Chưa kể đến những kế hoạch lớn sau mỗi chuyến đi của các bạn trẻ VN khi nào sẽ thành hiện thực?
Người Việt trẻ đứng ở đâu trong các Diễn đàn Thanh niên quốc tế?
Nếu bạn vào website của Liên hiệp Thanh niên quốc tế (http://youthcoalition.org) bạn sẽ thấy một gương mặt VN trong số 8 bức ảnh thanh niên các nước tại homepage của địa chỉ này. Đó là Phùng Bích Thuỷ, một gương mặt 8X, là cựu SV khoa Tâm lý trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Thủy cũng vừa trở về VN sau chuyến đi tới Buenos Aires (Argentina) tham dự Diễn đàn Thanh niên quốc tế.
Nếu bạn có nhiều thời gian để tìm kiếm trên tất cả các website về hội nghị hay diễn đàn thanh niên thế giới bạn sẽ thấy các gương mặt VN vẫn rất hiếm hoi. Dù rằng trong vòng 5 năm trở lại đây, người Việt trẻ đã mạnh dạn và đăng đàn trong nhiều hội nghị quốc tế, nhưng con số ấy chỉ là rất nhỏ trong hàng nghìn hội thảo, hội nghị, diễn đàn có quy mô lớn hàng năm dành cho thanh niên.
Cơ hội và diễn đàn còn bỏ ngỏ rất nhiều và đang chờ đợi những người Việt trẻ: Diễn đàn Thanh niên Đông Á (do Không gian chung Đông Á – EACOS), Hội nghị Thanh niên Châu Á, Hội nghị thanh niên Châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị thanh niên thế giới, Hội nghị Nghị viện trẻ thế giới, Đại hội Thanh niên thế giới…
Sẽ khó có thể thống kê nổi số lượng khá lớn của các diễn đàn cho SV, thanh niên trên toàn cầu: Diễn đàn SV kinh tế thế giới, Hội nghị đa thế hệ quốc tế vượt qua đói nghèo, Hội nghị thanh niên Pháp ngữ quốc tế và thậm chí cả những Hội nghị thượng đỉnh về việc làm thanh niên thế giới, Học kỳ trên biển vòng quanh thế giới… và rất nhiều các chương trình do LHQ, Tổ chức thanh niên thế giới (WYO) và Ủy ban Thanh niên châu Á (YAC) tiến hành…
Thủy cho rằng: “Giới trẻ VN tham gia ít và hơi muộn vào các diễn đàn quốc tế. Năm nay Thủy 24 tuổi nghĩa là cuối năm nay Thủy đã hết tuổi thanh niên theo chuẩn độ tuổi của LHQ (ở một số nước quy định 29 tuổi mới hết tuổi thanh niên). Trong rất nhiều hội nghị, các thành viên tham dự đều rất trẻ. Và ngay tại diễn đàn tổ chức tại Achentina lần này, người trẻ nhất là 17 tuổi”. Vậy sẽ chẳng có gì là quá sớm khi bạn 15, 16 tuổi đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho những diễn đàn thế giới đang chờ tiếng nói của bạn.
Sự xuất hiện không nhiều các gương mặt VN trong các diễn đàn trẻ thế giới sẽ là một điều thiệt thòi. Người ta sẽ không nghe thấy một tiếng nói từ VN trong các hội nghị, sẽ không biết nhiều về giới trẻ Việt, sẽ không có một khoản nhất định dành cho VN trong các bản kiến nghị, sẽ không có một đường link, một địa chỉ Việt trong hồ sơ của Ban tổ chức, cũng có nghĩa là không có dự án, không có đầu tư… Thủy bảo rằng: “Người ta vẫn hỏi tôi về chiến tranh VN, những sự kiện đã cách xa nhiều năm. Vì thế nhiệm vụ của chúng ta ở các diễn đàn là mang đến những hình ảnh mới về VN…”.
Chúng ta vừa đến muộn, vừa đi ít, lại chỉ đứng mon men ở hành lang (trừ một vài cá nhân xuất sắc đã được ngồi lên bàn chủ tịch, làm trưởng nhóm thảo luận, làm đại diện net-working tại khu vực). Nhiệm vụ cải thiện các vị trí này thuộc về chính chúng ta.
Thủy bảo rằng: “Trong một cuộc họp, nếu anh không nói, người ta sẽ không biết đến anh. Hãy để các bạn trẻ trên thế giới biết chính xác về VN chứ không phải là những ý kiến võ đoán. Trong cả bể thông tin về VN, về người trẻ VN cần biết cách làm nổi bật để mọi người cùng biết”. Nhất là khi tên của bạn đã có mặt tại một hội thảo, thì sự xuất hiện của bạn ở các diễn đàn tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng.
