Nhà sư 87 tuổi xây nghĩa trang 14 tỷ đồng cho người nghèo

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 19/08/2016
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Trong đời, ai cũng muốn khi về cõi vĩnh hằng được yên nghỉ một nơi thanh tịnh, trang nghiêm và gần với Phật thì linh hồn sẽ được thanh thản, siêu thoát. Ở An Giang có một vị sư thấu hiểu được tâm lý của Phật tử nên cùng với chính quyền và các nhà hảo tâm thực hiện công trình nghĩa trang quy mô, sạch đẹp.

Mục đích xây dựng công trình là tạo điều kiện cho bất cứ ai khi có người thân qua đời được chôn cất đàng hoàng, mặt khác nhằm thu hẹp các nghĩa địa tự phát nằm xen kẻ trong khu dân cư hay trục đường giao thông làm lãng phí tiền của, mất vẻ mỹ quan đô thị.

Phật tử gần xa một lần về An Giang xuôi dòng kênh Thoại Hà chừng 10km ai cũng dễ dàng nhận ra 2 tòa tháp uy nghi, sừng sững mọc giữa khu đồng trống hoang vắng, đó là khu nghĩa trang từ thiện nằm sát khuôn viên Lan Nhã Kỳ Viên thuộc xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn. Người khởi xướng xây dựng công trình hiện đại có tên trong giới nhà Phật là Thích Giác Vạn, một bậc cao tăng 87 tuổi danh tiếng khắp miền Tây. Nghĩa trang nhân dân đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, mang tính tâm linh cao thượng vì ngoài việc giúp các linh hồn mau siêu thoát, đây còn là nơi hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngày 17/8 vừa qua, nghĩa trang từ thiện do Hòa thượng Thích Giác Vạn phối hợp với địa phương vận động xây dựng chính thức được đưa vào hoạt động

Hòa Thượng Thích Giác Vạn cho biết, công trình nghĩa trang nhân dân xã Vĩnh Trạch được bố trí xa khu dân cư, toàn bộ dự án được xây dựng có tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng, với quy mô hiện đại nghĩa trang thực hiện được 2 mục tiêu quan trọng là địa táng và lưu hài cốt sau khi hỏa táng.

Khu nghĩa trang rộng 10.000 m 2 nằm tiếp giáp với Lan Nhã Kỳ Viên đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân nhất là những bậc cao niên trong làng, bởi họ hiểu rằng khi về với vĩnh hằng được ở gần chùa, gần Phật ngày ngày nghe tiếng kệ lời kinh, an nghĩ thanh tịnh thì linh hồn sẽ sớm vãn sanh miền cực lạc.

“Thấy bà con chết, không chỗ chôn cất nhiều gia đình nghèo chẳng may qua đời vào mùa nước ở những nơi ngập sâu còn phải xóc chéo để hòm chờ mùa nước cạn chôn cất, thấy vậy nên Sư nghĩ ra cách làm nghĩa trang kiên cố để người quá cố có nơi chôn cất hoặc hỏa táng đàng hoàng. Ý tưởng này cũng phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới nên nghĩa trang sớm ra đời là vậy”. Hòa Thượng Thích Giác Vạn chia sẻ.

Hai tháp cao sừng sững này là nơi lưu tro cốt của người quá cố sau khi hỏa táng

Sau thời gian khẩn trương thi công, có thể nói công trình nghĩa trang đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với kết cấu gồm các hạng mục chính: Cầu qua nghĩa trang, đường đi nội bộ, tượng thờ quan âm, nhà quàn, 2 tháp lưu (mỗi tháp 5.000 hài cốt), khu địa táng với 1.000 phần mộ, cổng vào và hàng rào nghĩa trang. Đây là công trình có tổng nguồn vốn đầu tư khá lớn, nhiều hạng mục thi công rất tỉ mỉ, công phu, hiện nay số tiền đầu tư lên đến 14 tỷ đồng, trong đó Hòa thượng Thích Giác Vạn cùng phật tử đã bỏ ra 12 tỷ đồng, còn lại được trích nguồn ngân sách và dân địa phương đóng góp.

Để nâng cấp đường vào nghĩa trang, nhiều phật tử phát tâm ở xa cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng để tráng nhựa đường dẫn vào công trình. “Một lần về Vĩnh Trạch, Thoại Sơn làm từ thiện ghé Lan Nhã Kỳ Viên thăm Hòa thượng Thích Giác Vạn, biết ông muốn xây dựng nghĩa trang cho những hộ nghèo an nghỉ cuối đời, thấy việc làm ý nghĩa quá nên tôi đã tham gia đóng góp và vận động thêm kinh phí để nhà sư thực hiện ước nguyện giúp bà con nghèo qua đời có nơi yên nghỉ thanh tịnh” Bà Kim Hương, Chủ Doanh nghiệp vàng Kim Hương ở TP. Long Xuyên bộc bạch.

Từ xưa đến nay, một gia đình có người thân mất đi nếu giàu có thể xây mộ cao, to còn đối với người nghèo thì thấp bé đôi khi là mã đất do đó sẽ mất cân bằng về mỹ quan, ô nhiễm môi trường… Do vậy, việc đầu tư một nghĩa trang hiện đại, uy nghi ở một vùng nông thôn mà nhà sư Thích Giác Vạn kết hợp với chính quyền địa phương được xem là chuyện hy hữu từ trước đến nay.

Tuy nhiên công trình thành công cũng nhờ nhiều người dân hiến đất, Phật tử gần xa đóng góp nên nghĩa trang hình thành, tránh tình trạng chôn cất người quá cố sẽ xảy ra tràn lan, tốn nhiều tiền của, mang thêm gánh nặng ô nhiễm môi trường… Đây là việc làm mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người, tất cả vì lợi ích chúng sanh và vì sự phát triển cộng đồng.

Bảo Phong

Exit mobile version