Cố gắng rồi sẽ có cơ may
“Một ngày của tháng 7 năm 2002, có phong bì dày cộm gửi tới nhà. Mẹ không buồn mở ra vì nghĩ đó là hồ sơ trường gửi trả lại vì không đạt. Tôi đi học về, mở ra và sướng run cả người: được chấp nhận vào Đại học quốc gia Singapore rồi!
Mẹ tôi vừa mừng vừa lo: tiền đâu cho nó đi Sing học? Còn mình thì thấy một cánh cửa đã mở ra…”. Đó là cảm giác của chàng sinh viên năm thứ nhất ở Sài Gòn cách đây ba năm.
Còn giờ đây là một chân dung khác của Nguyễn Tuấn Anh: kỹ sư công nghệ thông tin của ĐH Quốc gia Singapore (NUS), thành viên người Việt duy nhất trong văn phòng Yahoo! khu vực Đông Nam Á với rất nhiều dự định “Việt hoá Yahoo!”.
Cuộc sống còn rất nhiều cơ hội
Trong ký ức, Tuấn Anh khó lòng quên được những ngày tháng đó. Bạn bè từ Trường phổ thông Năng khiếu cứ lần lượt hết đứa này đến đứa kia báo tin đi du học. Thèm lắm, nhưng biết sao được với hoàn cảnh của mình: ba mất từ năm Tuấn Anh lên hai tuổi, một mình mẹ với đồng lương nhân viên xét nghiệm của một trung tâm y tế quận thì cố gắng lắm cũng chỉ đủ cho con cái học tại Sài Gòn.
Thử nộp hồ sơ thi học bổng Chính phủ Singapore, vào tới vòng phỏng vấn mà không đủ điểm đậu. Buồn hiu. Một đứa bạn nào đó gợi ý một cánh cửa khác: nếu xin được vào đại học công ở Sing thì sẽ vay được tiền học và cả sinh hoạt phí. Nộp hồ sơ thi học bổng: rớt. Rồi lúc buồn nhất, Tuấn Anh nghĩ mình thử làm một điều gì đó.
Anh chàng sinh viên năm thứ nhất gửi một bức thư ngỏ cho người giám đốc phụ trách du học sinh Việt Nam tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Rằng anh rất muốn có một cơ hội sang Sing, rằng anh chưa kịp thi TOEFL, nhưng có điểm thi tiếng Anh trong đợt tuyển chọn học bổng Chính phủ Singapore kỳ rồi…
Bức thư ấy nhận được một mail trả lời: cuộc sống còn rất nhiều cơ hội, hãy cố gắng… Rồi vài ngày sau, kết thúc của bức thư này là bộ hồ sơ chấp nhận sinh viên Nguyễn Tuấn Anh vào học ngành công nghệ thông tin của NUS. Cánh cửa đã mở…
Mẹ gom góp vay mượn được 1.000 USD, Tuấn Anh thì chả còn đầu óc nào để ý đến quần áo hay vật dụng: có gì mặc nấy, quảy cái túi xách, thế là ra nước ngoài.
Công việc tiếp theo của chàng tân du học sinh này là “nhín” ra 1.200 đô Sing (khoảng 800 USD) sắm cái máy tính để bàn rồi bắt đầu những ngày sống và học với những bữa cơm gà giá 1,5 đô Sing và cố gắng lắng nghe thứ tiếng Anh đặc trưng của người Sing. Đầu tiên nghe lạ, nghe riết cũng quen và rồi cũng thích nghi được hết.
Cánh cửa đã mở
“Cánh cửa Singapore là một cơ hội cho cả người nghèo, miễn là có khả năng. Có thể được chính phủ cho mượn đến 80% tiền học phí (không tính lãi) và cho vay tiếp 20% tiền còn lại cộng với sinh hoạt phí trong suốt những năm đại học.
Điều kiện duy nhất sau đó là phải mất ba năm làm cho Sing và trả nợ trong vòng 20 năm. Điều may mắn nhất sau khi sang Sing là mình lại giành được một học bổng trị giá 4.300 đô Sing, khỏi phải vay tiền Chính phủ Sing, khỏi bị ràng buộc về điều kiện ở lại.
Vấn đề duy nhất là chạy kiếm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt. Thôi thì làm đủ thứ: ở văn phòng trường, bảo trì web, làm web công ty với các thầy, nhảy vô những đề án nhỏ… Té ra ở Sing cũng dễ sống, miễn là nhạy và chịu khó một tí. Suốt ngày cứ mở màn hình, thấy cái job nào hợp thì chạy ào tới mà kiếm cơ may. Có lúc được những cơ may ngộ lắm…”.