Săn “vé” vào Diễn đàn thanh niên quốc tế
Nhiệm vụ đầu tiên của Thủy và nhiều “đại sứ trẻ” VN là search thông tin trên Internet và gửi CV tham gia bất cứ khi nào có thể. Ban đầu Thủy nộp hồ sơ và tham dự hội thảo Asia – Pacific Youth Advocacy tại Bangkok, Thái Lan. Ngay năm sau, Thủy quay trở lại Bangkok để tham dự hội thảo quốc tế về AIDS. Kinh nghiệm tại các hội thảo này cũng đã giúp Thủy thành công tại các hội thảo ở Dhaka (Bănglađet) và Buenos Aires (Achentina)…
Rất nhiều gương mặt được giới thiệu tại website của tổ chức Liên hiệp Thanh niên thế giới là những chuyên gia săn lùng “vé” vào hội thảo. Việc học tập và hoạt động ngoại khóa đã đem lại cho họ một bộ CV hoàn hảo. Với những chuyến đi được tài trợ toàn phần, mọi chuyện sẽ đơn giản. Nhưng với những chuyến đi cần thêm chi phí thì công đoạn tiếp theo là gõ cửa xin tài trợ.
Trong tháng 9 tới đây, chuyến đi tiếp theo của Thủy sẽ là Ấn Độ. Đây là hội thảo lần thứ 10 về Phụ nữ và sức khoẻ thế giới được tổ chức tại New Delhi. Chuyến đi sẽ không thay đổi nếu chiến dịch xin tài trợ của Thủy thành công.
Sau thành công tại các hội thảo Thủy được giao nhiệm vụ là net-work cho các thành viên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mối quan hệ với bạn bè quốc tế được rộng mở, những đường link, những giấy mời diễn đàn liên tiếp gõ cửa. Nhiệm vụ của Thủy bây giờ không chỉ là hoàn thành chương trình cao học tại khoa Tâm lý ĐH KHXH&NV HN mà còn trở thành một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tâm lý, sức khỏe sinh sản, tình dục, HIV/AIDS…
Mang kế hoạch phát triển cộng đồng về nước
Trở về từ Achentina, Thủy đã có những kế hoạch và dự định. Đó có thể là một trung tâm rèn luyện kỹ năng tham dự hội thảo quốc tế cho SV. Dự định là thế nhưng trước hết Thủy sẽ thực hiện các bước nhỏ.
Hội thảo tại Achentina lần này có sự tham dự của 60 thành viên là những gương mặt trẻ đến từ nhiều nơi trên thế giới, tập trung bàn về Quyền sức khoẻ sinh sản và Sức khỏe tình dục cho thanh niên. Đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (8 mục tiêu này đã được 180 nước tham gia ký kết).
Cả 3 nhóm trong hội thảo sẽ đưa ra những thực trạng, các yếu tố cần xem xét ở từng nước và tập trung xây dựng một bản kiến nghị. Sau mỗi lần tổ chức hội thảo, bản kiến nghị này sẽ được Ban tổ chức gửi về các tổ chức quốc tế có liên quan, chính phủ của các nước… Cứ 5 năm, các quốc gia sẽ cùng ngồi lại để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng khu vực trên thế giới sau mỗi bản kiến nghị.
Nói về trung tâm rèn luyện kỹ năng, Thủy cho biết: “Mình rất ấn tượng về việc tổ chức hội thảo quốc tế của các bạn trẻ. Thực sự mình đã được tham dự diễn đàn của những người trẻ chứ không như nhiều bạn trẻ VN vẫn tổ chức hội nghị cho những người 50 tuổi. Người tham dự có thể nằm, ngồi, dựa chân vào tường rất thoải mái nhưng nguyên tắc vẫn cứ là tôn trọng ý kiến của mọi người.
Chúng tôi đã làm giả định một cuộc họp báo quốc tế xoay quanh những vấn đề trong hội thảo. Những màn hình lớn được dựng lên. Các thành viên đóng vai các phóng viên quốc tế. Một số khác sắm vai các nguyên thủ quốc gia, đại diện cho nước mình. Bản kiến nghị vừa được trình ra là tới tấp các câu hỏi phản biện xuất hiện.
Phía bên ngoài tiền sảnh của phòng họp báo giả định là biểu ngữ của đoàn biểu tình. Người thì phản đối, người thì ủng hộ. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới tổ chức buổi truyền hình trực tiếp… Và hiệu quả của những buổi họp báo giả định này thành công hơn dự kiến. Giới trẻ VN đã có thể tổ chức được tốt như thế chưa?”
Theo Phạm Thu HàSinh Viên Việt Nam