Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Rất nhiều bạn trẻ làm tôi xúc động và ngưỡng mộ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 11/11/2014
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) là nhà báo nổi tiếng trong thể loại phóng sự. Những tác phẩm của anh vừa nóng hổi tính thời sự, vừa có cái nhìn nhân văn sâu sắc, cộng với vốn ngôn từ sinh động nên luôn hấp dẫn bạn đọc.

 

Nhiều bút ký, phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng đã đi vào các giáo trình báo chí, bản thân anh cũng là một giảng viên thỉnh giảng kiêm nhiệm đã nhiều năm. Ở anh, ngoài chất văn trong các phóng sự, anh còn là một cây bút viết truyện ngắn và tạp văn đĩnh đạc với nhiều cuốn sách đã xuât bản, được bạn đọc yêu mến…

 

Nhưng, không chỉ có thế, Đỗ Doãn Hoàng còn là một trong số không nhiều những nhà báo am hiểu thế hệ trẻ và đã có không ít bài viết về họ, đặc biệt là thế hệ trí thức trẻ và niềm tự hào Việt Nam. Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn anh xung quanh vấn đề này.

 

Trước hết, với tư cách nhà báo, anh nhìn nhận thế hệ trẻ Việt nam hiện nay như thế nào? 

 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thật ra tôi thấy rất khó để trả lời câu hỏi này. Bản thân tôi không phải là một người có đủ sự “chính danh” để nói về một đề tài lớn như “giới trẻ Việt Nam hiện nay”. Nói thế nào cũng sẽ dễ rơi vào cảnh “vơ đũa cả nắm” hoặc “thầy bói xem voi”. Chỉ xin được nói từ cảm nhận cá nhân thôi.

 

Tôi thấy cả hai mặt, đáng tự hào và đáng lo lắng của không ít bạn trẻ hiện nay. Tôi tự hào về các bạn trẻ đến mức đôi lúc tủi thân về những người cùng lứa tuổi với mình (tôi sắp 40 tuổi).

 

Thời học, sinh sinh viên, tôi chưa bao giờ lưu ban một lớp nào, chưa bao giờ tham gia kỳ thi nào mà trượt cả. Vậy mà tôi và bạn bè mình đã tiến quá chậm để đến ngày mở mang tầm mắt nhìn ra thế giới. Năm 35 tuổi tôi mới chính thức bay ra khỏi biên giới Việt Nam. Tiếng Anh không được lưu loát, nên nhiều khi rất bối rối khi tiếp cận với cuộc sống và các nền văn hóa khác.

 

Ngược lại, các bạn trẻ bây giờ đã rất nhanh để vươn tới khái niệm công dân toàn cầu. Cảm giác thế giới trong lòng tay các bạn ấy. Họ thậm chí đã viết sách về các chuyến đi của mình đầy tự tin và không thể nói là không hấp dẫn. Tất nhiên, văn hóa và mở rộng văn hóa của mình không chỉ là việc nói thạo tiếng Anh như một phiên dịch hay như một bồi bàn. Song, quả là họ đã khiến tôi khâm phục.

 

Hãy nhìn vào các giải thưởng mà công dân trẻ Việt Nam đã đạt được gần đây. Không chỉ tôi và anh, mà tôi nghĩ thế giới cũng phải ngưỡng mộ đấy chứ. Năm 2014, truyền thông Việt Nam phát đi tin vui, Trần Tuấn Huy, học sinh lớp 12 ở TP HCM đã trở thành “cậu bé lập lại thành tích của GS Ngô Bảo Châu”, khi Huy lần thứ hai giành Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế.

 

Năm 2010, Trương Công Lý là thí sinh Việt Nam đầu tiên được Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ trao chứng chỉ Anh văn Quốc tế với số điểm 990/990… Đây là chuyện đáng ngỡ ngàng xét về nhiều phương diện.

 

Ở trong nước, nhiều bạn trẻ có các hành động nghĩa hiệp, nhân ái với cộng đồng; không ít bạn trẻ là nông dân, sáng chế máy móc thiết bị hữu ích cho đồng bào, khiến các chuyên gia đầy học hàm học vị phải ngạc nhiên rồi… xấu hổ.
 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong lần tác nghiệp tại Nam Phi.

 

Còn ở góc độ cảm nhận tình cảm, giống như một người viết văn nhìn vào các bạn trẻ, anh nghĩ gì về họ?

 

Tôi đặc biệt xúc động với các bạn trẻ ham học và có lẽ sống nhân ái. Có em, sống với bố trong cái ống cống ở thành phố, nhưng vẫn đạt thủ khoa của một trường danh tiếng. Có em, mẹ bị tâm thần đi lang thang và bị lạm dụng Người mẹ ấy bị hoang tưởng suốt ngày gào thét vì nghĩ có người sắp đến giết chết mình, bà đến tận trường đòi đuổi “đứa con mất dạy” đi, đừng cho nó học nữa. Song, bạn trẻ ấy vẫn vượt qua và học xuất sắc hai trường Đại học.