Cái cơ may “ngộ” của Tuấn Anh là thế này: một bữa đọc trên mạng thấy rao tuyển người phục vụ. Chạy tới gặp người chủ tên Venn, sau một hồi nói chuyện Venn bảo ông chỉ cần người làm full-time chứ không phải làm ngoài giờ. Định về thì ông đưa ra việc mới: đi giao hàng.
Đó là công việc… không giống ai, vì không phải chạy xe đạp hay xe máy mà hàng ngày, chỉ ngồi vào chiếc Toyota, ông Venn chở Tuấn Anh trên khắp nẻo đường của đảo quốc.
Và tới nơi nào đó, cậu chỉ mở cửa xe, chạy ra bỏ thư vào thùng. Hình ảnh của Venn – từng xuất thân là người nghèo ở Singapore, bằng cố gắng của mình đã vươn lên, sang Mỹ học bằng MBA và về Sing làm việc – gieo trong lòng Tuấn Anh một cái gì đó giống như sự sẻ chia nghị lực để sống.
Cơ duyên về Yahoo! cũng đơn giản như vậy: chị gái sang chơi, chuẩn bị ra sân bay về, Tuấn Anh kêu chờ chút để send cho Yahoo! xin một việc bán thời gian. Gửi cái rụp rồi chạy ra sân bay. Hai giờ sau là cú điện thọai từ văn phòng Yahoo! ở Sing mời đến phỏng vấn: “Nhưng tôi đang ăn mặc rách rưới!”. “Chẳng sao cả, cứ đến!”.
Cuộc phỏng vấn xoay quanh kỹ năng, độ nhạy trong xử lý thông tin, kiến thức tổng quát và một bài viết bằng tiếng Anh. Vài ngày sau là những cuộc gọi phỏng vấn từ Mỹ với kết quả: chàng sinh viên Việt có việc làm thêm giá 15 đô Sing/giờ.
Và kết thúc hợp đồng làm bán thời gian ngày 30/11/2005 là cuộc phỏng vấn khá rắc rối cho một hợp đồng mới: nhân viên chính thức của Yahoo! tại Văn phòng Đông Nam Á. Coi như một bước ngoặt cuộc đời…
Những thành viên Yahoo! trong văn phòng là người đến từ nhiều quốc gia trong vùng. Thỉnh thoảng có bất cứ sản phẩm hoặc một kế hoạch nào đó về Việt Nam, lại chạy qua hỏi Tuấn Anh: “Tao muốn làm cái này, cái này ở Việt Nam, có được không?”. Tuấn Anh thích vì điều đó và muốn làm nhiều hơn cũng vì điều đó.
“Nếu không muốn thì tôi đã không bao giờ có cơ hội sang Sing du học, nếu không muốn tôi cũng chẳng thể tồn tại được ở đất nước mà tốc độ và sự vận động tích cực cứ cuốn người ta chạy lên phía trước này.
Tôi vẫn thèm, hết sức thèm về Việt Nam mình, nhưng hãy làm, làm thật nhiều và… hãy đi thêm đã. Có thể đó là chương trình cao học ở một nước Âu Mỹ rồi quay về, vẫn còn kịp mọi thứ. Mình chỉ mới 23 tuổi thôi mà!
Công cụ Yahoo – món quà ngày trở về
Sau hơn ba năm, kể từ ngày mẹ gói ghém toàn bộ hành trang là số tiền vay mượn hơn 1.000 USD cho Tuấn Anh lên đường, thì trên chuyến bay về Việt Nam cách đây hai ngày, cậu con trai nhỏ ngày xưa đã mang về món quà là công cụ Yahoo!, một phần của thế giới hiện đại.
Và với một ước mơ: sẽ làm cho công cụ ấy mang gương mặt mới, Việt Nam thật sự chứ không phải chỉ chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Và chắc chắn một điều, cậu trò nghèo và tốt bụng ngày xưa vẫn còn giữ nguyên ý định sẽ làm thêm điều gì đó có ý nghĩa hơn, như bắc một nhịp cầu cho những bạn trẻ nghèo “có đầy khát khao, chỉ thiếu một cơ hội” như mình ngày xưa…
Theo Nguyễn Tiến Đông BìnhSài Gòn Tiếp Thị