp lại tại đoạn coda, có thể “dịch” sang lời Việt như sau: “Hò/khoan dố hò/khoan. Khoan khoan/dô khoan dố hò/khoan. Khoan khoan dô/khoan dố khoan dố/ hụi. Dố khoan dố/khoan hò là/hụi”. Kiểu lĩnh xướng của Shakira và hát phụ họa của nhóm Bamboo tại đoạn này lại giống y kiểu hát kể và hát xô trong dân ca VN. Nó rất gợi với không khí đông người lặp lại lời thủ lĩnh, tạo nên sức mạnh tập thể, mà ở đây là đội bóng trên sân cỏ dưới sự chỉ huy thống nhất của nhạc trưởng. Cũng có thể hiểu đó là kiểu hàng vạn cổ động viên hát vang theo hiệu lệnh của quản trò trên khán đài, cổ vũ cho đội bóng và cho trận đấu.

Nhưng đoạn nhạc nghe như… dân ca xứ Quảng dựa trên kiến giải nào? Nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng nói: “Có thể đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng không đáng ngạc nhiên khi những nét nhạc phương Đông được đan cài vào điệp khúc của bài hát này. Vì là ca khúc dành cho ngày hội đông người nên nhạc sĩ sáng tác biết cách làm sao để mọi người dễ hát, dễ nhớ, dễ hò theo nhất.

Ở đây, họ đã chọn thang 5 âm tương tự ngũ cung trong âm nhạc VN. Chúng có những nhịp động gây cảm hứng hội hè, nhảy múa. Cạnh đó, câu nhạc gồm những cung trọn là cung nói lên sự khẳng định, chắc chắn, tạo ra niềm tin có đích hẳn hoi. Theo tôi, cuộc chơi World Cup ngày càng nhiều đội bóng đến từ châu Phi, châu Á nên có lẽ BTC cũng chú trọng hơn trong việc mời nhạc sĩ sáng tác những ca khúc mang âm hưởng phương Đông, không chỉ toàn phương Tây như trước”.

Nhạc sĩ Trương Đình Quang, chuyên gia nghiên cứu sưu tầm dân ca cho biết thêm: “Thang 5 âm gồm các nốt Do-Ré-Fa-Sol-La là thang âm đơn giản nhất, khi người lĩnh xướng cất lên là cả thế giới dễ hát theo. Nhạc sĩ Mỹ Peter Sigher, từng ôm đàn Banjo Alto xuống đường ủng hộ VN cũng sử dụng thang âm này để hát và cả đoàn biểu tình đã hát theo ông. Thường nó được dùng để sáng tác các điệu hò sinh hoạt, lao động của nhiều dân tộc trên thế giới nên ở đây nếu nhạc World Cup có sự “giống dân ca xứ Quảng” cũng không lạ lắm đâu.

Đoạn điệp khúc của Bamboo được hát lặp từng câu theo nhịp 2/4 là nhịp hành động của tập thể đông người. Gần giống là khi so sánh nó với Hò khoan: “Khoan bớ hò/ khoan [Là hô khoan] Sông tôi chẳng có (thuyền) bóng thuyền. Mong gì hứng gió những miền biển khơi [Là hô khoan]…”. Đặc biệt giống hơn với Hò giã vôi, do nhạc sĩ Vân Đông ghi lại từ năm 1960 theo phong cách hát kể và hát xô sôi động và mạnh mẽ: “Bớ hò bớ/ hụi [Bớ/ hụi]. Xích hụi hò/ khoan [Là hù là/ khoan]…”.

Tương đồng

Còn nhớ hôm khai mạc World Cup, sau khi nhắn tin một số chiến hữu về nghi vấn của mình, tôi đã được trả lời tức khắc. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Quảng Nam: “Nghe như hò chèo ghe Đại Lộc”. Nhà báo Nguyễn Khoa Chiến, Bến Tre: “Hèn chi nghe quen quá”. Nhà giáo Nguyễn Minh Hùng, Đà Nẵng: “Tư tưởng lớn gặp nhau sao?”. Chuyện ngỡ như đùa nhưng nay đã có câu trả lời khá rõ. Nghĩ cho cùng, nhân loại từ một gốc mà ra. Âm nhạc sản sinh từ lao động nên nó có những nét chung nhất, đặc biệt với những điệu hò. Bóng đá là trò chơi và cũng là lao động nên bản nhạc Bamboo World Cup Mix có đoạn tương đồng dân ca Việt và nhiều nước khác cũng là chuyện đương nhiên. Nhạc sĩ Thái Nghĩa nói: “Một khi World Cup được tổ chức tại VN thì cái sự giống ấy dứt khoát đậm nét hơn!”

Theo Đặng Ngọc KhoaThanh Niên

 

Exit mobile version