 

Nhiều bạn trẻ bỏ nhiều năm đẹp nhất của đời mình ra để vận động từ thiện, đem chăn ấm áo lành cho trẻ em vùng cao. Nhiều khi, tôi thấy người nào đó đi trên đường mà quên gạt chân chống xe máy, rồi một bạn trẻ đuổi theo nhắc nhở đầy lo toan. Tôi tin, họ quá tử tế.

 

Tuy nhiên, khi ngồi cùng, khi vào trại giam để phỏng vấn nhiều phạm nhân trẻ, tôi nghĩ họ là con sâu bỏ rầu nồi canh thôi, nhưng sự thật là có rất nhiều người trẻ buông thả, vô trách nhiệm với mình và với xã hội. Có bạn trai, có bạn gái sử dụng ma túy đá, rồi tình dục tập thể, rồi giết người. Rồi tưởng người yêu là yêu quái, tưởng cái lưỡi của nàng là lưỡi yêu tinh đang hôn mình để chờ cơ hội luồn sâu vào cơ thể… ăn thịt mình.

 

Họ giết người, tự giết mình, gây nên những tai họa khủng khiếp cho cộng động. Mà số lượng những phạm nhân như thế ngày càng đông. Có chuyên gia tội phạm đã phải thốt lên, và tôi cũng đã viết trên báo, nếu không chấm dứt tình trạng “phê”, điên, bất  chấp tất cả để đốt đời như một số bạn trẻ hiện nay, thì chỉ ít năm nữa thôi, tôi và anh, khi ra đường sẽ phải mặc áo giáp!

 

Trong nhiều văn bản của tất cả các cấp đều có phần “quan tâm, bồi dưỡng thế hệ trẻ… thế nhưng nói thẳng là hiện nay, không ít vị cán bộ có tuổi thường thiếu tin tưởng vào thế hệ trẻ mà “cái cớ” họ nêu ra là “thiếu kinh nghiệm”…?

 

Nếu nghe/đọc những gì tôi đã viết và vừa nói ở trên, tôi đảm bảo chẳng có gì khó để người ta thiếu tin tưởng vào giới trẻ. Nhất là khi các câu chuyện tôi nói đều có hồ sơ bản án, có clip và các bức ảnh kèm theo, có bài báo kèm theo. Bởi đơn giản đó là sự thật.

 

Tuy nhiên, sự thật đó giống như con sâu bỏ rầu nồi canh. Chúng ta lên án các bạn trẻ hư hỏng, nhưng cũng cần hiểu, có rất rất nhiều người trẻ ngày đêm học tập, một lòng nỗ lực vươn lên vì mình và vì cộng đồng.

 

Còn về việc coi tuổi trẻ là “thiếu kinh nghiệm” để không tin tưởng vào họ, thì tôi cho là không nên. Ai chẳng đã từng trẻ, đã từng liệt vào thiếu kinh nghiệm? Nhưng ta có đảm bảo là khi về già thì ai cũng đủ kinh nghiệm để giỏi giang và làm được những điều giới trẻ đang làm được không?

 

Tôi nghĩ rằng: sống bao nhiêu năm không quan trọng, mà vấn đề là sống như thế nào, học tập như thế nào. Đúng là “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, nhưng họ cũng có câu, “lão ô bách tuế” (con quạ sống trăm năm), cũng không thể so sánh được như “đại bàng sơ sinh” (con đại bàng vừa sinh ra).

 

Chúng ta kính trọng người già, kính già già để tuổi cho; song đừng bắt các bạn trẻ phải đợi đến lúc mình già mới được “xung quanh” tôn trọng, tín nhiệm, “giao việc”… Tôi đang ngưỡng mộ rất nhiều bạn trẻ bằng một nửa tuổi đời của tôi.

 

Theo anh, thế hệ trẻ Việt nam có quyền tự hào về trí tuệ Việt nam?…

 

Tôi tự hào thật sự.

 

Và họ phải làm gì để niềm tự hào biến thành hiện thực?

 

Hãy coi việc chăm sóc các cháu, các em, như chăm sóc chính con cháu ruột thịt của mình. Ở góc độ xã hội, tội ác sẽ từ nhà khác lây lan sang nhà mình rất nhanh. Đặc biệt, chúng ta cần tôn vinh các tài năng, các bạn trẻ tử tế, hành vi tử tế, để sự tử tế được lây lan, diệt trừ cái ác, cái xấu.

 

Để “Người Việt xấu xí” không còn phải là một chủ đề hay một chuyên mục trên báo chí sách vở hay các diễn đàn khác nữa. Chúng ta cần biết cái nào quan trọng nhất để làm trước.

 

Xin cảm ơn anh!

 

Bùi Hoàng Tám

 

Bạn đã làm gì để có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Tôi là người Việt Nam”? Đó chính là trăn trở hiện nay của không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta.

 

Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.

 

Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!

 

Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn

 

 

Exit mobile version