Nguyễn Tú Trân trở thành giảng viên khoa Thiết kế Nội thất của trường đại học Công Nghệ khi mới 24 tuổi
“Duyên” với môn Văn
Bố là giáo viên dạy Toán, cả gia đình đều gắn kết với những môn tự nhiên, thế mà chẳng hiểu tại sao Tú Trân lại có “duyên” với môn Văn đến vậy. Từ những giải thưởng cấp huyện ở Long Khánh – Đồng Nai, cho đến giải tỉnh năm lớp 9 và giải quốc gia năm lớp 12, tất thảy đều đóng mác học sinh giỏi môn Văn. Chính vì điều đó mà ba của Trân đã luôn “nhăn mặt” với cô con gái vì… giỏi môn Văn, bởi báo chí không phải sự lựa chọn của Trân. Thế là dù đạt giải nhiều lần nhưng Tú Trân vẫn luôn giữ cái cảm giác “tủi thân” vì chỉ có mẹ ủng hộ và cổ vũ mà thôi.
Đam mê dành cho nội thất
Cô học trò nhỏ nhắn đã ghi điểm ấn tượng đầu tiên với giảng viên ở trường Kiến Trúc bởi điểm phẩy cao ngất ngưởng về môn Triết Mác-Lênin, “mà cho đến tận bây giờ khi quay về trường thầy cô vẫn còn nhớ”, Tú Trân tự hào chia sẻ. Và những điểm phẩy của suốt những năm học ở trường của Trân luôn nằm trong Top của lớp đủ để bất cứ sinh viên khóa sau nào cũng mong đạt được. Thế mà Trân lại cực khiêm tốn: “Mình cũng bình thường, có gì đâu!”.
Trân cũng lắc đầu khi nói về “sở thích sưu tập giải thưởng” của mình. Trân thú nhận là bản thân cô không hề thích ganh đua hay tranh giành giải thưởng. Nhưng đến năm cuối, khi thấy các bạn tham dự những cuộc thi, có giải thưởng, tự bản thân Trân tự bảo mình: “Mình cũng thử làm một cái gì đó để thử sức mình xem sao”, và ngay năm đó Trân đăng kí cuộc thi Sao Mai – cuộc thi dành riêng cho chuyên ngành Thiết kế Nội thất. Và cô nàng giành luôn giải nhất một cách thuyết phục.
Trân cũng thừa nhận cô có một niềm đam mê đặc biệt dành cho nội thất, những mẫu thiết kế được vẽ nên, dựng lên thành sản phẩm luôn khiến Trân đạt được một thứ hạnh phúc thật sự.
Và trở thành giảng viên đại học
Trân cho rằng điều may mắn nhất của Trân là được sếp thông cảm khi Trân đứng “một chân hai thuyền”. Với kinh nghiệm của những năm thực hành và làm việc thực tế, những giải thưởng đạt được kèm tốt nghiệp nằm trong top đầu ra trường khiến Trân nhanh chóng được mời thỉnh giảng và trở thành giảng viên khoa Thiết kế Nội thất của trường đại học Công Nghệ khi mới 24 tuổi.
Chia sẻ về việc làm giảng viên, Trân thừa nhận mình thật sự thiếu khả năng sư phạm, nhưng vì đã từng là sinh viên của ngành này, bản thân khi còn là sinh viên Trân tự cóp nhặt những điều còn thiếu, hay những mong muốn được giảng viên hướng đến, Trân đem vào “nghề dạy” của mình. Và vì còn trẻ nên Trân dễ hòa đồng với những bạn sinh viên không bé hơn mình bao nhiêu tuổi, chưa kể còn có những sinh viên còn lớn tuổi hơn cả Trân. Trân luôn cố gắng để có thể chia sẻ với sinh viên về những kinh nghiệm của mình, cũng như truyền đạt niềm đam mê lẫn khả năng sáng tạo trong chuyên ngành này.
Hiện tại, Trân đang cảm thấy “khó xử” bởi công việc ở hai nơi đều khiến thời gian của Trân trở nên căng hơn nhiều. Trân vừa phải giám sát công trình, vừa phải đăng kí lịch dạy ở trường nên khiến cô nàng vốn đã nhỏ bé trở nên gầy guộc hơn. Nhưng Trân bảo: “Mình muốn sẽ tiến xa hơn trong mỗi công việc mình đã lựa chọn, và mình phải “trả giá” cho đam mê của mình chứ!”.
Dù vẫn luôn miệng “than vãn” về việc đã không còn thời gian để thở, nhưng Trân vẫn hào hứng chia sẻ về cả mong muốn trở thành stylist cho ngành Nội thất – một điều mới mẻ. Và tham vọng của cô nàng là sẽ trở thành người thiết kế, dựng hình cho chính sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Hà Phan